Zalo

Thuốc Venofer bổ sung sắt có đặc điểm gì?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Sắt là một trong những khoáng chất vi lượng thiết yếu của cơ thể người. Thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu, đặc biệt là ở bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính (CKD). Khi đó, chỉ định bù sắt sẽ được đặt ra và bác sĩ có thể lựa chọn thuốc Venofer. Vậy Venofer chứa hoạt chất gì, công dụng ra và cần sử dụng như thế nào?

1. Thành phần, công dụng của thuốc Venofer

Thuốc Venofer chứa thành phần chính là sắt sucrose. Theo bác sĩ, sắt là khoáng chất rất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là tham gia tạo máu và vận chuyển oxy đến các cơ quan. Venofer được sử dụng để điều trị thiếu máu do thiếu sắt ở những bệnh nhân mắc bệnh suy thận. 

Chú ý: thuốc sắt Venofer không được dùng để điều trị các dạng thiếu máu không phải do thiếu sắt.

Về cách bào chế, thuốc Venofer được sản xuất trong lọ đơn liều 5mL và 10mL. Trong đó mỗi lọ 5mL chứa 100mg sắt nguyên tố còn mỗi lọ 10mL chứa 200mg sắt nguyên tố (nồng độ 20mg/mL) và hoàn toàn không chứa chất bảo quản.

Thuốc sắt Venofer không được dùng để điều trị các dạng thiếu máu không phải do thiếu sắt
Thuốc sắt Venofer không được dùng để điều trị các dạng thiếu máu không phải do thiếu sắt

2. Đặc điểm nổi bật của thuốc sắt Venofer

Thuốc Venofer bào chế ở dạng tiêm truyền và chỉ được sử dụng để điều trị thiếu máu do thiếu sắt (IDA) ở những trường hợp mắc bệnh thận mãn tính (CKD). Sản phẩm Venofer chỉ được sử dụng cho nhóm đối tượng người trưởng thành và trẻ em trên 2 tuổi.

Một số phản ứng quá mẫn nghiêm trọng liên quan đến thuốc sắt Venofer đã được báo cáo, bao gồm các phản ứng kiểu phản vệ và một số phản ứng đe dọa tính mạng khác. Theo đó, bệnh nhân sau truyền thuốc Venofer có thể bị sốc, hạ huyết áp đáng kể về mặt lâm sàng, thậm chí mất ý thức hoặc suy hô hấp tuần hoàn. Do đó, khi xuất hiện các phản ứng quá mẫn hoặc có những biểu hiện không dung nạp trong quá trình tiêm truyền thì phải ngừng sử dụng thuốc Venofer ngay lập tức. 

Các chuyên gia khuyến cáo cần theo dõi bệnh nhân cẩn thận, đặc biệt là các dấu hiệu và triệu chứng quá mẫn, cả trong và sau khi truyền thuốc Venofer ít nhất 30 phút và cho đến khi bệnh nhân đã ổn định về mặt lâm sàng sau khi truyền xong. Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc sắt Venofer khi có sẵn nhân viên y tế và các phương pháp cấp cứu để sẵn sàng xử trí các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng. Theo nhà sản xuất, hầu hết các phản ứng liên quan đến các chế phẩm sắt tiêm truyền tĩnh mạch, bao gồm thuốc sắt Venofer, sẽ xảy ra trong vòng 30 phút sau khi kết thúc quá trình truyền thuốc.

Venofer có thể gây hạ huyết áp đáng kể về mặt lâm sàng, vì vậy các chuyên gia khuyến cáo nên theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng hạ huyết áp sau mỗi lần dùng thuốc Venofer. Tình trạng hạ huyết áp sau khi dùng Venofer có thể liên quan đến tốc độ truyền hoặc tổng liều được bác sĩ chỉ định.

Quá trình điều trị bằng các chế phẩm sắt qua đường tiêm truyền tĩnh mạch, bao gồm thuốc Venofer, đều có thể gây tăng dự trữ sắt quá mức trong cơ thể và dẫn đến căn bệnh Hemosiderosis do điều trị. Do đó, tất cả bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc Venofer đều cần được theo dõi và xét nghiệm máu định kỳ về các thông số huyết học và sắt, bao gồm Hemoglobin, Hematocrit, Ferritin huyết thanh và độ bão hòa Transferrin. Tuyệt đối không dùng thuốc Venofer cho bệnh nhân có bằng chứng quá tải sắt và cần lưu ý một vấn đề là giá trị độ bão hòa Transferrin (TSAT) sẽ tăng nhanh sau khi tiêm tĩnh mạch sắt sucrose nên không thực hiện xét nghiệm này trong ít nhất 48 giờ sau kết thúc điều trị.

Một số vấn đề bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Venofer:

  • Tiền sử dị ứng với các chế phẩm thuốc sắt dạng tiêm truyền;
  • Tiền sử hoặc đang mắc bệnh nhiễm sắc tố sắt mô (Hemochromatosis) hoặc quá tải sắt;
  • Đang mang thai hoặc dự định có thai. Hoạt chất sắt sucrose trong Venofer có thể gây hại cho thai nhi, đặc biệt nếu bà bầu có các phản ứng nặng với thuốc, trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3. Tuy nhiên việc không điều trị thiếu máu thiếu sắt khi mang thai có thể gây ra các biến chứng như sinh non hoặc nhẹ cân, do đó bệnh nhân và bác sĩ cần thảo luận và cân nhắc về những lợi ích cũng như tác hại của thuốc Venofer trước khi quyết định sử dụng.
Khi muốn bổ sung sắt cho các đối tượng thiếu máu, thiếu sắt, các chuyên gia sẽ chỉ định truyền Venofer
Khi muốn bổ sung sắt cho các đối tượng thiếu máu, thiếu sắt, các chuyên gia sẽ chỉ định truyền Venofer

