Một thói quen của đa số người Việt Nam là khi cơ thể mệt mỏi suy nhược thường mong muốn được truyền nước. Hiện nay, có rất nhiều loại dịch truyền cho từng trường hợp khác nhau, việc bạn cần truyền dịch hay không phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Vậy cơ thể mệt mỏi có nên truyền nước hay không? Truyền nước gì khi cơ thể suy nhược để đảm bảo sự hiệu quả và an toàn?
Hiện nay, có nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi quan niệm rằng truyền nước hay nói các khác là truyền dịch được xem như 1 phương pháp chữa “bách bệnh”, đặc biệt là khi cơ thể mệt mỏi. Trước khi trả lời cho câu hỏi khi “cơ thể mệt mỏi có nên truyền nước không?”, ta hãy cùng tìm hiểu truyền dịch thực chất là gì. Truyền dịch hay “truyền nước” là phương pháp nhằm đưa một lượng dịch từ bên ngoài vào trong cơ thể một người thông qua đường tĩnh mạch bằng 1 bộ kim và dây truyền. Hiện nay, trong y khoa có khoảng hơn 20 loại dịch thường được sử dụng để truyền vào cơ thể và chia thành ba nhóm cơ bản:
Nhóm dịch bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể: Dịch truyền Glucose 5%, 10%, 20%, 30%, dịch truyền đạm, vitamin và chất béo…
Nhóm dịch cung cấp nước và điện giải cho cơ thể, bao gồm: Dung dịch Natri clorua 0,9%, Lactate ringer và Bicarbonate natri 1,4%…
Nhóm dịch đặc biệt, bao gồm: Huyết tương tươi đông lạnh, dung dịch dextran, dung dịch chứa albumin, dung dịch cao phân tử, haes-steril và gelofusine…
“Cơ thể mệt mỏi có nên truyền nước hay không?” hay “truyền nước gì khi cơ thể suy nhược?” là thắc mắc của nhiều người. Mặc dù có 3 nhóm dịch chính như kể trên, nhưng việc truyền nước hay truyền dịch thường chỉ đề cập đến việc sử dụng 2 nhóm dịch là dịch bổ chất dinh dưỡng và dịch cung cấp nước, điện giải. Trong phần lớn các trường hợp cơ thể mệt mỏi suy nhược, nếu bệnh nhân vẫn giữ được sự tỉnh táo và khả năng ăn uống, thì các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân tự bổ sung dinh dưỡng qua đường tiêu hóa. Đồng nghĩa với việc áp dụng việc truyền nước là không cần thiết, đôi khi gây dư thừa dinh dưỡng và điện giải trong khi bạn hoàn toàn có thể bổ sung các chất dinh dưỡng và năng lượng vào cơ thể bằng đường ăn uống. Ngoài ra, việc chỉ định sử dụng loại dịch nào để truyền còn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Việc truyền nước và điện giải thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân bị mất nước và rối loạn điện giải do một số bệnh lý như tiêu chảy, nôn, sốt cao…hoặc các tình trọng mất thể tích tuần hoàn cấp. Ngược lại, dịch bổ sung chất dinh dưỡng hay “truyền đạm” được chỉ định trong trường hợp cơ thể mệt mỏi suy nhược ở mức độ nặng, bệnh nhân không thể tự ăn uống được do bất kỳ nguyên nhân gì. Có thể kết luận rằng, truyền nước khi cơ thể mệt mỏi suy nhược không phải là một chỉ định bắt buộc và không phải lúc nào cũng cần thiết. Nó phụ thuộc rất lớn vào nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi suy nhược và đánh giá lâm sàng của bác sĩ.
Khi cơ thể mệt mỏi có nên truyền nước không?
Việc truyền dịch mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia có kinh nghiệm, không những không có tác dụng gì mà còn dễ gây ra những biến chứng không đáng có. Vì vậy, trước khi quyết định cho bệnh nhân truyền dịch, bác sĩ sẽ thực hiện các bước thăm khám cũng như đánh giá tình trạng sức khỏe và dựa vào đó để xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi suy nhược. Truyền nước hay truyền dịch không hề đơn giản chỉ là việc là bổ sung dinh dưỡng để vượt qua sự mệt mỏi suy nhược, do đó tránh tự ý thực hiện tại nhà.
2. Những tai biến có thể gặp trong khi truyền dịch
Ngoài chỉ định của bác sĩ, quá trình truyền dịch hay truyền nước luôn đòi hỏi phải tuân thủ theo những nguyên tắc về lượng dịch, tốc độ truyền, thời gian truyền và đảm bảo vô khuẩn cũng như sự giám sát thường xuyên của nhân viên y tế trong thời gian truyền. Việc không thực hiện theo những nguyên tắc này có thể gây ra những tai biến nguy hiểm như:
Nhiễm trùng: Cũng như mọi phương pháp can thiệp khác, truyền dịch cũng có nguy cơ gây ra nhiễm trùng. Khi truyền dịch, kim truyền (cùng với hàng triệu vi khuẩn trên da hoặc môi trường xung quanh) sẽ đi vào và tiếp xúc trực tiếp vào tĩnh mạch và lúc này, nếu không tuân thủ đúng các quy định về vô khuẩn có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng. Song song với việc này, cơ thể mệt mỏi suy nhược luôn đồng nghĩa với sức đề kháng rất yếu, vì vậy vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập và tấn công. Cuối cùng là gây ra nhiễm trùng tại nơi tiêm, nhiễm trùng cơ quan lân cận và nặng nề nhất là nhiễm trùng huyết.
