Zalo

Mục đích của xét nghiệm CA 15.3

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Ung thư vú là bệnh lý nguy hiểm, gây tử vong đứng hàng đầu ở nữ giới. Do đó, phát hiện sớm ung thư vú và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Trong đó, xét nghiệm CA 15.3 rất có giá trị trong hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi sự phát triển của khối u vú.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1. Xét nghiệm CA 15.3 là gì?

Ung thư vú là 1 dạng u vú ác tính, thường bắt đầu từ ống dẫn sữa. Nếu phát hiện và điều trị muộn, ung thư vú có thể di căn vào xương và các bộ phận khác và gây ra hậu quả nặng nề cho người bệnh. Ngược lại, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi. Khoảng 80% người bệnh được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm. Các nhà khoa học đã liên tục đưa ra những kỹ thuật y học tiên tiến giúp cho việc chẩn đoán ung thư dễ dàng hơn thông qua phát hiện các marker (chất chỉ điểm) ung thư có trong máu. Trong đó, xét nghiệm CA 15.3 là xét nghiệm có giá trị hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi sự phát triển của khối vú ác tính:

  • CA 15.3 (của Carbohydrate antigen 15.3) có bản chất là glycoprotein xuyên màng lớn, là 1 chất chỉ điểm đặc biệt có trong máu của người bị bệnh lành tính và ác tính của vú. CA 15.3 được phân bố chủ yếu ở ngoài tế bào, màng tế bào và dịch bào. Ở các tế bào ác tính, có sự sản xuất quá mức CA 15.3 và chúng được đưa vào tuần hoàn, dịch cơ thể. Dựa vào đó, có thể sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện.
  • Xét nghiệm CA 15.3 là định lượng nồng độ CA 15.3  bằng phương pháp hóa sinh miễn dịch với công nghệ hóa phát quang. CA 15.3 trong mẫu thử đóng vai trò kháng nguyên được kẹp giữa 2 kháng thể là kháng thể đơn dòng đặc hiệu kháng CA 15.3 đánh dấu biotin và kháng thể đơn dòng đặc hiệu kháng CA 15.3 đánh dấu ruthenium tạo thành phức hợp miễn dịch kiểu “bánh mì kẹp thịt”. Cường độ phát quang tỉ lệ thuận với nồng độ CA 15.3 trong mẫu thử.
Xét nghiệm CA 15.3 giúp chẩn đoán ung thư vú giai đoạn sớm
Xét nghiệm CA 15.3 giúp chẩn đoán ung thư vú giai đoạn sớm

2. Mục đích của xét nghiệm CA 15.3 là gì?

CA 15.3 tham gia vào quá trình kết dính và làm giảm mức độ của các chất nền giữa hai tế bào với ngoại bào. Chính điều này làm giảm sự tương tác giữa 2 tế bào với nhau, tức là mức độ tăng giảm của CA 15.3 có phần liên quan đến sự di căn, tái phát của ung thư vú. Mặc khác, chỉ số xét nghiệm CA 15.3 chỉ tăng khoảng 10% khi bị ung thư vú giai đoạn sớm, có đến 30% trường hợp ung thư nhưng nồng độ CA 15.3 không thay đổi. Khi ung thư vú đã di căn thì CA 15.3 tăng đến 70%.  Do vậy, xét nghiệm CA 15.3 không có tác dụng lớn trong tầm soát ung thư vú, nó mang mục đích theo dõi điều trị, theo dõi di căn và sự tái phát trở lại của ung thư, cụ thể:

  • Trong điều trị: Xét nghiệm CA 15.3 thường được kết hợp với các cận lâm sàng khác như estrogen, progesterone, HER2/neu, kiểm tra biểu hiện gen ung thư vú để xác định đặc điểm ung thư và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
  • Sau khi điều trị ung thư vú, người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm CA 15.3 định kỳ để theo dõi hiệu quả của điều trị và đánh giá nguy cơ tái phát. Xét nghiệm CA 15.3 ít khi được chỉ định trong những trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm vì ở thời điểm này chỉ số xét nghiệm CA 15.3 hiếm khi tăng.

3. Ý nghĩa của chỉ số xét nghiệm CA 15.3 là gì?

Xét nghiệm CA 15.3 có ý nghĩa định hướng chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, khi chỉ số xét nghiệm CA 15.3  tăng không đồng nghĩa là mắc ung thư vú. Ngược lại, giá trị CA 15-3 bình thường cũng không loại trừ nguy cơ mắc ung thư vì có 20 – 30% người bệnh ung thư vú có nồng độ CA 15-3 vẫn không cao. Mặc khác, kết quả xét nghiệm CA 15.3  có thể bị ảnh hưởng bởi huyết tán, lipid máu cao, huyết thanh chứa nhiều fibrin, sau khi ăn, ...  Vì vậy, khi nhận kết quả, bác sĩ sẽ giải thích và tư vấn ý nghĩa của chỉ số xét nghiệm CA 15.3 là gì cho người bệnh như sau:

