Zalo

Mỡ nội tạng và bệnh gan: Trận chiến vô hình bên trong cơ thể

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến "mỡ nội tạng" và những nguy hại mà nó gây ra đối với sức khỏe. Tuy nhiên, ít người biết rằng mỡ nội tạng cũng ẩn chứa nguy cơ nghiêm trọng đối với gan - cơ quan quan trọng của cơ thể chịu trách nhiệm xử lý chất béo và đào thải độc tố. Hơn bao giờ hết, việc nắm vững thông tin về tác động của mỡ nội tạng đến gan và những biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị bệnh gan liên quan đến mỡ nội tạng là cần thiết để duy trì một hệ thống gan khỏe mạnh.

1. Tác động đa chiều của mỡ nội tạng lên gan

Mỡ nội tạng là loại chất béo tích tụ xung quanh các cơ quan nội tạng, bao gồm gan, tuyến tụy, ruột và thận. Chúng đóng 1 vai trò phức tạp trong sinh lý và quá trình trao đổi chất của cơ thể, hoạt động như một lớp đệm bảo vệ các cơ quan nội tạng, giúp ngăn ngừa các tổn thương về thể chất. 

Tuy nhiên, nội tạng nhiễm mỡ có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ và các biến chứng liên quan đến béo phì. Chính những rối loạn chuyển hóa này, không chỉ tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của gan. Lượng mỡ nội tạng cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). 

Ngoài ra, nội tạng nhiễm mỡ có liên quan đến tình trạng kháng insulin, là tình trạng mà các tế bào của cơ thể không phản ứng đúng cách với insulin, làm tăng sản xuất glucose ở gan, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Kháng insulin còn thúc đẩy quá trình tạo mỡ và ức chế quá trình phân giải chất béo dự trữ. Từ đó góp phần gây rối loạn lipid máu, đặc trưng bởi tình trạng tăng triglyceride và giảm nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Hình 1. Các tương tác giữa gan và các cơ quan đích khác trong bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa (NAFLD)

2. Mối liên quan giữa nội tạng nhiễm mỡ và NAFLD

NAFLD bao gồm một loạt các tình trạng của gan, từ gan nhiễm mỡ đơn thuần, nơi chất béo tích tụ trong gan mà không bị viêm, có thể hồi phục khi thay đổi lối sống. Nếu không được điều trị, gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), một dạng nghiêm trọng hơn được đặc trưng bởi tổn thương và viêm tế bào gan. NASH có thể tiến triển xa hơn thành xơ hóa, xơ gan và trong một số trường hợp là ung thư biểu mô tế bào gan (ung thư gan).

Mỡ nội tạng đóng vai trò hoạt động trao đổi chất và giải phóng các chất hoạt tính sinh học khác nhau được gọi là adipokine, bao gồm adiponectin, leptin và các cytokine gây viêm. Adipokine ảnh hưởng đến chuyển hóa gan, viêm và độ nhạy insulin, do đó ảnh hưởng đến sức khỏe của gan. Mỡ nội tạng, đặc biệt là mỡ tích tụ quá mức ở gan, là đặc điểm chính của NAFLD. Sự tích tụ chất béo dư thừa trong tế bào gan là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm và tổn thương gan tiến triển thành NAFLD (Brunt et al., 2019).

Mỡ nội tạng giải phóng axit béo tự do (FFA) vào máu, được gan hấp thu. Gan chuyển đổi các FFA này thành triglyceride, dẫn đến sự tích tụ mỡ trong tế bào gan. Sự tích tụ này là dấu hiệu đặc trưng của NAFLD, một tình trạng mà các tế bào gan tích trữ quá nhiều chất béo dẫn đến gan to ra (Samuel & Shulman, 2018).

Nghiên cứu cho thấy, mỡ nội tạng có liên quan chặt chẽ với insulin kháng ở gan, làm tăng sự tích tụ mỡ và gây tổn thương gan (Jeong et al., 2018). Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mỡ nội tạng và tiến triển thành NAFLD. Tỷ lệ mắc NAFLD ở nhóm thừa cân là 30-50%, nhóm béo phì là 75-92% (Younossi et al., 2019). Ngoài ra, nhiễm mỡ có thể thúc đẩy stress oxy hóa, dẫn đến tăng sản xuất các loại oxy phản ứng (ROS) gây tổn thương tế bào. Điều này cũng góp phần vào sự tiến triển của NAFLD.

Hình 2. Các giai đoạn khác của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NADLF)

3. Thay đổi lối sống để tối ưu hóa sức khỏe gan

Điều chỉnh lối sống:

Giảm lượng mỡ nội tạng thông qua thay đổi lối sống và chế độ ăn kiêng đóng vai trò chính trong điều trị NAFLD (Chalasani et al., 2012). Một chế độ ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất thường xuyên và kiểm soát cân nặng là những thành phần thiết yếu để giảm tích tụ mỡ nội tạng và cải thiện sức khỏe của gan. 

Duy trì cân nặng:

Thừa cân và béo phì là những yếu tố rủi ro đáng kể đối với NAFLD. Nhằm mục đích đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh thông qua chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên là chìa khóa giúp cải thiện sức khỏe của gan và giảm nguy cơ NAFLD.

