Zalo

Xét nghiệm Alkaline Phosphatase để làm gì?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Xét nghiệm Alkaline Phosphatase, gọi tắt là ALP, được thực hiện ở những bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh lý liên quan đến gan hoặc xương. Vậy xét nghiệm Alkaline Phosphatase là gì, được thực hiện thế nào và kết quả có ý nghĩa gì?
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1. Xét nghiệm Alkaline Phosphatase là gì?

Alkaline Phosphatase (gọi tắt là ALP) là enzym có nhiệm vụ khử phospho của nhiều hợp chất khác nhau trong cơ thể, có thể kể đến như Protein hay các Nucleotide… Enzym ALP hiện diện ở tất cả các mô trong cơ thể người và tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Trong đó, cơ quan sản xuất ALP nhiều nhất là gan và xương, 1 lượng nhỏ ở ống mật, thận hoặc nhau thai của bà bầu. Alkaline Phosphatase hoạt động hiệu quả nhất trong môi trường kiềm với độ pH tối ưu là 9. Như đã đề cập, ALP tồn tại nhiều dạng cấu trúc khác nhau và mỗi cấu trúc như vậy được xem là một isoenzym. Xét nghiệm ALP máu được thực hiện với mục đích kiểm tra nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến gan hay xương. Khi xét nghiệm Alkaline Phosphatase máu tăng cao gợi ý bệnh nhân có tình trạng tổn thương gan hoặc xương. Ở điều kiện bình thường, nồng độ ALP máu có nguồn gốc từ gan và xương sẽ có tỷ lệ tương đương nhau:

  • Đối với gan, xét nghiệm Alkaline Phosphatase là 1 cận lâm sàng cơ bản nhằm đánh giá chức năng gan. Khi cơ thể xuất hiện tình trạng tổn thương tế bào gan hay có các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, vàng da, vàng mắt… thì kết quả xét nghiệm ALP máu sẽ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Xét nghiệm ALP còn được chỉ định trong một số trường hợp khác, như bệnh nhân xơ gan, viêm gan hay viêm túi mật;
  • Đối với xương, xét nghiệm Alkaline Phosphatase được thực hiện nhằm mục đích hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý về xương như còi xương, nhuyễn xương hay bệnh Paget (đặc trưng với tình trạng xương yếu và dễ gãy). Ngoài ra, xét nghiệm Alkaline Phosphatase còn được sử dụng nhằm theo dõi khả năng chuyển hóa xương ở bệnh nhân suy thận hoặc đánh giá tình trạng thiếu hụt vitamin D.

Theo các chuyên gia, xét nghiệm Alkaline Phosphatase thường được sử dụng để theo dõi chuyển hóa xương ở bệnh nhân suy thận, bởi vì ALP là một trong số ít các dấu ấn sinh học của xương không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chức năng thận. Ở nước ngoài đã có nhiều nghiên cứu về sự thay đổi ALP của xương, trong đó đa phần sẽ sử dụng phương pháp miễn dịch hoặc phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao để định lượng ALP. Tuy nhiên, ở Việt Nam do điều kiện về trang thiết bị và hóa chất chưa thể đáp ứng nên xét nghiệm Alkaline Phosphatase của xương chưa thực hiện được.

Xét nghiệm ALP máu được thực hiện với mục đích kiểm tra nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến gan hay xương
Xét nghiệm ALP máu được thực hiện với mục đích kiểm tra nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến gan hay xương

2. Chỉ định xét nghiệm Alkaline Phosphatase là gì?

Xét nghiệm ALP máu được thực hiện với mục đích hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý về gan và xương. Do đó, khi có các triệu chứng hay dấu hiếu liên quan đến 2 cơ quan này thì bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm Alkaline Phosphatase. Một số dấu hiệu gợi ý bệnh gan và xương hay gặp:

