Đau vai có thể phát triển từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như viêm gân, viêm khớp, rách sụn và nhiều tình trạng bệnh lý và chấn thương khác. Một nguyên nhân phổ biến khác của tình trạng đau vai là do dây thần kinh bị chèn ép ở cột sống trên, còn được gọi là hội chứng vai cánh tay hay bệnh lý rễ tủy cổ (Cervical radiculopathy).
Một số nguyên nhân phổ biến khiến đau dây thần kinh đốt sống cổ bao gồm:
Thoái hóa đĩa đệm: Theo thời gian, các đĩa đệm ở giữa các đốt sống cổ có thể dần bị mòn. Kết quả là các xương có thể xích lại gần nhau hơn và gia tăng khả năng cọ xát với các dây thần kinh. Đôi khi, một người sẽ phát triển xương trên đốt sống, được gọi là gai xương. Những thứ này cũng có thể đè lên dây thần kinh vai.
Thoát vị đĩa đệm: Đôi khi đĩa đệm có thể nhô ra ngoài và đè lên các dây thần kinh lân cận. Một người sẽ có xu hướng nhận thấy các cơn đau này nhiều hơn khi thực hiện các hoạt động như vặn người, uốn cong hoặc nâng vật nặng.
Chấn thương cấp tính: Một người có thể bị chấn thương, chẳng hạn như do tai nạn xe cộ hoặc chấn thương thể thao, gây thoát vị đĩa đệm hoặc viêm mô trong cơ thể. Tình trạng này có thể đè lên các dây thần kinh.
Để xác định nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh cổ vai gáy, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, khám sức khỏe và yêu cầu thực hiện xét nghiệm hình ảnh.
Nếu bạn bị đau vai do dây thần kinh bị chèn ép, thực hiện thăm khám kỹ lưỡng ở vùng cổ và vai sẽ giúp chẩn đoán vấn đề. Có một số dấu hiệu giúp bạn và bác sĩ xác định hướng đi chính xác hơn, chẳng hạn:
Dây thần kinh bị chèn ép thường gây ra đau ở một bên vai và thường là cảm giác đau nhói, không giống với cảm giác đau âm ỉ hoặc căng cơ khi hoạt động cơ bắp quá sức.
Cơn đau có thể trầm trọng hơn khi bạn quay đầu từ bên này sang bên kia.
Đau cổ và đau đầu phía sau cổ cũng là dấu hiệu cho thấy nguyên nhân của những khó chịu này có thể là do dây thần kinh bị chèn ép.
Bạn cũng có thể cảm thấy như bị kim châm ở vai và khớp có thể tê hoặc yếu khi bạn cố gắng nâng vật gì đó. Trong một số trường hợp, triệu chứng có thể kéo dài từ vai xuống cánh tay và đến bàn tay.
Một chuyên gia về cột sống có thể xác định dây thần kinh nào đang bị chèn ép dựa trên vị trí và các triệu chứng mà bạn trình bày. Tuy nhiên, để có một chẩn đoán chính xác, một cuộc kiểm tra toàn diện cũng là cần thiết. Điều này bao gồm việc kiểm tra thể chất vùng cổ và vai của bạn.
Bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra phản xạ, cảm giác và sức mạnh của bạn. Bạn có thể được yêu cầu thực hiện một số động tác hoặc vận động để tìm nguyên nhân gây ra các cơn đau. Việc cung cấp thông tin chi tiết về các triệu chứng đau vai cũng rất quan trọng.
Hãy nói cho bác sĩ biết thường khi nào thì cơn đau bắt đầu và các yếu tố gây ra cơn đau vai. Đồng thời, giải thích hoặc chỉ ra những yếu tố làm thuyên giảm cơn đau. Bên cạnh đó, nếu bạn từng bị thương ở cổ hoặc vai, hãy cung cấp thông tin chi tiết về vết thương đó. Vì dây thần kinh ở cột sống ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe của bạn, hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong thói quen đại tiện hoặc chức năng bàng quang.
Ngoài những thăm khám ban đầu, thì việc chẩn đoán thông qua xét nghiệm hình ảnh cũng rất quan trọng. Trong đó, 2 phương pháp chủ yếu để chẩn đoán đau vai bao gồm: chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ.
Chụp X-quang cung cấp chi tiết về xương trong cột sống, nhưng không hiển thị các dây thần kinh và đĩa đệm. Tuy nhiên, nó có thể giúp bác sĩ đánh giá mức độ hẹp giữa các đốt sống và sự phát triển của gai xương. Đối với cơn đau tập trung ở vai, có thể chụp X-quang khớp để tìm dấu hiệu viêm khớp hoặc chấn thương xương.
Chụp cộng hưởng từ MRI thường hữu ích hơn trong việc chẩn đoán dây thần kinh bị chèn ép. Điều này bởi vì nó cho phép hiển thị sức khỏe của các dây thần kinh và đĩa đệm mà không gây đau và không sử dụng bức xạ.
Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ hoặc siêu âm (một xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn khác) có thể cho thấy mô mềm ở vai và xác định xem cơn đau có phải do dây chằng hoặc gân bị tổn thương hay không.
Nếu nguyên nhân gây đau vai là do dây thần kinh bị chèn ép, bác sĩ có thể đề nghị vật lý trị liệu để cải thiện sức mạnh và tính linh hoạt ở cổ và vai của bạn. Bạn cũng có thể được khuyên hạn chế cử động cổ, điều này có thể được thực hiện bằng việc đeo vòng cổ mềm trong thời gian ngắn.
Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm sử dụng thuốc giảm đau chống viêm hoặc tiêm steroid vào vùng dây thần kinh bị ảnh hưởng. Tiêm steroid có thể làm giảm đau và sưng.
Trong trường hợp vấn đề nghiêm trọng, phẫu thuật có thể là một lựa chọn để loại bỏ gai xương chèn ép dây thần kinh. Vì dây thần kinh bị chèn ép là một vấn đề rất dễ xảy ra nên nếu có cơn đau dai dẳng ở vai, bạn nên chủ động đi thăm khám từ sớm. Nếu cơn đau do một tình trạng khác gây ra, tốt hơn hết là bạn nên tìm hiểu nguyên nhân để tránh bị tổn thương và giảm bớt sự khó chịu.
Dây thần kinh bị chèn ép ở vai có thể gây ra cảm giác đau đớn, yếu cơ, tê và ngứa ran ở bàn tay, cánh tay. Thông thường, các biện pháp không kê đơn có thể giúp giảm phần lớn các triệu chứng. Tuy nhiên nếu các phương pháp trên vẫn không hiệu quả thì vẫn còn có lựa chọn phẫu thuật. Hãy chủ động trao đổi với bác sĩ để có phương án điều trị đau dây thần kinh vùng cổ phù hợp nhất.
17
Bài viết hữu ích?
Bài viết hữu ích?
17
Bài viết hữu ích?