Zalo

Tác hại của thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Cơ thể trẻ cần rất nhiều chất dinh dưỡng để tăng trưởng và phát triển toàn diện, trong đó các vi chất dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em không chỉ khiến trẻ chậm lớn, thấp bé, nhẹ cân, dễ mắc bệnh mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí não. Vậy trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng nguy hiểm như thế nào?

1. Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em là gì?

Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em được định nghĩa là sự thiếu hụt một vài vitamin và khoáng chất hoặc thiếu một vi chất dinh dưỡng cụ thể cần thiết cho sự phát triển và chuyển hóa bình thường của trẻ. 

Các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ bao gồm, 11 nguyên tố vi lượng và 13 vitamin. Mặc dù trẻ chỉ cần một lượng nhỏ nhưng nếu trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng thì có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Tình trạng trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam mặc dù đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn còn ở mức cao so với thế giới, cụ thể như sau:

  • Theo đánh giá của WHO thì tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm lên đến 58% và tỷ lệ phụ nữ có thai bị thiếu kẽm là 63.5%.
  • Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9.5%. Tỷ lệ này tăng lên 13.8% ở khu vực miền núi phía Bắc và 11% ở Tây Nguyên.
  • Tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin B12 và thiếu acid folic ở trẻ dưới 5 tuổi là 19.6%, 9.2% ở nhóm trẻ từ 5 đến 9 tuổi, 8.4% ở trẻ 10 đến 14 tuổi và 16.2% ở phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Nguyên nhân trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất là do trẻ không nhận đủ hàm lượng các vi chất từ thực phẩm hoặc chất bổ sung. Chế độ ăn uống nghèo nàn hoặc chỉ tiêu thụ đồ ăn vặt hay chế độ ăn thiếu trái cây rau củ có thể dẫn đến thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em. Ngoài ra, trẻ có những bệnh lý về đường tiêu hóa gây giảm hấp thu vitamin và khoáng chất cũng làm trẻ bị thiếu vi chất cần thiết và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em
Ở Việt Nam tỷ lệ trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn ở mức cao.

2. Các vi chất nào thường bị thiếu nhất ở trẻ

Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng trẻ bị thiếu các vitamin và khoáng chất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Trong đó, vi chất trẻ thường bị thiếu nhất là sắt, vitamin A và i-ốt. Ngoài ra, các vi chất dinh dưỡng trẻ có nguy cơ bị thiếu hụt cao khác là folate, kẽm và vitamin D. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt những vi chất này ở trẻ, bao gồm:

  • Trẻ thiếu sắt nguyên nhân là do phụ nữ trong thời kỳ mang thai bị thiếu sắt, trẻ sinh ra nhẹ cân, sử dụng sữa bò sớm trước 12 tháng tuổi.
  • Trẻ thiếu vitamin A và vitamin D nhiều do trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc do mẹ cho trẻ ăn dặm sớm.
  • Trẻ thiếu kẽm nguyên nhân do phụ nữ có thai bị thiếu kẽm, trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ ăn ít thịt và trẻ biếng ăn.

3. Tác hại của việc thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em

Trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tầm vóc và trí thông minh của trẻ. Vậy hậu quả của việc trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng là gì?

3.1. Thiếu vitamin A

Vitamin A ngoài vai trò bảo vệ mắt thì còn giúp trẻ tăng trưởng và tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật. Trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng vitamin A sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm như sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp.

Đặc biệt, hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu vitamin A ở trẻ là quáng gà, khô mắt và có thể dẫn đến mù lòa.

3.2. Thiếu vitamin D

Trong cơ thể vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe của xương và có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Trẻ em bị thiếu vitamin D sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau xương khớp, yếu cơ và thay đổi tâm trạng. Đặc biệt, thiếu hụt vitamin D trong thời gian dài có thể gây loãng xương.

thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em
Trẻ thiếu vitamin A nặng có thể gây mù lòa

3.3. Thiếu vitamin B12

Vitamin B12 có vai trò hỗ trợ sản xuất hồng cầu, DNA và cải thiện chức năng dẫn truyền thần kinh. Trẻ em bị thiếu vitamin B12 có thể gặp vấn đề về đi lại, giữ thăng bằng, thiếu máu, mệt mỏi và suy giảm trí nhớ.