  • Bình thường, nồng độ CA 15.3 trong máu là < 30 U/ml.
  • Xét nghiệm CA 15.3 rất hữu ích để chẩn đoán và đánh giá di căn của ung thư vú. Trong giai đoạn đầu khi khối u chưa phát triển và di căn thì thường rất ít triệu chứng lâm sàng rõ ràng nên lúc này các cận lâm sàng đóng vai trò quan trọng trong định hướng chẩn đoán.
  • Trong chẩn đoán ung thư vú, kết hợp xét nghiệm CA 15.3 và xét nghiệm CEA sẽ tăng độ nhạy của chẩn đoán lên 10%.
  • Chỉ số xét nghiệm CA 15.3 tăng 10% ở các khối u vú lành tính, 30 – 50% ở ung thư vú chưa di căn và 70 – 80% ở ung thư vú di căn. Xét nghiệm CA 15.3 cho kết quả tăng cao khi ung thư vú đã di căn đến các cơ quan khác.
  • Trong trường hợp không phải ung thư thì giá trị CA 15.3 có xu hướng ổn định theo thời gian.
  • Chỉ số xét nghiệm CA 15.3 được sử dụng để theo dõi hiệu quả điều trị của ung thư vú, nhất là ở các trường hợp có nồng độ CA 15.3 ban đầu cao hơn bình thường.
  • Theo dõi tiến triển sau mổ: Xét nghiệm CA 15.3 được thực hiện sau 6 tuần sau phẫu thuật và làm nhiều đợt sau đó từ 12 – 40 tháng để theo dõi ung thư tái phát. Kết hợp xét nghiệm CA 15.3 và CEA sẽ tăng tỉ lệ chẩn đoán tái phát và di căn của ung thư vú lên 80%.
  • Với những trường hợp đang trong thời gian điều trị hóa chất ở giai đoạn ung thư vú di căn thì nên làm xét nghiệm CA 15.3 kiểm tra mỗi tháng 1 lần.

Ngoài ra, chỉ số xét nghiệm CA 15.3 còn tăng trong một số bệnh lý khác như: Bệnh tuyến vú lành tính (viêm tuyến vú, xơ nang tuyến vú, viêm nội mạc tử cung, lupus ban đỏ hệ thống và lao), ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, phụ nữ có thai và trong thời kỳ cho con bú. Do đó, để có hiệu quả cao trong chẩn đoán và theo dõi bệnh, nên thực hiện xét nghiệm CA 15.3 kết hợp với các cận lâm sàng khác như siêu âm vú, X-quang vú và khám lâm sàng.

Xét nghiệm CA 15.3 được sử dụng để theo dõi hiệu quả điều trị
Xét nghiệm CA 15.3 được sử dụng để theo dõi hiệu quả điều trị

4. Giá trị của xét nghiệm CA 15.3 với người thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa

Theo nhiều nghiên cứu, thừa cân béo phì dẫn đến nhiều bệnh tật. Trong đó, thừa cân béo phì là 1 trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư vú. Có nhiều mô mỡ hơn có thể làm tăng khả năng mắc ung thư vú do tăng nồng độ estrogen. Ngoài ra, những phụ nữ thừa cân có xu hướng có mức insulin cao hơn và mức insulin cao hơn có liên quan đến một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư vú. Béo phì có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh và hậu quả bệnh nặng nề hơn đối với phụ nữ ở bất kỳ lứa tuổi nào. Mối liên hệ giữa trọng lượng cơ thể quá mức và ung thư vú cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Ví dụ, vị trí phân bố của mỡ thừa trong cơ thể. Mỡ thừa quanh bụng đáng lo ngại và nguy hiểm hơn mỡ thừa quanh đùi hoặc hông. Xét nghiệm CA 15.3 giúp những người thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú. Tóm lại, xét nghiệm máu là 1 phần quan trọng của kiểm tra sức khỏe tổng quát, giúp bác sĩ chẩn đoán hoặc theo dõi tình trạng bệnh lý cụ thể của người bệnh, giúp người bệnh chủ động theo dõi và quản lý sức khỏe, đặc biệt là với các những người có vấn đề về cân nặng, chuyển hóa,...Trong trường hợp bạn đang nghi ngờ bản thân mình gặp các vấn đề sức khỏe thì nên đăng ký xét nghiệm máu tổng quát tại các cơ sở y tế uy tín. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có những tư vấn  tốt nhất về tình trạng sức khỏe của bạn và hướng xử lý phù hợp.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Xét nghiệm CA 72-4 là gì?

Xét nghiệm CA 72-4 là gì?

Chỉ số Glucose trong máu bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số Glucose trong máu bình thường là bao nhiêu?

Xét nghiệm máu CA 15-3 là gì?

Xét nghiệm máu CA 15-3 là gì?

Xét nghiệm máu phát hiện ung thư là những xét nghiệm nào?

Xét nghiệm máu phát hiện ung thư là những xét nghiệm nào?

Chỉ số xét nghiệm máu CEA cao có nguy hiểm không?

Chỉ số xét nghiệm máu CEA cao có nguy hiểm không?

337

Bài viết hữu ích?