Zalo

Chỉ số axit uric 440-450 bị gút chưa?

Trang chủ | Tin tức | Hỏi đáp Bác sĩ Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Tôi 47 tuổi, tôi xét nghiệm định kỳ của cơ quan thì có kết quả xét nghiệm chỉ số axit uric 450 μmol/l, sau đó khoảng 1 tháng tôi có xét nghiệm lại ở 1 phòng xét nghiệm tư nhân thì chỉ số axit uric 440 μmol/l. Xin hỏi chỉ số axit uric 450 μmol/l bị gút chưa? Tôi cần làm gì với kết quả xét nghiệm này?
Vũ Thị Thảo Ngân, Nam Định
Được trả lời và tư vấn bởi Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

Chào chị Ngân,

Xin giới thiệu một vài thông tin cho chị Ngân được biết axit uric là sản phẩm chuyển hóa đạm từ nhiều loại thực phẩm mà chúng ta ăn vào hàng ngày như phủ tạng của động vật, thịt bò, các loại thức uống có cồn như rượu, bia… Chỉ số axit uric trong máu là một trong những yếu tố giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh gút. Chỉ số axit uric thôi chưa đủ, chỉ số này cần kết hợp với các đặc điểm lâm sàng khác để phản ánh rõ mức độ của bệnh gút và giúp thầy thuốc xác định giai đoạn bệnh.

1. Chỉ số axit uric 440-450 là cao hay thấp? Chỉ số ở mức này đã bị gút chưa?

Giá trị của chỉ số axit uric bình thường trong máu được áp dụng ở nhiều quốc gia như sau:

  • Ở nam giới trưởng thành và phụ nữ sau mãn kinh: Axit uric bình thường từ 205 - 420 μmol/lít (3,5 - 7,2 mg/dL) 
  • Ở phụ nữ tiền mãn kinh: Axit uric bình thường là từ 152 - 360 μmol/lít (2,6 - 6,0 mg/dL). 

Tuy nhiên, định nghĩa về phạm vi bình thường của axit uric nói chung cần được xem xét kỹ càng hơn. Theo kiến ​​thức mới, giá trị axit uric đạt ngưỡng <360 µmol/L cho thấy một trạng thái khỏe mạnh thực sự. Ngưỡng axit uric này cần được cân nhắc làm mục tiêu hướng đến cho mọi đối tượng, giúp giảm được nguy cơ mắc bệnh gút. 

Như vậy, chỉ số axit uric 450 μmol/lít hay chỉ số axit uric 440 μmol/lít của chị Ngân sau 2 lần xét nghiệm đều được xem là một chỉ số CAO hơn mức bình thường, chị cần hết sức chú ý. Vậy với chỉ số này chị Ngân đã mắc bệnh Gút hay chưa?

Trên thực tế lâm sàng, các cơn gút cấp tính đầu tiên thường xuất hiện ở người thuộc lứa tuổi 35 - 55 tuổi, ít khi xuất hiện trước 25 tuổi hoặc sau 65 tuổi. Ở phụ nữ, bệnh gút thường ít xảy ra trước độ tuổi mãn kinh, ở nam giới nếu mắc bệnh gout khi tuổi càng trẻ thì bệnh càng nặng. Trong trường hợp chị Ngân 47 tuổi có chỉ số axit uric 450 μmol/lít hay chỉ số axit uric 440 μmol/lít, tuy nhiên chị chưa đề cập đến việc chị có/không xuất hiện các dấu hiệu bệnh, cũng như tình trạng mãn kinh của mình.

Khi axit uric máu tăng > 420 µmol/l được xem là một gợi ý bệnh gút, song có khoảng 40% bệnh nhân có cơn gout cấp nhưng chỉ số axit uric máu vẫn bình thường. Do đó chỉ số axit uric 450 μmol/lít hay chỉ số axit uric 440 μmol/lít của chị Ngân chỉ đủ kết luận chị đang có tình trạng TĂNG axit uric máu, chưa thể khẳng định chị có mắc bệnh gút hay không.