Quá tải dịch: Quá tải dịch hay quá tải điện giải cũng là một biến chứng thường gặp của truyền dịch. Nguyên nhân từ việc tự ý truyền dịch không theo chỉ định, thường gặp nhất là những người chỉ cần mệt một chút là lại đi truyền nước. Việc truyền nước vượt quá nhu cầu của cơ thể có thể làm quá tải hệ thống tuần hoàn, gây phù và tăng gánh nặng cho cơ tim. Ngoài ra, quá tải lượng dinh dưỡng có thể gây ra tăng tích tụ mỡ thừa, hay quá tải điện giải có thể làm tình trạng rối loạn điện giải trở nên trầm trọng hơn, từ đó tăng nguy cơ tràn vào màng tim gây phù tim, phù phổi, loạn nhịp tim, chèn ép tim, thậm chí là tử vong.
Sốc phản vệ: Đây là một trong những tai biến nguy hiểm nhất của việc truyền dịch, sốc phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ ai, ngay cả khi đã được thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện trong bệnh viện. Những dấu hiệu đầu tiên của sốc phản vệ là ban sần, phù mạch, nổi mày đay, đau bụng, khó thở,... nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến rối loạn tuần hoàn, suy hô hấp, suy đa cơ quan không thể hồi phục và cuối cùng có thể dẫn đến tử vong.
Suy giảm chức năng cầu thận: Truyền dịch với tốc độ nhanh hoặc lượng dịch quá mức cho phép sẽ buộc thận phải tăng công suất hoạt động để thải lượng dịch dư thừa. Việc lạm dụng truyền nước về lâu dài có thể khiến chức năng thận bị suy giảm, hay cụ thể là chức năng lọc của cầu thận và ống thận bị hủy hoại hoàn toàn. Điều này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và không thể được hồi phục.
Những biến chứng nguy hiểm kể trên là lý do chính giải thích vì sao mà các bác sĩ rất thận trọng khi quyết định cho người bệnh truyền nước. Những biến chứng này còn đặc biệt nguy hiểm trên những đối tượng tự truyền nước tại nhà mà không có nhân viên y tế giám sát, cũng như không có đủ trang thiết bị cho việc xử trí cấp cứu. Hãy luôn nhớ một điều rằng, các thành phần trong dịch truyền sẽ đi thẳng vào máu của bạn, việc cấp cứu khi có tai biến nếu không kịp thời có thể gây tử vong bất kỳ lúc nào.
Sốc phản vệ là một trong những biến chứng nguy hiểm của truyền đạm/ dịch
3. Cần làm gì nếu cơ thể mệt mỏi suy nhược?
3.1. Điều trị nguyên nhân gốc rễ
Việc đầu tiên bạn nghĩ đến khi cơ thể mệt mỏi suy nhược không phải là truyền nước mà nên là tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. Khi cơ thể mệt mỏi suy nhược nói riêng và các vấn đề khác nói chung, hãy tìm gặp bác sĩ để khám bệnh và cùng tìm ra gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu. Một số bệnh lý dưới đây có thể gây ra tình trạng mệt mỏi và suy nhược:
Sốt kéo dài (như trong sốt xuất huyết);
Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS);
Suy giáp;
Ung thư;
Rối loạn lo âu hay trầm cảm;
Suy tim sung huyết;
Đái tháo đường;
Viêm khớp;
Thiếu máu cấp hoặc mạn;
Rối loạn điện giải;
Nhiễm trùng đường tiết niệu.
Việc được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng cơ thể mệt mỏi suy nhược sẽ giúp các bác sĩ đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp nhất, truyền nước hay truyền dịch cũng có thể là một trong số đó.
Chế độ ăn khoa học có thể giảm bớt tình trạng mệt mỏi cơ thể mệt mỏi suy nhược
3.2. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Dưới đây là một số điều chỉnh về chế độ bạn có thể áp dụng thay vì thắc mắc về việc cơ thể mệt mỏi nên truyền gì.
Tránh bỏ bữa ăn sáng, lựa chọn các loại thực phẩm giàu carbohydrate và trái cây tươi mát để bắt đầu một ngày mới.
Cố gắng ăn uống thường xuyên và đúng bữa để duy trì mức năng lượng trong suốt cả ngày.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ Protein, tinh bột (ăn có kiểm soát), chất béo lành mạnh, trái cây, rau…trong chế độ ăn uống. Đồng thời giảm lượng chất béo không lành mạnh, thực phẩm nhiều đường và nhiều muối. Kết hợp với việc ăn chậm nhai kỹ, tránh ăn vặt, ăn quá nhiều lượng thức ăn trong một bữa… để giúp khả năng hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng cũng như việc cải thiện sức khỏe của bạn tốt hơn.
