Zalo

Các cách bổ sung vitamin E hiệu quả

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Vitamin E là loại vitamin tan trong dầu với nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Hầu hết chúng ta đều sẽ nhận đủ nhu cầu vitamin E thông qua chế độ ăn, tuy nhiên một số trường hợp cần phải tăng cường bổ sung vitamin E. Vậy cách sử dụng vitamin E đúng là gì?

1.Vitamin E là gì?

Trước khi tìm hiểu về vấn đề bổ sung Vitamin E đúng cách, chúng ta nên tìm hiểu sơ lược về loại vitamin này. Theo bác sĩ, vitamin E là 1 trong 4 loại vitamin tan trong dầu và rất cần thiết cho sức khỏe của con người. Về mặt cấu trúc hóa học, Vitamin E tồn tại với 8 dạng cấu trúc hóa học và chúng ta có thể nhận được chúng từ thực phẩm lẫn các chế phẩm bổ sung. Alpha-Tocopherol là dạng vitamin E hoạt động mạnh nhất trong cơ thể người, bản chất là một chất chống oxy hóa có nhiệm vụ bảo vệ và duy trì tính toàn vẹn của màng tế bào. Vitamin E chiến đấu chống lại các phân tử không ổn định trong quá trình phân chia tế bào, hay còn được gọi là các gốc tự do, và chống lại cả các stress oxy hóa (tình trạng mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể). Một số nghiên cứu còn cho thấy chức năng của vitamin E trong việc chống lại bệnh ung thư và nhiều bệnh lý mãn tính khác.

Vitamin E là 1 trong 4 loại vitamin tan trong dầu
Vitamin E là 1 trong 4 loại vitamin tan trong dầu

Một số chức năng khác của vitamin E bao gồm:

  • Duy trì khả năng miễn dịch tế bào và tăng cường hệ thống miễn dịch của toàn cơ thể;
  • Thúc đẩy tính toàn vẹn của mạch máu và ngăn ngừa rò rỉ mạch máu;
  • Hỗ trợ vitamin K trong chức năng đông cầm máu;
  • Hấp thụ năng lượng ánh sáng cực tím (UV) và bảo vệ tế bào da khỏi tác hại của các gốc tự do khi bổ sung vitamin E với mục đích tăng cường sức khỏe làn da

2. Mối liên hệ giữa Vitamin E và một số tình trạng sức khỏe

Để trả lời câu hỏi có nên bổ sung vitamin E hay không, chúng ta nên biết được mối liên hệ của nó với một số tình trạng sức khỏe. Một số bằng chứng khoa học cho thấy vitamin E có tác dụng bảo vệ khỏi một số bệnh lý, tuy nhiên hầu hết các bằng chứng đều đã cũ và mâu thuẫn với nhau. Do đó chúng ta sẽ cần thêm các nghiên cứu trong tương lai về tác động của vitamin E đối với một số tình trạng sức khỏe nhất định.

2.1. Bệnh tim mạch

Theo các chuyên gia, bằng chứng về mối liên hệ giữa vitamin E và bệnh lý tim mạch vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Một nghiên cứu cũ cho thấy việc bổ sung vitamin E có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại không tìm ra sự khác biệt nào về các biến cố tim mạch giữa những người bổ sung và những người không dùng vitamin E.

2.2. Ung thư

Nhiều nghiên cứu chứng minh các chất chống oxy hóa có thể mang lại lợi ích trong việc giảm nguy cơ ung thư thông qua những tác động đến các gốc tự do. Tuy nhiên các nghiên cứu về vitamin E (cũng là một chất chống oxy hóa) trong vấn đề vẫn còn hạn chế. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được thực hiện từ rất lâu cho thấy việc bổ sung vitamin E không giúp ngăn ngừa ung thư ở những người tham gia mắc bệnh mạch máu và đái tháo đường.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác về hiệu quả của việc bổ sung vitamin E và C đối với tỷ lệ tử vong do ung thư bàng quang đã tìm thấy mối liên quan giữa việc bổ sung vitamin E trong thời gian từ 10 năm trở lên và tỷ lệ tử vong do ung thư bàng quang giảm đi đáng kể. Tuy nhiên bằng chứng cho thấy khi bổ sung vitamin E trong thời gian ngắn hơn lại không mang đến tác dụng này.