Chưa thể khẳng định chỉ số axit uric 440-450 μmol/lít là mắc bệnh gút
Chưa thể khẳng định chỉ số axit uric 440-450 μmol/lít là mắc bệnh gút

2. Xét nghiệm chỉ số axit uric 440-450 có cần làm gì?

Với chỉ số axit uric 440-450 μmol/lít, để kết luận chị có mắc bệnh gút hay không, chị cần tham vấn thêm ý kiến bác sĩ để được khai thác kĩ hơn về tiền sử bệnh, triệu chứng bệnh, các loại thuốc đang dùng và thực hiện thêm các xét nghiệm để khẳng định chính xác bệnh gút. 

Các xét nghiệm chị Ngân có thể tham khảo thực hiện để định bệnh như:

  • Định lượng axit uric niệu 24 giờ;
  • Xét nghiệm dịch khớp;
  • Các xét nghiệm khác: tốc độ lắng máu tăng, CRP bình thường/tăng... 
  • Chụp X-quang khớp…

3. Cách chăm sóc sức khỏe để chỉ số axit uric luôn ở ngưỡng an toàn

Có thể thấy chị Ngân được xem là đang có tình trạng TĂNG axit uric máu, do đó chị nên áp dụng một số biện pháp sau để cải thiện tình trạng này:

  • Cần hạn chế ăn thực phẩm nhiều chất đạm như hải sản, thịt đỏ, phủ tạng động vật…
  • Uống 1 - 1.5 lít nước/ngày (không kể nước canh, nước từ hoa quả…) để hạn chế sự kết tủa muối urat và tăng khả năng thải axit uric.
  • Duy trì cân nặng chuẩn dựa trên chỉ số BMI để giảm áp lực lên các khớp. Lưu ý chị không nên giảm cân bằng phương pháp nhịn ăn mà thay vào đó nên áp dụng các phương pháp tập luyện khoa học.
  • Hạn chế rượu, bia, chất kích thích
  • Không nên ăn các loại thức ăn có chứa nhiều cholesterol, thức ăn nhanh, nước ngọt… không chỉ giúp chị giảm tình trạng tăng axit uric mà còn phòng tránh được các bệnh liên quan như béo phì, tim mạch, huyết áp, tiểu đường…
  • Khi sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc trị cao huyết áp (nếu có)… chị nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng một cách hiệu quả và không ảnh hưởng đến tình trạng axit uric.
  • Không thức khuya, tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc.
  • Nên đi bộ nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày, tập yoga... giúp tăng cường trao đổi chất.

Như vậy, chỉ số axit uric 440-450 μmol/lít của chị Ngân được xem là một chỉ số CAO, cần thăm khám chuyên sâu với bác sĩ để kết luận đã mắc bệnh gút hay chưa và có hướng can thiệp. Chị có thể tham khảo thêm các biện pháp giúp cải thiện chỉ số này để có hướng chăm sóc sức khoẻ chủ động cho bản thân.

Xin thông tin đến chị.

Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi. Nếu có thắc mắc nào khác, chị vui lòng liên hệ trực tiếp để nhận được hỗ trợ kịp thời từ đội ngũ bác sĩ và chuyên gia của Dripcare.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
xem thêm
Chỉ số axit uric 470 cao hay thấp? Đã bị gút chưa?

Chỉ số axit uric 470 cao hay thấp? Đã bị gút chưa?

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Chỉ số xét nghiệm máu EOS tăng 47,7% có sao không?

Chỉ số xét nghiệm máu EOS tăng 47,7% có sao không?

Chỉ số cholesterol 6.4 mmol/l có nghĩa là gì?

Chỉ số cholesterol 6.4 mmol/l có nghĩa là gì?

Chỉ số acid uric 800 có cao quá không? Có chắc chắn bị gút không?

Chỉ số acid uric 800 có cao quá không? Có chắc chắn bị gút không?

476

Bài viết hữu ích?