3.4. Thiếu sắt

Thiếu sắt ở trẻ em sẽ làm trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng, kém thông minh và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm phổi và tiêu chảy.

Phụ nữ trong giai đoạn mang thai bị thiếu sắt sẽ làm bào thai chậm phát triển, dễ bị sinh non hay đẻ con thiếu cân làm tăng tỷ lệ tử vong của cả mẹ và bé.

Thiếu sắt trong giai đoạn thanh thiếu niên làm giảm thể lực, giảm khả năng học tập. giảm sự tập trung, chú ý, tăng rủi ro khi lao động, giảm sức đề kháng và giảm năng suất làm việc.

3.5. Thiếu i-ốt

Thiếu i-ốt sẽ gây ra nhiều rối loạn khác nhau do thiếu hụt hormone tuyến giáp

Phụ nữ mang thai bị thiếu i-ốt có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, trẻ sinh ra có thể bị đần độn do tổn thương não vĩnh viễn.

Trẻ em và thanh thiếu niên bị thiếu i-ốt liên tục sẽ gây giảm trí tuệ, giảm chỉ số thông minh, học hành kém, chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng thấp còi và kém hoạt động.

3.6. Thiếu kẽm

Trẻ em bị thiếu kẽm có thể dẫn đến một số rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa, thần kinh. Đặc biệt, kẽm đóng vai trò là enzyme cần thiết cho sự tổng hợp protein, axit nucleic cũng như sự tổng hợp và bài tiết của nhiều hormone tăng trưởng quan trọng khác.

Phụ nữ mang thai thiếu kẽm sẽ làm giảm cân nặng và chiều cao ở trẻ sơ sinh. Trẻ em thiếu kẽm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn, chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì và giảm chức năng sinh dục.

3.7. Thiếu kali

Kali có vai trò giúp tim, dây thần kinh và cơ bắp của trẻ hoạt động bình thường, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào duy trì hoạt động.

Trẻ bị thiếu kali có thể gặp các triệu chứng như yếu cơ, co giật, chuột rút, táo bón, ngứa ran, nhịp tim bất thường hoặc đánh trống ngực.

Tóm lại, trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em thì cha mẹ cần chú ý cho trẻ ăn uống đa dạng, chọn lựa thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung rau xanh và trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần quan sát các dấu hiệu thiếu vi chất ở trẻ như chậm lớn, thấp còi, chán ăn và thường xuyên ốm vặt để phát hiện và bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho trẻ.

Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ ngay từ sớm sẽ giúp con tăng cường sức đề kháng để từ đó có một cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ và giảm nguy cơ mắc bệnh tốt hơn.

Nguồn: everydayhealth.com - healthline.com

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Chu Yến Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Có nên dùng thuốc bổ cho nam giới suy nhược cơ thể?

Có nên dùng thuốc bổ cho nam giới suy nhược cơ thể?

Xét nghiệm máu chỉ số HGB 99, chỉ số HCT là 0.307 có nguy hiểm không?

Xét nghiệm máu chỉ số HGB 99, chỉ số HCT là 0.307 có nguy hiểm không?

Xét nghiệm máu chỉ số HGB 11.4, MCV 74.3, MCH 24.8, NEU 33.6, LYM 58.3 nghĩa là sao?

Xét nghiệm máu chỉ số HGB 11.4, MCV 74.3, MCH 24.8, NEU 33.6, LYM 58.3 nghĩa là sao?

Khi nào cần xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt?

Khi nào cần xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt?

Các tác dụng phụ khi truyền sắt có thể gặp

Các tác dụng phụ khi truyền sắt có thể gặp

23

Bài viết hữu ích?