Zalo

Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Thoái hóa khớp gối là 1 trong những bệnh cơ xương khớp phổ biến nhất. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, với triệu chứng điển hình là đau khớp gối kéo dài, tái phát nhiều lần và đau tăng tăng lên khi vận động. Thoái hóa gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Võ Ngọc Nhi - Bác sĩ Nội

1. Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối (còn gọi là thoái hóa sụn khớp gối) là hiện tượng gây ra bởi sự mài mòn của lớp sụn khớp gối. Vì sụn khớp bị mài mòn, xương sẽ cọ xát vào nhau mạnh hơn dẫn đến đau, sưng và hạn chế vận động khớp.

Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng gây ra bởi sự mài mòn của lớp sụn khớp gối 

2. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

2.1. Lớn tuổi

Nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa khớp gối là do lớn tuổi. Bệnh thường gặp ở những người trên 55 tuổi. Nguyên nhân là do khi tuổi càng cao thì quá trình tổng hợp của sụn lại càng có xu hướng suy giảm. Sụn bị bào mòn trong quá trình vận động và không được tái tạo lại khiến sụn bị mỏng đi. Tuy nhiên, ngày nay tình trạng thoái hóa khớp trong đó có khớp gối ngày càng trẻ hóa. Thống kê cho thấy, chỉ có 10% tình trạng thoái hóa khớp gối xảy ra ở người dưới 26 tuổi. Nhưng từ tuổi 27- 45 là 25,5% và độ tuổi 46 – 60 thì tỉ lệ này lại lên tới 50%.

2.2. Vận động khớp gối quá sức

Những người chơi thể thao cường độ cao ở các bộ môn bóng đá, quần vợt, điền kinh, cử tạ – các bộ môn đòi hỏi vận động và gây áp lực lên khớp gối nhiều hoặc lao động nặng có nguy cơ cao bị suy yếu khớp gối. Nguy cơ này sẽ cao hơn nữa nếu vận động viên gặp phải chấn thương trong lúc tập luyện. 

Ngược lại với vận động quá mức, lười tập thể dục có thể khiến các cơ bị lỏng lẻo, xương khớp thiếu linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch, tăng nguy cơ thoái hóa khớp nhanh chóng.

2.3. Di truyền

Nếu trong gia đình có người thân bị thoái hóa khớp gối thì nguy cơ bị thoái hóa khớp gối sẽ cao hơn những người bình thường.

2.4. Béo phì

Khớp gối là nơi chịu đựng sức nặng của toàn cơ thể. Khi cơ thể chúng ta thừa cân - béo phì, tải trọng đè lên khớp gối càng lớn, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.

2.5. Giới tính nữ

Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp gối hơn nam giới. Giải thích vấn đề này, các nhà chuyên môn cho rằng, đa phần phụ nữ do tính chất công việc, thói quen đi giày cao gót ở phụ nữ ảnh hưởng đến thoái hóa khớp gối. Ngoài ra, người ta cho rằng, lý do khác nữa khiến phụ nữ thường có tỷ lệ thoái hóa khớp cao hơn chính là quá trình mang thai. Khi phụ nữ mang thai sức nặng của thai nhi thường gây áp lực lớn lên sụn. Mặt khác giai đoạn này mẹ không được bổ sung gầy đủ canxi có thể dẫn đến quá trình thai nhi canxi từ mẹ để hỗ trợ quá trình hình thành cơ thể hoàn chỉnh. Chính vì vậy, phụ nữ bị thoái hóa khớp gối nhiều hơn nam giới. 

Thoái hóa khớp gối
Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp gối hơn nam giới 

2.6. Chấn thương vùng gối 

Các chấn thương gối nếu làm tổn thương đến cấu trúc của khớp (ví dụ: Đứt dây chằng chéo trước, chéo sau và gãy xương bánh chè…) làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.

2.7. Biến dạng xương

Nếu trẻ sinh ra có biến dạng xương hoặc sụn (ví dụ: Chân vòng kiềng, chân chữ X, bàn chân bẹt…), bệnh nhân sau chấn thương mà chân biến dạng lệch trục, nhưng không được điều trị …thì khớp gối thì sẽ có nguy cơ cao bị thoái hóa.