Đảm bảo uống đầy đủ 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày.
Cắt giảm hoặc loại bỏ các loại đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà và đồ uống cola… trong khi cơ thể mệt mỏi suy nhược. Cố gắng ngừng hoàn toàn caffein trong 1 tháng để xem tình hình có cải thiện hơn không.
3.3. Điều chỉnh giấc ngủ
Một nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng cơ thể mệt mỏi suy nhược là ngủ không đủ giấc hoặc giấc ngủ kém chất lượng.
Đảm bảo thời lượng giấc ngủ được khuyến cáo là khoảng 7 - 8 tiếng mỗi đêm.
Đi ngủ cũng như thức giấc vào cùng một thời điểm cố định hằng ngày.
Hạn chế caffein, tránh tập thể dục, ăn uống và sử dụng thiết bị công nghệ trước giờ đi ngủ.
Thư giãn nhẹ nhàng bằng cách tâm sự với người thân, đọc sách, nghe nhạc, cầu nguyện… trước giờ ngủ
Tránh sử dụng và lạm dụng thuốc ngủ, vì có thể gây ra những tác dụng ngược lên sức khỏe cũng như chất lượng giấc ngủ
3.4. Điều chỉnh lối sống và chế độ sinh hoạt
Một số thay đổi về lối sống để tránh tình trạng cơ thể mệt mỏi suy nhươc, bao gồm:
Không hút thuốc hay sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy…vì các chất động trong các sản phẩm này có thể khiến cơ thể ngày càng mệt mỏi hơn, và về lâu dài có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên hơn. Hãy tham gia các môn thể thao như chạy bộ, đá bóng, đạp xe, cử tạ, bơi lội… hoặc đơn giản hơn là đăng ký tham gia các lớp tập Yoga, thiền định, thái cực quyền, erobic…
Di chuyển nhiều hơn và tránh bất động quá lâu như việc ngồi làm việc lâu, nằm ngồi xem tivi, chơi trò chơi trên máy tính…
Cải thiện giấc ngủ để tránh tình trạng cơ thể mệt mỏi suy nhược
3.5. Một số phương pháp khác
Giảm căng thẳng, stress là cách tốt nhất để giúp cơ thể đỡ mệt mỏi và suy nhược. Hầu hết sự mệt mỏi đều đến từ tinh thần bị căng thẳng hay việc suy nghĩ quá nhiều. Thư giãn nhiều hơn bằng cách nói chuyện tâm sự với người thân, đi chơi với bạn bè, hoặc thực hiện những sở thích của bản thân như đọc sách, vẽ tranh, nấu ăn, chơi thể thao…
Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hoặc tranh thủ những thời gian rảnh tại nơi làm việc để “chợp mắt”. Tránh làm việc quá sức hoặc làm việc tăng ca, điều này đôi khi có thể khiến tình trạng mệt mỏi bị kéo dài và không có điểm dừng.
Các vấn đề tại nơi làm việc hay trong gia đình có thể khiến bạn bị stress, từ đó làm cơ thể mệt mỏi và suy nhược nhiều hơn. Trước khi nghĩ đến những biện pháp xa vời như truyền đạm hay truyền nước, hãy tìm cách giải quyết mọi khó khăn, cơ thể bạn sẽ tự động hồi phục ngay sau đó.
Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra tác dụng phụ là khiến cơ thể mệt mỏi suy nhược, hãy đọc kỹ thành phần cũng như tác dụng phụ được ghi trên tờ hướng dẫn của thuốc. Nếu nghi ngờ việc sử dụng thuốc đó gây ảnh hưởng đến tổng trạng của bạn, hãy báo với bác sĩ điều trị để được điều chỉnh hoặc cắt giảm bớt lượng thuốc này.
Tóm lại, truyền nước hay truyền dịch không phải là một loại “thần dược”, việc chỉ định sử dụng phương pháp này hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng cơ thể của chính bạn, cũng như sự thăm khám và đánh giá của bác sĩ. Do đó, thay vì luôn thắc mắc về câu hỏi suy nhược cơ thể có nên truyền nước không hay truyền nước gì khi cơ thể suy nhược, bạn hãy tự tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng này hoặc có thể nhớ đến sự trợ giúp của bác sĩ. Hiện nay, phương pháp truyền tái tạo năng lượng là giải pháp được nhiều người tin tưởng, giúp bổ sung tức thì vitamin cho toàn bộ cơ thể, chống lại sự mệt mỏi, cải thiện tinh thần, trẻ hóa não bộ và tăng cường năng lượng nhanh chóng từ cấp độ tế bào. Phương pháp này được thực hiện bằng cách truyền tĩnh mạch vi hoạt chất (bao gồm: Chất lỏng, chất điện giải, vitamin, chất chống oxy hóa và axit amin cùng dung dịch truyền độc quyền) giúp bổ sung toàn diện vitamin, axit amin và thúc đẩy glutathione để có sức khỏe cho toàn bộ cơ thể. Nhờ đó bạn sẽ nhanh chóng lấy lại năng lượng tích cực và thoát khỏi tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể.