Zalo

Rối loạn chuyển hóa calci là bệnh gì và tác hại đối với sức khỏe?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Calci là một chất có vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh, hoạt động co cơ và nhiều quá trình trao đổi chất khác nhau trong cơ thể. Khi cơ thể bị rối loạn chuyển hóa canxi máu sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên nhiều cơ quan khác nhau như cơ xương khớp, thận… Vì vậy, việc hiểu rõ cơ chế của rối loạn chuyển hóa calci sẽ giúp chúng ta có được cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

1. Rối loạn chuyển hóa calci là gì?

Trước khi tìm hiểu bệnh rối loạn chuyển hóa calci là gì, chúng ta cũng tìm hiểu về calci và vai trò của chúng đối với cơ thể. 

Calci là một trong những khoáng chất có vai trò quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Chúng chiếm 1,5 - 2% trọng lượng cơ thể, có mặt nhiều trong xương, răng và móng và có ít trong máu. Canxi và phospho là hai thành phần cơ bản cấu tạo nên xương và răng, làm cho xương và răng chắc khỏe. Ngoài ra, canxi còn cần cho quá trình hoạt động của thần kinh cơ, hoạt động của tim, trao đổi chất và quá trình đông máu.

Qua đó có thể thấy được vai trò quan trọng của calci đối với cơ thể chúng ta. Vậy bệnh rối loạn chuyển hóa calci là gì?

Bệnh rối loạn chuyển hóa calci là tình trạng tăng hoặc giảm nồng độ calci trong máu so với bình thường, gây ra những triệu chứng và biến chứng lên nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Nồng độ canxi máu bình thường từ 8,8 đến 10,4 mg/dL (2,20 đến 2,60 mmol/L). Khoảng 40% tổng lượng canxi trong máu gắn kết với protein, chủ yếu là albumin. 60% lượng calci còn lại bao gồm canxi ion hóa, canxi kết hợp với phosphate và citrate.

2. Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh rối loạn chuyển hóa calci?

2.1 Nguyên nhân của bệnh rối loạn chuyển hóa calci

Nồng độ canxi trong máu phụ thuộc vào ba yếu tố là lượng canxi được đưa vào cơ thể mỗi ngày thông qua ăn uống các thực phẩm có chứa canxi, sự hấp thu canxi tại ruột và sự bài tiết canxi tại thận. Các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến ba yếu tố trên là những nguyên nhân gây rối loạn chuyển hoá canxi máu và được chia thành nguyên nhân gây tăng canxi máu và nguyên nhân hạ canxi máu.

Các nguyên nhân gây tăng canxi máu bao gồm

  • Cường cận giáp là một rối loạn toàn thân do tiết ra quá nhiều hormon tuyến cận giáp (PTH) của một hoặc nhiều tuyến cận giáp. Đây có thể là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng canxi máu. Tỷ lệ mắc cường cận giáp tăng theo độ tuổi và cao hơn ở phụ nữ sau mãn kinh. Bệnh cũng xảy ra với tỷ lệ cao ở độ tuổi ≥ 30 sau khi xạ trị vùng cổ. PTH làm tăng nồng độ canxi máu với các cơ chế như tăng hấp thu canxi ở thận và ruột, nhanh chóng huy động canxi và phosphate từ xương (gây hủy xương), tăng cường tái hấp thu canxi ở ống lượn xa của thận và kích thích chuyển đổi vitamin D đến dạng hoạt động mạnh nhất của nó.
  • Ung thư cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tăng canxi máu. Cơ chế gây bệnh là do kết quả của việc sản xuất tại chỗ các cytokines hoặc prostaglandin kích thích các tế bào hủy xương gây hủy xương hoặc các tế bào khối u trực tiếp gây hủy xương bởi hoặc cả hai cơ chế. Một số ung thư thường gặp như: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến, đa u tuỷ, ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư hạch.
  • Ngoài ra, một số bệnh có thể làm tăng nồng độ vitamin D trong máu, kích thích hấp thu canxi nhiều hơn từ đường tiêu hoá như bệnh lao, bệnh sarcoidosis phổi, suy thận, nhiễm độc giáp, bệnh Paget xương.

Nguyên nhân gây hạ canxi máu thường gặp

  • Suy tuyến cận giáp thường gây hạ canxi máu và tăng phosphat máu và gây ra các cơn tetani mãn tính. Suy tuyến cận giáp có thể xảy ra do rối loạn tự miễn hoặc bị tổn thương sau khi tình cờ bị cắt bỏ hoặc tổn thương nhiều tuyến cận giáp trong phẫu thuật cắt tuyến giáp gây thiếu hụt hormon cận giáp (PTH).
  • Giả suy tuyến cận giáp là rối loạn xảy ra không phải do thiếu hụt hormone PTH mà là do cơ quan đích kháng lại PTH. Giả suy tuyến cận giáp là một bệnh lý có tính di truyền.
  • Thiếu hụt vitamin D cũng làm hạ canxi máu. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi từ thực phẩm tại đường tiêu hoá. Khi thiếu vitamin D sẽ làm hạn chế quá trình hấp thu canxi trong cơ thể sẽ gây ra lượng canxi trong máu thấp (hạ canxi máu). 
rối loạn chuyển hóa calci
Thiếu hụt vitamin D cũng làm hạ canxi máu 
  • Bệnh suy thận, bệnh lý tại ống thận có thể gây hạ canxi máu nặng do mất canxi qua thận bất thường và giảm chuyển hóa vitamin D ở thận.
  • Ngoài ra có một vài nguyên nhân khác có thể kể đến như: viêm tụy cấp, sử dụng một số thuốc rifampin, thuốc chống động kinh… hoặc thiếu hụt magie.

