Zalo

Các nguyên nhân thiếu vitamin K thường gặp nhất

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Vitamin K là một trong các loại vitamin tan trong chất béo với nhiệm vụ chính là tham gia vào quá trình đông cầm máu của cơ thể. Thiếu vitamin K có thể gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau và đôi khi rất nguy hiểm. Vậy thiếu vitamin K có phổ biến không và nguyên nhân thiếu vitamin K là gì?

1.Thiếu vitamin K có phổ biến không?

Vitamin K tồn tại ở 2 dạng cấu trúc với chức năng tương tự nhau, bao gồm:

  • Phylloquinone hay vitamin K1: Dạng này có nguồn gốc từ thực vật và được đưa vào cơ thể thông qua chế độ ăn uống. Khả năng hấp thu vitamin K1 sẽ cao hơn khi tiêu thụ cùng với chất béo và hoàn toàn không gây độc cho cơ thể;
  • Menaquinone hay vitamin K2: Dạng này được sản xuất tại đường ruột thông qua xúc tác của vi khuẩn với một số lượng rất nhỏ. Ở một số quốc gia, vitamin K2 là dạng được sử dụng để bổ sung cho những người bị thiếu hụt.

Vitamin K có tính chất tương tự như vitamin A, D và E là tan trong chất béo, do đó nó được hấp thụ tốt nhất khi ăn cùng một ít dầu mỡ. Nguồn cung cấp vitamin K tự nhiên bao gồm các loại rau lá xanh (như cải rổ, rau bina và cải xoăn), dầu đậu nành và dầu hạt cải. Vitamin K tham gia vào quá trình tổng hợp các các yếu tố đông máu (bản chất vẫn là protein), do đó có vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng đông cầm máu bình thường của cơ thể, ngoài ra vitamin K còn có nhiệm vụ duy trì sức khỏe của mô xương và một số loại mô khác.

Thiếu vitamin K tương đối hiếm gặp ở người trưởng thành, vì nhiều loại thực phẩm quen thuộc mà chúng ta tiêu thụ mỗi ngày đã đảm bảo đủ nhu cầu vitamin K1, kèm theo đó cơ thể còn có khả năng tự tạo ra vitamin K2. Các bác sĩ cho biết thêm chỉ một số ít trường hợp mắc phải một số vấn đề sức khỏe hoặc sử dụng một số loại thuốc gây cản trở quá trình hấp thụ/sản xuất vitamin K thì mới rơi vào trạng thái thiếu hụt.

Ngược lại với người lớn, thiếu vitamin K ở trẻ em lại phổ biến hơn, đặc biệt là trẻ sơ sinh, và từ đó gây ra tình trạng xuất huyết ở trẻ sơ sinh do thiếu vitamin K (Vitamin K Deficiency Bleeding). Do đó, trẻ sơ sinh thường được bác sĩ tiêm vitamin K chủ động để phòng ngừa căn bệnh này. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ và chưa được tiêm vitamin K dự phòng có nguy cơ cao bị thiếu vitamin K, vì sữa mẹ chỉ chứa một lượng nhỏ vitamin K. Thống kê cho thấy tình trạng chảy máu do thiếu vitamin K dễ xảy ra hơn ở những trẻ bú mẹ, mắc phải các rối loạn gây giảm hấp thu chất béo hoặc rối loạn chức năng gan. Nguy cơ thiếu vitamin K ở trẻ em cũng sẽ tăng lên nếu bà mẹ sử dụng các thuốc chống động kinh (như Phenytoin), thuốc kháng đông hoặc một số loại kháng sinh.

Triệu chứng của thiếu vitamin K ở trẻ em và người lớn đều là chảy máu quá nhiều, và hãy nhớ rằng tình trạng chảy máu hoàn toàn có thể xảy ra ở những khu vực không vết thương. Một số biểu hiện khác của xuất huyết có thể kể đến như:

  • Bầm tím da;
  • Huyết khối nhỏ bên dưới móng tay;
  • Chảy máu niêm mạc;
  • Đi tiêu phân màu đen sẫm và kèm theo một ít máu.

Với trẻ sơ sinh, bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng thiếu vitamin K nếu có những triệu chứng như:

  • Chảy máu khu vực cắt dây rốn;
  • Chảy máu da, mũi, đường tiêu hóa hoặc các khu vực khác;
  • Chảy máu dương vật ở bé trai đã cắt bao quy đầu;
  • Xuất huyết não đột ngột và cực kỳ nguy hiểm, bao gồm cả nguy cơ tử vong.
Vitamin K có tính chất tương tự như vitamin A, D và E là tan trong chất béo
Vitamin K có tính chất tương tự như vitamin A, D và E là tan trong chất béo

2. Các nguyên nhân thiếu vitamin K

Mặc dù thiếu vitamin K không xảy ra phổ biến ở người trưởng thành, tuy nhiên một số đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao khi đi kèm những yếu tố sau:

  • Đang sử dụng thuốc chống đông máu nhóm Coumarin: Loại thuốc này cản trở quá trình tạo ra các yếu tố đông máu;
  • Sử dụng một số loại kháng sinh có tác dụng ức chế sản xuất vitamin K hoặc ảnh hưởng làm giảm hiệu quả của vitamin K;
  • Mắc phải bệnh lý khiến cơ thể không thể hấp thụ chất béo đúng cách (còn gọi là hội chứng kém hấp thu chất béo) như bệnh Celiac, bệnh xơ nang, rối loạn chức năng đường ruột hoặc đường mật hoặc trải qua phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột;
  • Chế độ ăn uống cực kỳ thiếu các nhóm thực phẩm cung cấp vitamin K là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin K ở người trưởng thành. 

Thiếu vitamin K ở trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh, phổ biến hơn vì những nguyên nhân sau:

  • Sữa mẹ chứa rất ít vitamin K;
  • Nguyên nhân thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh có thể do loại vitamin này không đi qua được nhau thai;
  • Gan không sử dụng vitamin một cách hiệu quả;
  • Trẻ sơ sinh không có khả năng tự sản xuất vitamin K2 trong vài ngày đầu tiên sau khi chào đời.
Rau lá xanh chứa rất nhiều vitamin K
Rau lá xanh chứa rất nhiều vitamin K

3. Dự phòng thiếu vitamin K ở trẻ em và người lớn như thế nào?

Sau khi đã xác định được những nguyên nhân gây thiếu vitamin K, vấn đề tiếp theo cần tìm hiểu là phải làm sao để dự phòng tình trạng này. Hiện nay không có khuyến cáo cụ thể về nhu cầu vitamin K cần phải tiêu thụ mỗi ngày, tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng cho biết nhu cầu trung bình là 120 mcg/ngày đối với nam và 90 mcg/ngày đối với nữ. Một số loại thực phẩm, bao gồm cả rau lá xanh, chứa rất nhiều vitamin K và chúng sẽ cung cấp cơ thể đủ nhu cầu mỗi ngày với chỉ một khẩu phần ăn.

Với trẻ sơ sinh, các dự phòng tốt nhất là tiêm một một liều vitamin K duy nhất để ngăn ngừa thiếu hụt cũng như dự phòng chảy máu nghiêm trọng.

Những trường hợp mắc các bệnh làm suy giảm khả năng hấp thu chất béo nên trao với bác sĩ về việc bổ sung vitamin K và xét nghiệm theo dõi nồng độ vitamin K trong máu. Và giải pháp tương tự cũng nên được áp dụng với những bệnh nhân đang dùng Warfarin và các thuốc chống đông máu tương tự.

Về mặt điều trị, thuốc được sử dụng nhiều nhất và đặc hiệu nhất là Phytonadione (tức là vitamin K1). Hầu hết bác sĩ sẽ chỉ định K1 dưới dạng thuốc uống hoặc đôi khi tiêm dưới da. Liều dùng cho người trưởng thành dao động từ 1 đến 25mg Với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu, liều điều trị sẽ nhỏ hơn, chỉ khoảng 1 đến 10mg nhằm hạn chế biến chứng do thuốc chống đông máu cản trở quá trình sản xuất vitamin K của cơ thể. Ở trẻ sơ sinh, các chuyên gia khuyến cáo nên điều trị thiếu hụt bằng cách tiêm một mũi duy nhất với liều lượng ​​từ 0.5 đến 1mg, hoặc liều cao hơn nếu bà mẹ đang sử dụng thuốc chống đông hoặc chống động kinh.

Nếu không được điều trị, thiếu vitamin K ở người lớn có thể dẫn đến tình trạng chảy máu nghiêm trọng và trở nên nguy hiểm, tuy nhiên trong hầu hết trường hợp thì tình trạng thiếu vitamin K đều có thể điều trị được. Với trẻ sơ sinh bị xuất huyết do thiếu vitamin K, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị nhanh chóng thì tiên lượng thường rất tốt. Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu ở mức độ nghiêm trọng (như xuất huyết nội sọ) và bị kéo dài quá lâu hoặc không được điều trị phù hợp, thì các tổn thương não sẽ vĩnh viễn không hồi phục hoặc thậm chí gây tử vong rất nhanh.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng ở mắt

Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng ở mắt

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư buồng trứng

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư buồng trứng

Các yếu tố nguy cơ gây các bệnh chuyển hóa

Các yếu tố nguy cơ gây các bệnh chuyển hóa

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thận

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thận

24

Bài viết hữu ích?