Protein trong máu đóng vai trò vô cùng quan trọng có tác dụng cấu tạo nên tế bào và tham gia trực tiếp đến các quá trình hoạt động sinh lý trong cơ thể người. Xét nghiệm protein toàn phần trong máu có công dụng đo hàm lượng albumin và globulin có trong huyết thanh.
Protein máu hay còn được gọi là protein huyết tương đóng vai trò thành phần cấu tạo cho nhiều cơ quan, hormone và enzyme. Protein là thành phần đóng vai trò rất cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển của cơ thể.
Trong cơ thể người thì protein trong máu đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sinh lý bình thường:
Protein được cấu tạo từ hơn 20 loại acid amin, là thành phần tham gia cấu tạo lên các mô, tế bào, qua đó có công dụng giúp cho cơ thể người tăng trưởng và phát triển.
Protein trong máu có chức năng duy trì áp lực thẩm thấu keo, qua đó làm cho nước không đi ra ngoài lòng mạch máu, ổn định quá trình trao đổi muối và nước.
Tham gia vào duy trì cân bằng nồng độ pH trong máu của cơ thể.
Protein đóng vai trò trong bảo vệ cơ thể, cụ thể là Fibrinogen tham gia thúc đẩy quá trình đông máu. Globulin tham gia trực tiếp vào quá trình đáp ứng miễn dịch trong cơ thể, chống lại các tác nhân vi khuẩn từ bên ngoài.
Vận chuyển và liên kết các loại acid béo, các loại enzyme, hormone steroid,... đi khắp các cơ quan của cơ thể. Đồng thời, protein trong máu có tác dụng vận chuyển các loại thuốc như thuốc ngủ hay thuốc kháng sinh.
Xét nghiệm protein là gì? Xét nghiệm protein máu trong cơ thể là xét nghiệm máu phản ánh tình trạng sức khỏe và những bất thường liên quan đến các bệnh lý về gan, thận, khớp, tiêu hóa… và tình trạng dinh dưỡng của cơ thể. Chỉ số xét nghiệm protein máu tăng cao hoặc giảm thấp sẽ có vai trò quan trọng trong phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, qua đó, giúp cho bác sĩ điều trị có gợi ý chẩn đoán phù hợp và chính xác tình trạng bệnh.
2. Chỉ định của xét nghiệm protein máu
Chỉ định xét nghiệm protein máu trong các trường hợp:
Kiểm tra sức khỏe định kỳ;
Kiểm tra định kỳ các bệnh lý về đường tiêu hóa, gan, thận giúp chẩn đoán nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến mức độ protein.
Phù hoặc sưng nguyên nhân do dịch mô dư thừa, sụt cân không kiểm soát, suy dinh dưỡng, rối loạn tiểu tiện, cơ thể mệt mỏi hay ăn kém...
3. Giá trị của xét nghiệm protein máu
3.1. Chỉ số protein máu bình thường
Tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm và thiết bị sử dụng mà các phòng xét nghiệm có thể sử dụng bảng quy chiếu protein toàn phần khác nhau.
Chỉ số bình thường đối với nồng độ protein máu trong huyết thanh là 6 - 8 (g/dl). Trong đó thì albumin chiếm 3,5 - 5,0 g / dl và phần còn lại là globulin.
Thông thường, cơ thể của một người sẽ thải ra ngoài cơ thể dưới 150 mg protein toàn phần và dưới 20 mg albumin qua nước tiểu trong thời gian mỗi 24 giờ.
3.2. Chỉ số protein máu tăng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số protein máu tăng, cụ thể như:
Bệnh viêm tụy cấp tính, viêm tủy xương, viêm loét dạ dày tá tràng.
Các tình trạng nhiễm trùng giai đoạn cấp tính, mất nước, rối loạn protein trong máu.
Bệnh lý về thận như viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư.
Các bệnh lý về gan như vàng da tắc mật, xơ gan, viêm gan nguyên nhân do virus hay ung thư gan giai đoạn tiến triển,...
Các bệnh lý khác như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, u lympho Hodgkin, đa u tủy xương,...
3.3. Chỉ số protein máu giảm
Các tình trạng suy giảm chức năng tế bào gan dẫn đến làm giảm tổng hợp albumin.
Globulin giảm trong các trường hợp bỏng, bệnh lý đường ruột, hội chứng thận hư, do hòa loãng máu, người bị suy giảm gamma globulin bẩm sinh, thời kỳ sau sinh ở người phụ nữ...
Fibrinogen giảm trong các bệnh lý về gan, bệnh huyết khối, sử dụng thuốc tiêu fibrinogen hay suy giảm fibrinogen bẩm sinh,...
Có thể thấy, xét nghiệm protein máu là xét nghiệm máu rất có giá trị trong việc trong chẩn đoán các bệnh lý về gan, thận, tiêu hóa,... Đây là một xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện với chi phí thấp. Do đó, bạn nên thực hiện xét nghiệm này định kỳ để có thể theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân.
Hiện nay nhiều cơ sở y tế có đang cung cấp gói xét nghiệm máu từ cơ bản đến chuyên sâu. Bạn sẽ được thăm khám, đo lượng tử, xét nghiệm,… và thực hiện nhiều loại xét nghiệm đạt tiêu chuẩn khác qua đó xác định những vấn đề sức khỏe của mình và tối ưu hóa sức khỏe tổng thể một cách tốt nhất. Xét nghiệm protein máu có vai trò rất quan trọng đối với những người thừa cân, béo phì hoặc những người mắc các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa. Nguyên nhân là do thông qua xét nghiệm trên bác sĩ điều trị sẽ đánh giá tổng thể được vấn đề sức khỏe hiện tại từ đó đưa ra hướng chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh. Điều này sẽ phần nào giúp giảm thiểu được tối đa những biến chứng về sức khỏe đối với người bệnh.
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số
094 164 8888
hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu