Zalo

Mỡ bụng tuổi trung niên có thể làm tăng nguy cơ tàn tật

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Độ tuổi “xế chiều” là giai đoạn mà cơ thể chúng ta phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bệnh tật, trong đó có tình trạng tăng cân, tăng mỡ bụng, các bệnh lý tim mạch hay suy giảm các chức năng thể chất… Nhiều người cho rằng, ngoài những ảnh hưởng trên sức khỏe, việc tăng mỡ bụng tuổi trung niên có liên quan đến nguy cơ tàn tật. Vậy 2 vấn đề này có thật sự liên quan với nhau hay không?

1. Mỡ bụng ở tuổi trung niên có thể làm tăng nguy cơ tàn tật hay không?

Suy nhược và giảm sức mạnh thể chất, vận động thường liên quan đến tuổi tác và các tình trạng sức khỏe bất lợi. Những tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ tàn tật sau khi về già, đây là 1 thách thức đặc biệt đối với cả nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và người lớn tuổi bị ảnh hưởng vì tác động của nó đối với sức khỏe, sự độc lập về chức năng và chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân của vấn đề này có nhiều mặt, nhưng những con đường phổ biến dẫn đến tình trạng yếu ớt hay tàn tật bao gồm bệnh tật tuổi trung niên, các vấn đề sức khỏe mãn tính, viêm nhiễm, suy dinh dưỡng, lười vận động… và ngay cả những nguyên nhân ít người nghĩ đến như tình trạng béo phì hay tăng mỡ bụng.

Suy giảm chức năng vận động từng được coi chủ yếu là một chứng rối loạn do gầy mòn, việc mất cân nhanh chóng, giảm khối lượng cơ bắp và sức mạnh là những dấu hiệu quan trọng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng lượng mỡ quá mức tích tụ tại các vùng trong cơ thể, như mỡ bụng cũng có thể dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể và làm tăng nguy cơ tàn tật. 

2. Bằng chứng về sự liên quan giữa mỡ bụng tuổi trung niên và nguy cơ tàn tật

Sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra, các nhà nghiên cứu đã xác định chu vi vòng bụng “bình thường” là khoảng 37 inch (94 cm) trở xuống đối với nam và khoảng 31 inch (78 - cm) trở xuống đối với nữ. Vòng bụng lớn vừa phải được định nghĩa là khoảng 37 đến 40 inch (94 - 101 cm) đối với nam và 32 đến 35 inch (81 - 89 cm) đối với nữ. Theo một nghiên cứu mới được công bố vào năm 2020 trên tạp chí BMJ Open, tình trạng mỡ bụng và thừa cân tuổi trung niên có thể làm tăng khả năng mắc phải hội chứng dễ bị tổn thương (Frailty Syndrome) làm tăng nguy cơ tàn tật khi về già.

Các nhà khoa học ở Na Uy đã xem xét dữ liệu của khoảng 4500 người từ 45 tuổi trở lên (tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu) trong trung bình 21 năm và phát hiện ra rằng những người có số đo vòng eo cao ngay từ đầu có nguy cơ ốm yếu và tàn tật cao gấp đôi so với những người bắt đầu với kích thước vòng eo bình thường. Đối với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xác định hội chứng dễ bị tổn thương (Frailty Syndrome) theo thang đánh giá với ít nhất 3 trong số 5 tiêu chí sau:

  • Tình trạng thường xuyên kiệt sức;
  • Độ bám và mức độ thăng bằng yếu;
  • Tốc độ đi bộ chậm;
  • Mức độ hoạt động thể chất thấp;
  • Giảm cân ngoài ý muốn.

Trong khi những người béo phì ở tuổi trung niên có số đo vòng bụng cao khi bắt đầu nghiên cứu có nguy cơ ốm yếu hoặc tàn tật cao gấp đôi khi về già, thì những người có vòng bụng vừa phải phải vẫn phải đối mặt với nguy cơ ốm yếu hoặc tàn tật cao hơn 57% so với những người có kích thước bụng bình thường.

Béo phì ở tuổi trung niên liên quan đến nguy cơ tàn tật khi về già

Chỉ số khối cơ thể - BMI là tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), chỉ số BMI dưới 18,5 được coi là thiếu cân, từ 18,5 đến 24,9 là ở mức khỏe mạnh, từ 25 đến 29,9 là ở mức thừa cân và từ 30 trở lên là ở mức béo phì. Đối với những người bắt đầu bị béo phì, được xác định bằng chỉ số khối cơ thể - BMI, nguy cơ ốm yếu hoặc tàn tật vào cuối giai đoạn theo dõi cao hơn gần 2,5 lần so với những người có chỉ số BMI bình thường.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất vẫn là việc vừa có chỉ số BMI cao vừa có vòng bụng lớn, đây là những biểu hiện của tình trạng béo phì. Những người có cả hai điều kiện trên có nguy cơ ốm yếu hoặc tàn tật cao gấp 3 lần so với những người không có những vấn đề đó.

Các tác giả chính của nghiên cứu cũng cho biết: “Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng những người trung niên có cả chỉ số BMI cao và tình trạng mỡ bụng nhiều có xác suất trở nên ốm yếu hoặc tàn tật cao hơn so với các nhóm khác khi về già. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc theo dõi không chỉ chỉ số BMI mà còn cả vòng bụng của chúng ta trong suốt độ tuổi “xế chiều”.

Ở phần tiếp theo, các cơ chế cơ bản giải thích tình trạng mỡ bụng tuổi trung niên góp phần gây ra sự yếu đuối về thể chất và làm tăng nguy cơ tàn tật sẽ được khám phá đầy đủ hơn. Ngoài các tình trạng sức khỏe liên quan đến béo phì, stress oxy hóa, viêm và giảm chất lượng cơ do thâm nhiễm lipid là những tác nhân tiềm ẩn quan trọng dẫn đến suy giảm chức năng ở những người bị béo phì ở tuổi trung niên. 

3. Vì sao những người béo phì tuổi trung niên thường có nguy cơ tàn tật?

Phần ở trên đã cho ta thấy sự liên quả của tình trạng béo phì ở tuổi trung niên hay tăng mỡ bụng tuổi trung niên có liên quan đến nguy cơ ốm yếu và tàn tật sau khi về già. Vậy cơ chế của vấn đề này là gì hay vì sao những người béo phì tuổi trung niên thường có nguy cơ tàn tật?

3.1. Stress oxy hóa và viêm

Sự gia tăng các dấu hiệu của stress oxy hóa, tích tụ tổn thương oxy hóa và viêm hệ thống liên quan đến tuổi tác và tích tụ mỡ bụng đã được xác nhận qua nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây. Những thay đổi được quan sát này dẫn đến thuyết lão hóa do stress oxy hóa, đưa ra giả thuyết rằng stress oxy hóa và tình trạng viêm liên quan gây ra tổn thương tế bào và phân tử khi các loại phản ứng oxy (ROS) áp đảo hệ thống phòng thủ chống oxy hóa, dẫn đến những thay đổi có hại tiến triển theo thời gian. 

Sự mất cân bằng không chỉ dẫn đến tổn thương cấu trúc đối với các đại phân tử, bao gồm lipid, protein và axit nucleic, mà còn kích hoạt các yếu tố phiên mã có thể điều chỉnh tăng các cytokine tiền viêm dẫn đến tình trạng viêm cấp độ thấp mãn tính. Stress oxy và viêm có thể có hoặc không phải lúc nào cũng liên quan đến nguy cơ ốm yếu ở người lớn tuổi, tuy nhiên, một khi quá trình này xảy ra mãn tính, đặc biệt là những những bệnh nhân thừa cân, béo phì có vòng bụng quá cỡ ở tuổi trung niên, tỉ lệ xảy ra vấn đề này sẽ rất cao.

