Tăng cholesterol máu là tình trạng bệnh lý thường gặp trong cuộc sống ngày nay. Do đó nhiều người đặc biệt quan tâm đến những dấu hiệu cholesterol cao để can thiệp kịp thời. Vậy triệu chứng cholesterol cao là gì và tình trạng này được chẩn đoán như thế nào?
Trước khi tìm hiểu về những triệu chứng cholesterol cao, chúng ta cần có những khái niệm cơ bản về tình trạng này. Trong Y khoa, cholesterol là khái niệm miêu tả một loại chất béo tồn tại trong máu cũng như tế bào và được sản xuất tại gan. Cholesterol cần thiết cho quá trình hình thành màng tế bào, sản xuất hormone và đảm nhiệm một vài chức năng khác trong cơ thể. Cholesterol cao, cụ thể hơn là cholesterol trong máu cao, được hiểu là khi nồng độ chất béo này cao hơn mức cho phép bình thường. Tình trạng cholesterol cao kéo dài sẽ dẫn đến các nguy cơ và biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là không phải cứ nói đến cholesterol là hoàn toàn "xấu". Trong cơ thể, cholesterol tồn tại máu nhờ vào 2 loại lipoprotein, đóng vai trò vận chuyển là HDL (Lipoprotein tỷ trọng cao) và LDL (Lipoprotein tỷ trọng thấp). Trong phần lớn các trường hợp, cholesterol cao tương ứng với dư thừa LDL-cholesterol (hay còn gọi là cholesterol "xấu"), trong khi đó HDL-cholesterol lại đóng vai trò quan trọng với cơ thể.
2. Nguyên nhân khiến cholesterol cao
Theo bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng cholesterol cao, trong đó hay gặp là những nguyên nhân sau:
Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, có thể kể đến như thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chứa acid béo no, món ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào hoặc thức ăn nhanh;
Thói quen lười vận động, ít hoặc không tập thể dục khiến chất béo và calo dư thừa không được đốt cháy mà tích tụ tăng dần trong cơ thể;
Phụ nữ mãn kinh, độ tuổi trung niên có nguy cơ tăng cholesterol máu;
Di truyền: Trong gia đình có người bị cholesterol máu cao;
Hút thuốc lá, thường xuyên uống rượu bia, nước có ga, nước ngọt hoặc sử dụng chất kích thích;
Ảnh hưởng của một số loại thuốc trong quá trình điều trị;
Mắc phải một số bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp…
3. Những dấu hiệu cholesterol cao
Trong đa số trường hợp, các dấu hiệu của cholesterol cao thường khá thầm lặng, do đó người bệnh thường không phát hiện và rất chủ quan. Nhiều bệnh nhân hoàn toàn không có dấu hiệu cholesterol cao và bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe tổng quát hoặc khi cholesterol cao đã gây ra biến chứng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có nồng độ cholesterol máu cao bất thường có thể xuất hiện một số biểu hiện như sau:
Đau ngực: Đây là một trong những triệu chứng cholesterol cao mà người bệnh thường gặp. Dấu hiệu cholesterol cao là kết quả của sự tích tụ cholesterol trong các động mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim), dẫn đến việc cung cấp oxy cho cơ tim kém đi. Đau ngực có thể chỉ xảy ra khi gắng sức hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi;
Đau bắp chân: Cholesterol cao có thể gây tắc nghẽn động mạch chi dưới, khi đó những cơn đau bắp chân sẽ xuất hiện. Triệu chứng cholesterol cao này không nhất thiết liên quan đến hoạt động thể chất vì hoàn toàn có thể xảy ra ngay cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi;
Rối loạn cương dương: Nam giới có triệu chứng này đôi khi gợi ý nồng độ cholesterol máu đang tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến dấu hiệu cholesterol cao này là do sự lắng đọng chất béo trong các động mạch ngăn cản máu đến dương vật, từ đó gây rối loạn chức năng cương dương;
Rối loạn thần kinh: Khi cholesterol dư thừa tích tụ trong các mạch máu não, các triệu chứng thần kinh như chóng mặt, đau đầu, nói lắp, tê bì tay chân, thay đổi thị lực… có thể xuất hiện. Những dấu hiệu cholesterol cao này đa phần xảy ra thoáng qua;
Khó thở: Tình trạng dư thừa cholesterol trong máu được các bác sĩ đánh giá là một yếu tố nguy cơ tim mạch chính. Do đó, trong nhiều trường hợp bệnh nhân sẽ có hiện tượng khó thở, khi gắng sức hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi, liên quan đến những cơn đau tim;
U vàng (Xanthomas): Đây là những u nhỏ, lành tính, thường có màu hơi vàng và được tạo thành từ các khối cholesterol. Triệu chứng cholesterol cao Xanthomas có thể xuất hiện trong những trường hợp nặng và/hoặc liên quan đến yếu tố gia đình. Người bệnh cần lưu ý khi thấy trên cơ thể xuất hiện những u vàng thường ở những vị trí như mông, vai, mặt duỗi của tay chân và vùng mặt.
