Zalo

Bị mất ngủ liên quan đến bệnh gì?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Giấc ngủ rất quan trọng với cơ thể. Tuy nhiên hiện nay tình trạng mất ngủ lại dần phổ biến hơn và tạo ra mối đe dọa đến nhiều mặt trong cuộc sống người bệnh. Câu hỏi đặt ra là những nguyên nhân nào dẫn đến mất ngủ và mất ngủ liên quan đến bệnh gì?

1.Dấu hiệu cảnh báo chứng mất ngủ mãn tính

Trước khi tìm hiểu về các bệnh liên quan đến mất ngủ, chúng ta cần biết định nghĩa mất ngủ là gì. Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến, có thể khiến người bệnh khó ngủ hoặc thức dậy giữa khuya mà không thể ngủ trở lại. Mất ngủ có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng và tâm trạng của người bệnh, kèm theo đó là những tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể, hiệu suất làm việc và cả chất lượng cuộc sống.

Thời gian ngủ bao nhiêu là đủ sẽ khác nhau ở từng người nhưng hầu hết người trưởng thành cần ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm. Tại một số thời điểm, bạn có thể bị mất ngủ ngắn hạn (hay cấp tính) và chỉ kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Tình trạng này thường là hậu quả của tâm lý căng thẳng/stress hoặc do phải đối diện với một sự kiện đau buồn. 

Với những trường hợp bị mất ngủ lâu dài (hay còn gọi là mãn tính) từ một tháng trở lên, tình trạng này có thể đơn thuần chỉ là một dạng rối loạn giấc ngủ nhưng cũng có thể liên quan đến một số bệnh lý.

Các triệu chứng của mất ngủ có thể bao gồm:

  • Khó ngủ vào ban đêm
  • Thường xuyên bị thức giấc giữa đêm
  • Thức quá sớm
  • Cảm thấy không nghỉ ngơi đủ sau một đêm ngủ
  • Mệt mỏi hoặc buồn ngủ vào ngày hôm sau
  • Cảm thấy khó chịu, trầm cảm hoặc lo âu
  • Khó chú ý, suy giảm khả năng tập trung hoặc trí nhớ
  • Tăng tỷ lệ làm việc lỗi hoặc gặp tai nạn
  • Luôn cảm thấy lo lắng về giấc ngủ
Mất ngủ liên quan đến bệnh gì
Mất ngủ liên quan đến bệnh gì

2. Mất ngủ liên quan đến bệnh gì?

Một số nguyên nhân phổ biến của chứng mất ngủ mãn tính bao gồm:

  • Căng thẳng: Những lo lắng trong công việc, học tập, sức khỏe, tài chính hoặc gia đình có thể khiến não độ hoạt động nhiều hơn vào ban đêm, qua đó khiến người bệnh mất ngủ. Một số sự kiện trong cuộc sống, chẳng hạn như cái chết hoặc bệnh tật của người thân, ly hôn hoặc mất việc, cũng có thể dẫn đến chứng mất ngủ.
  • Du lịch hoặc công tác: Nhịp sinh học hoạt động như một chiếc đồng hồ bên trong cơ thể và có nhiệm vụ điều chỉnh nhiều vấn đề như chu kỳ ngủ-thức, quá trình trao đổi chất và thân nhiệt. Do đó, những việc gây gián đoạn nhịp sinh học có thể dẫn đến mất ngủ, bao gồm việc di chuyển qua nhiều múi giờ, làm việc ca muộn hoặc thay đổi ca thường xuyên.
  • Một số thói quen ngủ không tốt như thời điểm đi ngủ mỗi đêm không đều, ngủ trưa quá lâu, tham gia các hoạt động kích thích trước khi ngủ, môi trường ngủ không thoải mái hay sử dụng giường ngủ để làm việc/ăn uống/xem TV… đều có thể cản trở chu kỳ giấc ngủ và trực tiếp gây mất ngủ.
  • Ăn tối muộn: Thói quen này có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu khi nằm xuống, thậm chí một số người còn bị ợ nóng, ợ chua và trào ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quản sau khi ăn… hệ quả là khiến bạn tỉnh táo và không thể ngủ được.
Một số thói quen ngủ không tốt có thể hình thành các bệnh liên quan đến giấc ngủ
Một số thói quen ngủ không tốt có thể hình thành các bệnh liên quan đến giấc ngủ

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, mất ngủ có thể là một triệu chứng của một số bệnh lý. Vậy mất ngủ liên quan đến bệnh gì?

  • Alzheimer: Đây là một trong các bệnh liên quan đến giấc ngủ thường gặp. Căn bệnh này khiến người mắc cảm thấy bồn chồn và bối rối vào buổi tối, đặc biệt hơn là người bệnh thường đi lang thang vào ban đêm hơn. Những tình trạng trên sẽ góp phần gây mất ngủ, cụ thể là cho khoảng ½ số người mắc bệnh Alzheimer mức độ nhẹ đến trung bình;
  • Viêm khớp: Danh sách các bệnh liên quan đến mất ngủ sẽ không thể thiếu bệnh viêm khớp, bao gồm viêm khớp dạng thấp hay viêm xương khớp đơn thuần. Những cơn đau và cảm giác khó chịu do viêm khớp gây ra sẽ khiến người bệnh thường xuyên mất ngủ vào ban đêm.
  • Hen phế quản: Những cơn co thắt phế quản do hen có thể xuất hiện ngay cả khi đang ngủ, và từ đó trực tiếp gây ra những khó khăn đáng kể về hô hấp và khiến người bệnh mất ngủ.
  • Ung thư: Các triệu chứng khó chịu, đặc biệt là những cơn đau, do ung thư khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ.
  • COPD: Tương tự hen phế quản, COPD khiến người bệnh khó thở và khó duy trì đủ lượng oxy trong máu, điều này sẽ dẫn đến mất ngủ nhiều đêm liên tục.
  • Đái tháo đường:  Mất ngủ liên quan đến bệnh gì? Một trong số đó là đái tháo đường với đặc trưng là sự mất cân bằng giữa đường huyết và insulin. Căn bệnh này khiến người bệnh tiểu thường xuyên, đi kèm với đó là biến chứng thần kinh ngoại biên, sẽ góp phần gây khó ngủ khi không được kiểm soát đầy đủ.
  • Động kinh: Những cơn co giật xảy ra trong thời gian ngủ khiến giấc ngủ bị gián đoạn và kích thích tăng tiết các hormone căng thẳng vào máu. Hệ quả cuối cùng là tình trạng mất ngủ về đêm kéo dài.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Cảm giác khó chịu do trào ngược acid tái phát có thể dẫn đến mất ngủ kéo dài và thậm chí làm tăng nguy cơ ngáy và hình thành chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Suy tim: Khi bệnh nhân suy tim nằm ngửa hoặc nghiêng, chất lỏng sẽ dễ tích tụ trong phổi, từ đó gây khó thở và mất ngủ là hệ quả không thể tránh.
  • Parkinson: Triệu chứng đặc trưng của Parkinson là run, cứng cơ, vận động chậm, các vấn đề về thăng bằng và phối hợp có thể gây gián đoạn giấc ngủ nghiêm trọng.
  • Rối loạn giấc ngủ không được chẩn đoán hoặc điều trị, bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), chứng ngủ rũ, rối loạn giấc ngủ theo nhịp sinh học, rối loạn cử động chân định kỳ (PLMD) và hội chứng chân không yên (RLS).

3. Nên dự phòng mất ngủ thế nào?

Để dự phòng mất ngủ, chúng ta cần tạo ra một thói quen ngủ tốt cho bản thân, bao gồm:

  • Xây dựng thời điểm đi ngủ và thức dậy nhất quán từ ngày này sang ngày khác, kể cả những ngày cuối tuần.
  • Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, như tập thể dục mỗi ngày, có thể thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn.
  • Kiểm tra các loại thuốc đang dùng và xem xét loại bỏ những loại có thể góp phần gây mất ngủ.
  • Tránh hoặc hạn chế ngủ trưa quá lâu.
  • Tránh hoặc hạn chế sử dụng caffeine và rượu bia, đồng thời không hút thuốc lá.
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường trước khi đi ngủ.
  • Tạo không gian phòng ngủ thoải mái và chỉ sử dụng giường ngủ để ngủ.
  • Xây dựng thói quen thư giãn trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tắm nước ấm, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ.

Nguồn: mayoclinic.org

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Hậu quả của rối loạn giấc ngủ ở người trẻ tuổi

Hậu quả của rối loạn giấc ngủ ở người trẻ tuổi

Làm sao để chữa mất ngủ phụ nữ tiền mãn kinh?

Làm sao để chữa mất ngủ phụ nữ tiền mãn kinh?

Bí quyết để có giấc ngủ ngon và sâu hơn vào mỗi tối

Bí quyết để có giấc ngủ ngon và sâu hơn vào mỗi tối

Vì sao mất ngủ kéo dài gây suy giảm trí nhớ?

Vì sao mất ngủ kéo dài gây suy giảm trí nhớ?

Lời khuyên về giấc ngủ cho người lớn tuổi để làm chậm quá trình lão hóa

Lời khuyên về giấc ngủ cho người lớn tuổi để làm chậm quá trình lão hóa

12

Bài viết hữu ích?