2.8. Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học

 Khi chế độ ăn uống không đảm bảo, thiếu dinh dưỡng khiến túi hoạt dịch tiết ra ít chất nhờn gây thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, việc uống rượu bia quá nhiều khiến sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng.

2.9. Một số bệnh lý khác

Những người bị viêm khớp dạng thấp – loại viêm khớp phổ biến thứ hai – có nhiều khả năng cũng bị thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, các bệnh nhân bị một số bệnh khác, chẳng hạn như thừa sắt hoặc dư thừa hormone tăng trưởng,gout, tiểu đường, cũng dễ mắc bệnh thoái hóa khớp.

3. Triệu chứng của thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối có 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn đặc trưng bằng các triệu chứng và dấu hiệu khác nhau:

 Giai đoạn 1:

Sụn khớp gối bị thoái hóa giai đoạn 1 thường không có biểu hiện rõ ràng. Người bệnh sẽ không cảm thấy đau hoặc khó chịu do sự mài mòn xảy ra giữa các thành phần của khớp là không đáng kể.

Giai đoạn 2:

Đây được coi là giai đoạn nhẹ của bệnh. Lúc này, chụp X-quang khớp gối sẽ thấy không gian giữa các xương chưa bị thu hẹp, và các xương không bị cọ xát với nhau. Đồng thời, chất lỏng hoạt dịch được duy trì đủ để khớp vận động bình thường.

Tuy nhiên, đây là thời kỳ mà người bệnh có thể bắt gặp các triệu chứng đầu tiên: đau sau một ngày dài đi bộ hoặc chạy, cứng khớp nhiều hơn khi không cử động trong vài giờ hoặc đau khi quỳ/cúi.

Giai đoạn 3:

Giai đoạn 3 của thoái hóa khớp được phân loại là “thoái hóa khớp mức độ trung bình”. Trong giai đoạn này, sụn giữa các xương có dấu hiệu tổn thương rõ ràng, và không gian giữa các xương bắt đầu thu hẹp lại. Những người bị thoái hóa sụn khớp gối giai đoạn 3 có khả năng bị đau thường xuyên khi đi bộ, chạy, cúi, quỳ. Họ cũng có thể bị cứng khớp sau khi ngồi trong thời gian dài hoặc thức dậy vào buổi sáng. Trong khi đó, hiện tượng sưng khớp sẽ xuất hiện nếu người bệnh cử động liên tục trong thời gian dài.

Giai đoạn 4:

Giai đoạn 4 thoái hóa khớp được coi là “nghiêm trọng”. Khi bệnh đã tiến triển đến thời kỳ này, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau và khó chịu mỗi khi đi bộ hoặc cử động khớp. Đó là do không gian giữa các xương bị giảm đáng kể, sụn hầu như không còn nguyên vẹn, khiến khớp bị cứng và đôi lúc trở nên bất động. Lượng chất lỏng hoạt dịch cũng ít đi và không còn đảm nhận được nhiệm vụ giảm ma sát giữa các bộ phận chuyển động của khớp.

4. Chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối dựa trên thăm khám lâm sàng về tình trạng viêm, sưng, đau khớp gối và xác định chẩn đoán với xét nghiệm hình ảnh học (Xquang/ Chụp cộng hưởng từ khớp gối):

  • X Quang: Phát hiện dấu hiệu hẹp khe khớp, mọc gai xương, tăng mật độ xương dưới sụn, hiện tượng vôi hóa ở gân kheo sau.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối: Phương pháp này được chỉ định khi chụp X-quang không cho ra hình ảnh rõ ràng về tình trạng bệnh. 
Thoái hóa khớp gối
Chụp X quang giúp chẩn đoán thoái hóa khớp gối 

5. Điều trị thoái hóa khớp gối

Mục đích chính của điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau, phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. Cân kết hợp đồng thời cả điều trị thuốc và điều trị không dùng thuốc. Nếu bệnh nhân thoái hóa khớp nặng, không đáp ứng với điều trị thuốc thì có thể cần phẫu thuật thay khớp gối:

Điều trị thuốc:

Các thuốc cơ bản để điều trị thoái hóa khớp gối là thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ, thuốc chống thoái hóa khớp.