Dinh dưỡng:

Một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Nên áp dụng chế độ ăn giàu thực phẩm nguyên chất, trái cây, rau, protein nạc và chất béo lành mạnh, đồng thời hạn chế đường bổ sung, carbohydrate tinh chế và chất béo không lành mạnh có thể giúp giảm tích tụ mỡ nội tạng.

Hình 3. Chế độ ăn cân bằng và lành mạnh 

Hạn chế thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, như nước ngọt, các loại bánh kẹo. Thay vào đó, chọn chất béo lành mạnh từ các loại hạt, các loại cá béo, dầu oliu,... Ngoài ra, chất xơ là thành phần không thể thiếu trong các bữa ăn lành mạnh, tăng lượng chất xơ của bạn thông qua trái cây, rau, các loại đậu và ngũ cốc.

Hoạt động thể chất:

Tập thể dục nhịp điệu thường xuyên và rèn luyện sức mạnh cũng có thể có hiệu quả trong việc giảm mỡ nội tạng và cải thiện sức khỏe. Các bài tập thể dục cụ thể như tập luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT) đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm mỡ nội tạng trong một số nghiên cứu. Kết hợp tập thể dục nhịp điệu với rèn luyện sức bền có thể có tác động tích cực đến mỡ nội tạng và tổng thể thành phần cơ thể.2,3

Thời gian tập khuyến khích ít nhất 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải hoặc 75 phút tập thể dục cường độ mạnh mỗi tuần.2

Lời khuyên:

Ngoài các biện pháp đã được nêu trên, bạn cần chú ý đến một số điểm quan trọng khác ảnh hưởng đến sức khỏe gan. Thứ nhất là hạn chế tiêu thụ rượu bia là yếu tố quan trọng. Nếu có nhu cầu, cần uống có chừng mực và tuân thủ các nguyên tắc do cơ quan y tế đặt ra. Bên cạnh đó, tránh hút thuốc lá và hút phải khói thuốc vì chất độc từ thuốc lá có thể gây hại cho sức khỏe của gan. Cùng với đó, căng thẳng mãn tính có thể góp phần vào các hành vi không lành mạnh và mất cân bằng trao đổi chất. Kiểm tra sức khỏe định kỳ rất quan trọng nhằm theo dõi sức khỏe của gan và phát hiện sớm NAFLD. Đặc biệt, những người có các yếu tố nguy cơ nên thảo luận với bác sĩ để được tư vấn về các xét nghiệm sàng lọc thích hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Guo X, Yin X, Liu Z, Wang J. Non-Alcoholic Fatty Liver Disease (NAFLD) Pathogenesis and Natural Products for Prevention and Treatment. International Journal of Molecular Sciences. 2022;23(24):15489. doi:10.3390/ijms232415489

2. Leoni S, Tovoli F, Napoli L, Serio I, Ferri S, Bolondi L. Current guidelines for the management of non-alcoholic fatty liver disease: A systematic review with comparative analysis. World J Gastroenterol. 2018;24(30):3361-3373. doi:10.3748/wjg.v24.i30.3361

3. Chang YH, Yang HY, Shun SC. Effect of exercise intervention dosage on reducing visceral adipose tissue: a systematic review and network meta-analysis of randomized controlled trials. Int J Obes. 2021;45(5):982-997. doi:10.1038/s41366-021-00767-9

4. Chalasani N, Younossi Z, Lavine JE, et al. The diagnosis and management of nonalcoholic fatty liver disease: Practice guidance from the American Association for the Study of Liver Diseases. Hepatology. 2018;67(1):328-357. doi:10.1002/hep.29367

5. Pacana T, Sanyal AJ. Vitamin E and Non-alcoholic Fatty Liver Disease. Curr Opin Clin Nutr Metab Care. 2012;15(6):641-648. doi:10.1097/MCO.0b013e328357f7476. Sato K, Gosho M, Yamamoto T, et al. Vitamin E has a beneficial effect on nonalcoholic fatty liver disease: A meta-analysis of randomized controlled trials. Nutrition. 2015;31(7):923-930. doi:https://doi.org/10.1016/j.nut.2014.11.018

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Phạm Trần Thiên Nhân xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Mỡ nội tạng quấn gan: Hướng dẫn phòng ngừa và cách chữa trị

Mỡ nội tạng quấn gan: Hướng dẫn phòng ngừa và cách chữa trị

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Nguyên nhân mỡ nội tạng cao cản trở tiêu hóa và cách cải thiện hiệu quả

Nguyên nhân mỡ nội tạng cao cản trở tiêu hóa và cách cải thiện hiệu quả

Mỡ nội tạng cao do nội tiết rối loạn: Nguyên nhân và cách khắc phục

Mỡ nội tạng cao do nội tiết rối loạn: Nguyên nhân và cách khắc phục

Bí mật của mỡ nội tạng: Khám phá vùng 'tử địa' mỡ trong cơ thể

Bí mật của mỡ nội tạng: Khám phá vùng 'tử địa' mỡ trong cơ thể

12

Bài viết hữu ích?