2.3. Bệnh lý mắt

Có nên bổ sung vitamin E không là thắc mắc của rất nhiều người. Theo bác sĩ, những bằng chứng khoa học ủng hộ cho vai trò của vitamin E đối với sức khỏe đôi mắt chưa thật sự thuyết phục. Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, những người tham gia được cho bổ sung các chất chống oxy hóa, bao gồm vitamin E, đã giảm 25% nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD) so với những người dùng giả dược. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác về tác động của vitamin E đối với AMD lại không cho thấy sự khác biệt.

Thiếu vitamin E là tính trạng rất hiếm gặp ở người khỏe mạnh
Thiếu vitamin E là tính trạng rất hiếm gặp ở người khỏe mạnh

2.4. Suy giảm nhận thức

Các gốc tự do được biết đến là có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các bệnh rối loạn nhận thức, do đó một số người đã suy đoán rằng bổ sung vitamin E như một chất chống oxy hóa có thể đóng vai trò làm giảm nguy cơ này. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ủng hộ giả thuyết này. Đánh giá từ 2 nghiên cứu liên quan không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy vitamin E ngăn ngừa hoặc điều trị Alzheimer hoặc tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ.

3. Triệu chứng thiếu vitamin E

Thiếu vitamin E là tính trạng rất hiếm gặp ở người khỏe mạnh nhưng lại rất phổ biến ở những người mắc chứng kém hấp thu chất béo và suy dinh dưỡng. Theo bác sĩ, thiếu vitamin E có thể đưa đến các biểu hiện sau:

  • Bệnh lý võng mạc làm giảm thị lực;
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên gây yếu hoặc đau nhức;
  • Yếu cơ;
  • Mất điều hòa hay mất phối hợp cơ thể.

Bên cạnh đó, những đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin E cao, đặc biệt là người mắc hội chứng kém hấp thu như:

  • Bệnh Crohn;
  • Viêm ruột (IBD);
  • Bệnh xơ nang;
  • Bệnh Celiac;
  • Phẫu thuật đường ruột.

4. Cách sử dụng vitamin E đúng cách

Do có những vai trò thiết yếu đối với sức khỏe nên việc bổ sung vitamin E đúng cách là rất quan trọng. Bản chất của vitamin E là tan trong dầu nên cơ thể dự trữ chúng trong các mô mỡ nên chúng ta cơ thể không cần tiêu thụ mỗi ngày. Nhu cầu vitamin E khuyến nghị trong chế độ ăn uống (RDA) dựa theo độ tuổi như sau:

  • Sơ sinh đến 6 tháng tuổi: 4mg;
  • 7-12 tháng: 5mg;
  • 1-3 tuổi: 6mg;
  • 4-8 tuổi: 7mg;
  • 9-13 tuổi: 11mg;
  • 14 tuổi trở lên: 15mg
  • Phụ nữ cho con bú: 19mg.

Cách bổ sung vitamin E đơn giản nhất là thông qua chế độ ăn uống với những nguồn thực phẩm giàu vitamin E sau đây:

  • Các loại dầu thực vật như dầu mầm lúa mì, dầu hướng dương và dầu cây rum;
  • Đậu phộng, bơ đậu phộng, hạt hạnh nhân, hạt phỉ;
  • Hạt hướng dương;
  • Các loại rau, bao gồm bông cải xanh, rau bina và cà chua;
  • Một số loại trái cây như kiwi và xoài.

Trong đó dầu mầm lúa mì chứa rất nhiều vitamin E, ở mức 20.3mg mỗi muỗng canh.