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng thuốc tuy có tác dụng giảm đau nhưng để lại nhiều tác dụng phụ như làm tổn thương dạ dày, gan, thận hoặc có thể gây buồn nôn, chóng mặt. Vì vậy, bệnh nhân cần phải tuân thủ quy trình sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng, để hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị không dùng thuốc:

  • Giảm cân (nếu bị thừa cân): Giảm cân sẽ làm giảm áp lực đè nặng lên khớp gối.
  • Tập thể dục thường xuyên, vừa phải với các bài tập chống thoái hóa khớp gối.
  • Sinh hoạt đúng tư thế: Người bệnh nên tránh ngồi xổm, ngồi bó chân và hạn chế leo cầu thang để không gây áp lực lên đầu gối.
  • Vật lý trị liệu: Các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, điện xung, tia hồng ngoại, kỹ thuật massage tay,… được khuyến nghị trong điều trị các bệnh viêm khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng. Ưu điểm vượt trội của phương pháp này là hạn chế lạm dụng thuốc trong điều trị thoái hóa khớp.
  • Sử dụng một số thực phẩm bổ sung như glucosamine, chondroitin…( Lưu ý , các chất này hiện chưa được FDA công nhận là thuốc mà chỉ là thực phẩm chức năng).
  • Tiêm nội khớp: Một số chế phẩm như Corticoisteroid, axit hyaluronic, hoặc huyết tương giàu tiểu cầu,… được tiêm vào khớp để giảm đau, giảm viêm, hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp.

Phẫu thuật:

Khi mọi phương pháp điều trị trên đều không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân phẫu thuật. Những phương pháp phẫu thuật phổ biến để điều trị thoái hóa khớp đầu gối là: 

  • Nội soi khớp: Bác sĩ rạch một vết mổ nhỏ, sau đó sử dụng máy nội soi khớp và các dụng cụ nhỏ để loại bỏ sụn bị hư hỏng, sửa chữa dây chằng lỏng lẻo, làm sạch bề mặt xương. Phương pháp này thường được áp dụng cho bệnh nhân dưới 55 tuổi.
  • Phẫu thuật cắt xương: Đây là thủ thuật nhằm mục đích thay đổi hình dạng của xương, từ đó làm cho khớp gối có sự liên kết chặt chẽ hơn. Nhược điểm của nó là không điều trị được thoái hóa sụn khớp gối triệt để. Người bệnh có thể phải thực hiện các cuộc phẫu thuật khác sau này.
  • Phẫu thuật thay khớp hoặc tạo hình khớp: Trong phẫu thuật này, 1 khớp giả (thường bằng kim loại không rỉ) được đưa vào cơ thể thay thế cho khớp đã thoái hóa. Tùy mức độ thương tổn, bác sĩ sẽ chỉ định thay một hoặc cả hai bên đầu gối. Phẫu thuật thay khớp thường dành cho những người trên 50 tuổi bị thoái hóa khớp nặng. Hầu hết các khớp nối mới sẽ có tuổi thọ trên 20 năm. 

Bài viết đã chia sẻ cách phát hiện và phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp gối. Hy vọng thông qua đó sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Võ Ngọc Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Võ Ngọc Nhi

BS.Võ Ngọc Nhi

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống ở người bệnh viêm khớp dạng thấp

Biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống ở người bệnh viêm khớp dạng thấp

Các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương và cách phòng ngừa hiệu quả

Các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương và cách phòng ngừa hiệu quả

Vì sao cổ bị đau và cứng? Tìm hiểu nguyên nhân và các cách điều trị đau cổ

Vì sao cổ bị đau và cứng? Tìm hiểu nguyên nhân và các cách điều trị đau cổ

Các nguyên nhân đau cổ vai gáy và đau đầu

Các nguyên nhân đau cổ vai gáy và đau đầu

Khi nào cần siêu âm khớp gối?

Khi nào cần siêu âm khớp gối?

36

Bài viết hữu ích?