2.2 Dấu hiệu bệnh rối loạn chuyển hóa calci

Rối loạn chuyển hóa calci gây ảnh hưởng trên nhiều hệ cơ quan trong cơ thể với nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau.

Khi bị tăng canxi máu nhẹ, nhiều người bệnh thường không có triệu chứng. Khi nồng độ canxi máu cao và kéo dài, người bệnh sẽ có các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn và nôn, đau bụng, táo bón, tắc ruột và suy giảm khả năng cô đặc nước tiểu tại thận dẫn đến tiểu nhiều, tiểu đêm và khát nước. Khi nồng độ canxi huyết thanh > 12 mg/dL (> 3.00 mmol/L) có thể gây ra lú lẫn, mê sảng, loạn thần, sững sờ, và hôn mê. 

Khi bị hạ canxi máu nhẹ, người bệnh thường cũng không có triệu chứng. Hạ canxi máu nặng và kéo dài có thể gây co cơ vùng lưng và chi, sa sút trí tuệ, trầm cảm, hoặc rối loạn tâm thần không giải thích được.

Trường hợp cơn hạ canxi máu cấp tính với nồng độ canxi huyết thanh < 7 mg/dL (< 1.75 mmol/L) sẽ gây cơn tetani với các triệu chứng như người bệnh xuất hiện rối loạn cảm giác tê bì đầu chi, lưỡi và quanh miệng, kèm theo lo lắng, hồi hộp, thở nhanh. Bên cạnh đó cũng xuất hiện thêm tình trạng đau kiểu chuột rút, các cơ co bóp…. Một số người cũng có thể bị tình trạng da khô và vảy, móng dễ gãy, tóc khô đây cũng có thể là triệu chứng của hạ canxi máu. 

rối loạn chuyển hóa calci
Đau cơ chuột rút là một trong những triệu chứng của rối loạn canxi máu

3. Hậu quả của rối loạn chuyển hóa calci trong cơ thể

Calci có nhiều vai trò quan trọng đối với hệ cơ xương khớp, thần kinh, tim và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh rối loạn chuyển hóa calci có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho dù là tăng hay hạ nồng độ calci máu.

Tăng canxi máu

  • Gây khó chịu cho người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hoá cũng như tiết niệu.
  • Có thể gây lú lẫn, mê sảng, loạn thần và hôn mê nếu nồng độ canxi máu tăng cao. 
  • Ít gặp hơn, tình trạng tăng canxi máu kéo dài hoặc nghiêm trọng gây ra tổn thương thận cấp tính có thể hồi phục hoặc tổn thương thận không hồi phục do kết tủa muối canxi trong nhu mô thận.
  • Trong trường hợp tăng canxi máu nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sự co bóp cơ tim dẫn đến loạn nhịp tim có thể xảy ra, đặc biệt ở những bệnh nhân dùng digoxin. Tăng canxi máu > 18 mg/dL (> 4,50 mmol/L) có thể gây sốc, suy thận và tử vong.

Hạ canxi máu

  • Xuất hiện các triệu chứng co thắt co giật cơ gây đau
  • Người lớn dễ mắc bệnh loãng xương, gãy xương trong khi trẻ em thì nhỏ con, còi xương, chậm phát triển
  • Gây thiểu năng trí tuệ, trầm cảm, lú lẫn
  • Những trẻ bị thiếu canxi thường có biểu hiện hay giật mình, hay khóc đêm

Như vậy, bệnh rối loạn chuyển hóa calci là một bệnh lý xảy ra do sự tăng hoặc giảm nồng độ canxi máu được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ mắc rối loạn chuyển hoá canxi thì cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Nguồn: sciencedirect.com - msdmanuals.com

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Trần Thị Thuý Hiếu xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách giảm mỡ vùng cổ

Có cần phải điều trị béo phì độ 1 không?

Có cần phải điều trị béo phì độ 1 không?

Bệnh béo phì là nguy cơ dẫn đến bệnh nào?

Bệnh béo phì là nguy cơ dẫn đến bệnh nào?

Làm sao để hạn chế rối loạn chuyển hóa axit uric?

Làm sao để hạn chế rối loạn chuyển hóa axit uric?

Vì sao người béo phì bị bệnh tim mạch nhiều?

Vì sao người béo phì bị bệnh tim mạch nhiều?

51

Bài viết hữu ích?