  • Đối với bệnh gan:
    • Xuất hiện triệu chứng vàng da, vàng mắt;
    • Đau bụng, đặc biệt là đau hạ sườn phải;
    • Thường xuyên buồn nôn, nôn ói;
  • Đối với xương:
    • Xuất hiện khối u trong xương;
    • Có những biểu hiện bất thường trong quá trình phát triển xương;
    • Có dấu hiệu của thiếu hụt vitamin D.
Kết quả xét nghiệm ALP máu sẽ phụ thuộc vào tuổi và giới tính
Kết quả xét nghiệm ALP máu sẽ phụ thuộc vào tuổi và giới tính

3. Kết quả xét nghiệm Alkaline Phosphatase

Theo bác sĩ, kết quả xét nghiệm ALP máu sẽ phụ thuộc vào tuổi và giới tính. Giá trị bình thường của ALP máu là khoảng 64-306 U/L. Sự phát triển nhanh chóng của xương sẽ làm tăng nồng độ ALP máu, do đó những đối tượng đang độ tuổi phát triển (như trẻ em) sẽ có giá trị ALP máu cao hơn người trưởng thành. Một số nguyên nhân khiến kết quả xét nghiệm Alkaline Phosphatase máu tăng cao:

  • Bệnh lý gan như xơ gan, tắc mật (trong gan hoặc ngoài gan) và u gan;
  • Cường tuyến cận giáp;
  • Ung thư di căn xương;
  • Bệnh lý xương như loãng xương, nhuyễn xương, còi xương, bệnh Paget hoặc gãy xương…;
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Phụ nữ đang mang thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối, sẽ có nồng độ ALP máu sẽ cao hơn bình thường.

Một số nguyên nhân khiến kết quả xét nghiệm Alkaline Phosphatase máu giảm là:

  • Suy dinh dưỡng hoặc người có chế độ ăn uống thiếu chất;
  • Bệnh nhân sau truyền máu hay sau phẫu thuật tim;
  • Bệnh Wilson với đặc trưng là sự thiếu hụt protein;
  • Thiếu phosphate hoặc thiếu máu ác tính.

4. Quy trình xét nghiệm ALP máu

  • Tiến hành lấy 3ml máu tĩnh mạch của bệnh nhân cho vào ống không có chất chống đông hay ống có chất chống đông là Li, Na hay NH4-heparin. Yêu cầu máu không bị vỡ hồng cầu;
  • Sau đó tiến hành ly tâm tách lấy huyết thanh hoặc huyết tương;
  • Máy xét nghiệm cần chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện phân tích mẫu: Máy đã được cài đặt chương trình xét nghiệm ALP đạt chuẩn;
  • Người thực hiện phân tích mẫu nhập dữ liệu về thông tin người bệnh và chỉ định xét nghiệm vào máy xét nghiệm;
  • Nạp mẫu bệnh phẩm vào máy;
  • Ra lệnh cho máy thực hiện phân tích mẫu bệnh phẩm;
  • Đợi máy phân tích mẫu theo protocol;
  • Khi có kết quả cần xem xét đánh giá, sau đó in báo cáo hoặc ghi kết quả vào phiếu xét nghiệm để trả cho người bệnh.

Tóm lại, xét nghiệm ALP máu được thực hiện với mục đích hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý về gan và xương. Trong trường hợp bạn nghi ngờ bản thân mắc các bệnh lý ở cơ quan này thì hãy đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành xét nghiệm máu tổng quát từ cơ bản đến chuyên sâu. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá chính xác tình trạng bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Vì sao cần xét nghiệm Cholesterol toàn phần trước khi thực hiện giảm béo?

Vì sao cần xét nghiệm Cholesterol toàn phần trước khi thực hiện giảm béo?

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Những xét nghiệm nào có thể phát hiện khối u tuyến yên?

Những xét nghiệm nào có thể phát hiện khối u tuyến yên?

Bị gan nhiễm mỡ độ 2 có chữa khỏi được không?

Bị gan nhiễm mỡ độ 2 có chữa khỏi được không?

Bệnh gan nhiễm mỡ độ 2 nguy hiểm như thế nào?

Bệnh gan nhiễm mỡ độ 2 nguy hiểm như thế nào?

468

Bài viết hữu ích?