4. Chẩn đoán cholesterol cao như thế nào?
Có thể thấy, những dấu hiệu cholesterol cao thường không đặc hiệu hoặc đa phần bệnh nhân không có triệu chứng, do đó việc chẩn đoán chính xác nhất vẫn là thông qua xét nghiệm máu, cụ thể là xét nghiệm bilan lipid máu. Từ lâu xét nghiệm máu đã được coi là 1 phần quan trọng trong việc kiểm tra sức khỏe tổng quát, giúp bác sĩ chẩn đoán hoặc theo dõi tình trạng bệnh lý một cách cụ thể cho khách hàng, giúp khách hàng chủ động theo dõi và quản lý sức khỏe, đặc biệt là với những người có vấn đề về cân nặng, chuyển hóa hay mắc các bệnh lý do thừa cân gây ra. Khi đó, thông qua mẫu máu của người bệnh, máy xét nghiệm sẽ phân tích các chỉ số mỡ máu và căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn về kế hoạch điều trị cho từng trường hợp bệnh nhân. Việc chủ động làm xét nghiệm máu cũng như thăm khám sớm giúp người bệnh hạn chế được tối đa nguy cơ hay những biến chứng có thể gặp do tình trạng cholesterol cao gây nên. Trong xét nghiệm chẩn đoán cholesterol cao, các chỉ số được đánh giá bao gồm cholesterol toàn phần, triglyceride, HDL-cholesterol và LDL-cholesterol. Người bệnh được chẩn đoán là cholesterol cao khi có kết quả như sau:
Cholesterol toàn phần > 6.2 mmol/l;
LDL-cholesterol > 4.1mmol/l;
HDL-cholesterol < 1.03mmol/l;
Triglyceride > 2.3mmol/l.
5. Biến chứng và cách phòng ngừa cholesterol cao
Do đa phần bệnh nhân không có những dấu hiệu của cholesterol cao nên chỉ phát hiện khi xuất hiện các biến chứng, có thể kể đến như:
Hẹp động mạch cảnh;
Bệnh lý mạch vành do xơ vữa;
Nhồi máu cơ tim;
Bệnh động mạch ngoại biên;
Đột quỵ.
Cholesterol cao rất nguy hiểm, do đó chúng ta cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa như sau:
Xét nghiệm cholesterol máu định kỳ: Theo các bác sĩ, triệu chứng cholesterol thường không có hoặc không đặc hiệu, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Khi đó tình trạng cholesterol cao chỉ được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu. Nếu được chẩn đoán sớm thì bệnh nhân có thể khắc phục sớm bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, lối sống hoặc sử dụng thuốc. Với những yếu tố trên, các chuyên gia khuyến cáo nên xét nghiệm cholesterol định kỳ mỗi 4 đến 6 năm, đặc biệt với đối tượng thừa cân, béo phì, mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh tim thì việc xét nghiệm mỡ máu cần thực hiện thường xuyên hơn;
Tập thể dục thường xuyên là một trong những giải pháp hiệu quả để kiểm soát tăng cholesterol máu. Bạn chỉ cần chạy bộ khoảng 30 phút hoặc đi bộ nhanh, bơi lội hoặc khiêu vũ 3-4 lần một tuần là đủ để nồng độ cholesterol máu duy trì ở mức cho phép;
Từ bỏ thuốc lá: Thói quen này vừa làm giảm cholesterol tốt, vừa làm tăng cholesterol xấu, từ đó kéo theo một loạt vấn đề như tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh lý tim mạch;
Duy trì cân nặng ổn định: Khi cân nặng tăng quá mức, đặc biệt là mỡ bụng, có thể làm tăng LDL-cholesterol (xấu) và giảm HDL-cholesterol (tốt). Với những người thừa cân hay béo phì, chỉ cần giảm 10% trọng lượng là có thể thay đổi các chỉ số lipid máu của bản thân, do đó những trường hợp này nên gặp bác sĩ để nhận được những lời khuyên về chế độ tập luyện và dinh dưỡng phù hợp;
Kiểm soát các bệnh mạn tính: Nếu đang mắc các căn bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh nhân cần phải theo dõi thêm chỉ số cholesterol máu thường xuyên. Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ nhằm cải thiện các chỉ số xét nghiệm cholesterol máu.
Có thể thấy các dấu hiệu các dấu hiệu cảnh báo Cholesterol cao trong máu không phải là những dấu hiệu quá điển hình. Tuy nhiên nếu chúng ta biết cách lắng nghe cơ thể và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, việc phát hiện sớm và cải thiện Cholesterol cao trong máu có thể giúp chúng ta hạn chế biến chứng xuống mức thấp nhất.
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số
094 164 8888