3. Phác đồ sử dụng thuốc Venofer

Liều lượng của thuốc sắt Venofer được biểu thị thông qua số mg sắt nguyên tố (Cần nhắc lại mỗi mL thuốc sẽ chứa 20mg sắt nguyên tố). Hầu hết bệnh nhân CKD sẽ cần liều bổ sung tích lũy tối thiểu là 1.000mg sắt nguyên tố, được dùng qua các đợt điều trị liên tiếp nhằm đạt được giới hạn thuận lợi về chỉ số Hemoglobin và bổ sung lượng sắt dự trữ (Ferritin, TSAT). Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể tiếp tục điều trị bằng thuốc Venofer hoặc các chế phẩm sắt tiêm tĩnh mạch khác ở liều thấp nhất có hiệu quả nhằm duy trì mức Hemoglobin mục tiêu và các thông số xét nghiệm về dự trữ sắt trong giới hạn chấp nhận.

Thuốc sắt Venofer chỉ được sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch bằng cách tiêm chậm hoặc truyền tĩnh mạch, cụ thể như sau:

  • Bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính phụ thuộc chạy thận nhân tạo (HDD-CKD): Venofer có thể được dùng dưới dạng không pha loãng để tiêm tĩnh mạch chậm liều 100mg trong 2 đến 5 phút hoặc dưới dạng pha loãng 100mg trong tối đa 100mL NaCl 0.9% và truyền tĩnh mạch chậm trong khoảng thời gian ít nhất 15 phút cho mỗi lần chạy thận nhân tạo liên tiếp. Liều tích lũy cần đạt vẫn là 1000mg sắt nguyên tố;
  • Bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính không phụ thuộc chạy thận nhân tạo (NDD-CKD): Thuốc Venofer được dùng với tổng liều tích lũy là 1000mg trong thời gian 14 ngày. Cách dùng cụ thể là tiêm mạch chậm 2-5 phút với liều 200mg (không pha loãng) mỗi lần và tổng 5 lần trong khoảng thời gian 14 ngày. Kinh nghiệm lâm sàng còn hạn chế về việc truyền tĩnh mạch liều 500mg thuốc Venofer (pha loãng trong tối đa 250mL NaCl 0.9%) trong khoảng thời gian 3.5-4 giờ vào ngày 1 và ngày 14;
  • Bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính phụ thuộc vào lọc màng bụng (PDD-CKD): Thuốc sắt Venofer sử dụng để đạt tổng liều tích lũy 1000mg sắt nguyên tố chia làm 3 lần với cách dùng là truyền tĩnh mạch chậm trong khoảng thời gian 28 ngày. Cụ thể là 2 lần truyền 300mg trong 1.5 giờ cách nhau 14 ngày, sau đó là một lần truyền 400mg trong 2.5 giờ 14 ngày sau đó. Thuốc Venofer khi dùng cần được pha loãng trong tối đa 250mL NaCl 0.9%.

Người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ và nhân viên y tế nếu xuất hiện những triệu chứng sau trong khi dùng thuốc Venofer:

  • Cảm giác khó chịu ở vị trí tiêm truyền thuốc;
  • Đau lói ngực;
  • Tăng huyết áp với biểu hiện đau đầu dữ dội, mờ mắt, ù tai;
  • Hạ huyết áp với biểu hiện choáng váng, sắp ngất;
  • Dấu hiệu viêm dạ dày như đầy hơi, buồn nôn, nôn ói, chán ăn, tiêu chảy, sốt.

Một số phản ứng bất lợi liên quan đến thuốc sắt Venofer:

  • Người lớn: Các phản ứng bất lợi thường gặp nhất bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, đau đầu, chóng mặt, hạ huyết áp, ngứa, đau tứ chi, đau khớp, đau lưng, chuột rút cơ, phản ứng tại chỗ tiêm, đau ngực và phù ngoại biên;
  • Trẻ em: Các phản ứng bất lợi thường gặp nhất là đau đầu, nhiễm siêu vi đường hô hấp, viêm phúc mạc, nôn ói, sốt, chóng mặt, ho, buồn nôn, huyết khối lỗ rò động tĩnh mạch, hạ hoặc tăng huyết áp.

Tóm lại, khi muốn bổ sung sắt cho các đối tượng thiếu máu, thiếu sắt, các chuyên gia sẽ chỉ định truyền Venofer. Tuy nhiên cần lưu ý những khách hàng có thiếu máu cần được tìm hiểu nguyên nhân. Kiểm tra xét nghiệm máu nên được thực hiện trong vòng 1 tháng kể từ khi bắt đầu liệu pháp truyền sắt qua đường tĩnh mạch và lặp lại ít nhất sau 3 tuần kể từ khi đã hoàn thành liệu trình truyền sắt.

Nguồn: accessdata.fda.gov - venofer.com

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Nên bổ sung sắt khi nào là tốt nhất?

Nên bổ sung sắt khi nào là tốt nhất?

Khi nào cần xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt?

Khi nào cần xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt?

Vì sao bạn bị đau đầu do thiếu sắt?

Vì sao bạn bị đau đầu do thiếu sắt?

Hướng dẫn xem chỉ số thiếu máu thiếu sắt trong kết quả xét nghiệm

Hướng dẫn xem chỉ số thiếu máu thiếu sắt trong kết quả xét nghiệm

Thiếu sắt ảnh hưởng như thế nào tới toàn bộ cơ thể?

Thiếu sắt ảnh hưởng như thế nào tới toàn bộ cơ thể?

27

Bài viết hữu ích?