Bên cạnh thực phẩm, chúng ta có thể bổ sung vitamin E thông qua các chế phẩm. Trong đó những sản phẩm được bào chế từ tự nhiên sẽ chứa một dạng vitamin E được gọi là RRR-alpha-tocopherol. Đây là dạng Alpha-tocopherol có sinh khả dụng cao nhất trong cơ thể, nghĩa là nó có thể hấp thu vào hệ tuần hoàn một cách nhanh chóng. Trong khi đó các dạng Alpha-tocopherol tổng hợp dù chứa tất cả các dạng vitamin E nhưng sinh khả dụng sẽ thấp hơn RRR-alpha-tocopherol.

5. Một số thận trọng khi bổ sung vitamin E

Hầu hết chúng ta đều nhận đủ nhu cầu vitamin E từ chế độ ăn uống cân bằng. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer mức độ từ nhẹ đến trung bình, một số nghiên cứu cho thấy liệu pháp bổ sung vitamin E có thể giúp làm chậm tiến triển của căn bệnh này. Tuy nhiên, cách sử dụng vitamin E qua đường uống có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, đồng thời có thể mang lại một số rủi ro nghiêm trọng, đặc biệt khi dùng ở liều cao và bàn thân người bệnh có nhiều vấn đề sức khỏe khác như đau tim hoặc đột quỵ.

Khi dùng với liều lượng thích hợp, việc bổ sung vitamin E qua đường uống thường được đánh giá là an toàn. Một số trường hợp đặc biệt bổ sung vitamin E đường uống có thể gây ra những tác dụng ngoại ý sau:

  • Buồn nôn;
  • Tiêu chảy cấp;
  • Co thắt đường ruột;
  • Mệt mỏi;
  • Yếu cơ;
  • Đau đầu;
  • Mờ mắt;
  • Phát ban da;
  • Rối loạn chức năng sinh dục;
  • Tăng nồng độ Creatine trong nước tiểu.

Cách sử dụng vitamin E với liều cao hơn khuyến cáo có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, đặc biệt một số nghiên cứu cảnh báo rằng những người có sức khỏe kém khi dùng vitamin E liều. Vì vậy bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ trước bổ sung vitamin E nếu tiền sử có những vấn đề sau:

  • Thiếu vitamin K;
  • Bệnh lý mắt do tổn thương võng mạc (viêm võng mạc sắc tố);
  • Rối loạn chảy máu;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Tiền sử đau tim, đột quỵ;
  • Ung thư vùng đầu cổ;
  • Bệnh gan.

Vitamin E có vai trò quan trọng đối với cơ thể, nhưng không phải ai cũng biết bổ sung vitamin E đúng cách như thế nào. Ngoài việc bổ sung qua chế độ dinh dưỡng, bạn còn có thể bổ sung qua các liệu trình truyền vi chất. Tuy nhiên, việc bổ sung bất kỳ vi chất hay chất dinh dưỡng nào vào cơ thể đều cần được thực hiện sau khi được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa. Đừng ngần ngại liên hệ với các cơ sở y tế hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe uy tín để được lên lịch và nhận tư vấn cụ thể. Từ đó các bác sĩ sẽ xác định được mức độ, nguy cơ và tư vấn cách bổ sung hiệu quả.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Dấu hiệu cơ thể thiếu vitamin E

Dấu hiệu cơ thể thiếu vitamin E

Vitamin E có tác dụng gì cho da?

Vitamin E có tác dụng gì cho da?

Các tác dụng phụ khi uống vitamin tổng hợp

Các tác dụng phụ khi uống vitamin tổng hợp

Cơ thể bị dư vitamin có sao không?

Cơ thể bị dư vitamin có sao không?

Đàn ông uống vitamin E có tác dụng gì?

Đàn ông uống vitamin E có tác dụng gì?

12

Bài viết hữu ích?