Mỡ bụng, nơi chứa rất nhiều tế bào mỡ làm tăng khả năng kích hoạt các quá trình làm tăng stress oxy hóa. Các tế bào mỡ lúc này giải phóng nhiều các cytokine tiền viêm, dẫn đến tình trạng viêm “sôi sục” liên tục. Khi các hoạt động gây viêm của các tế bào mỡ bụng kết hợp với tình trạng viêm liên quan đến tuổi tác, nó sẽ khiến quá trình dị hóa tăng lên và quá trình đồng hóa bị giảm sút sẽ rất bất lợi cho cơ bắp. Sự chuyển đổi sang dị hóa này, cùng với tổn thương cơ trực tiếp do tăng các loại phản ứng oxy (ROS), dẫn đến giảm khối lượng cơ nạc hay khối lượng cơ nói chung và góp phần làm yếu cơ, làm cử động cơ xương khớp bị chậm lại, gây ra tình trạng khó vận động và dễ kiệt sức, hậu quả nặng nề hơn có thể là gây tàn tật khi về già. Điều này hạn chế nghiêm trọng khả năng thực hiện các chức năng thể chất cần thiết của người lớn tuổi để duy trì sự độc lập của họ.

Bệnh tật tuổi trung niên gây mệt mỏi và ốm yếu

3.2. Sự lắng đọng lipid trong cơ xương

Do vai trò trung tâm của cơ xương đối với chức năng vận động và trao đổi chất của con người, bất kỳ sự suy giảm nào về tính chất cơ xương hoặc vật chất của cơ đều gây bất lợi nghiêm trọng cho chức năng thể chất. 

Cả lão hóa và tăng mỡ bụng đều liên quan đến những thay đổi về hình thái do sự lắng đọng gia tăng của lipid trong các sợi cơ. Sự thâm nhiễm lipid liên quan đến tuổi tác góp phần làm suy yếu sức mạnh cơ bắp và giảm khả năng vận động. Béo phì hay tình trạng tích trữ mỡ bụng cũng liên quan đến sự gia tăng rõ rệt sự tích tụ lipid trong các sợi cơ. Sự xâm nhập lipid này làm giảm mật độ cơ và dẫn đến mất sức mạnh cơ bắp không phụ thuộc mà không cần phải có sự sụt giảm khối lượng cơ bắp. Do đó, đối với người trung niên và lớn tuổi thừa cân béo phì và có vòng 2 quá cỡ, có thể xảy ra tình trạng mất sức mạnh cơ bắp, từ đó gây sự suy giảm chức năng vận động rõ rệt. Chính điều này là nguyên nhân gây tăng nguy cơ tàn tật khi về già.

Mỡ bụng ở tuổi trung niên và các nguy cơ bệnh tật khác trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe tổng quát của mọi người. Đặc biệt nguy hiểm khi nó là một trong những yếu tố nguy cơ gây suy giảm chức năng vận động ở tuổi “xế chiều” và có sự liên quan đến vấn đề tàn tật khi về già. Vì thế bạn cần thường xuyên đi khám và theo dõi tình trạng sức khỏe nói chung cũng như cân nặng, vòng 2 nói riêng để kịp thời phát hiện những bất thường và điều trị sớm để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm này.

Ngày nay, nếu muốn giảm cân hiệu quả, bạn có thể tham khảo liệu pháp tiêu hao năng lượng. Phương pháp này sử dụng vitamin & khoáng chất để thúc đẩy sự chuyển hóa mỡ theo cơ chế tự nhiên, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước khi thực hiện, bạn sẽ được đánh giá sức khỏe tổng thể và bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ giảm cân phù hợp với từng người dựa trên kết quả xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, chỉ số khối cơ thể (BMI). Trong suốt quá trình thực hiện liệu trình sẽ luôn có bác sĩ theo sát, lên kế hoạch dinh dưỡng và tập luyện phù hợp với thể trạng của từng người.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách giảm mỡ vùng cổ

Các bài tập giảm vòng bụng cho nam giới hiệu quả nhất

Các bài tập giảm vòng bụng cho nam giới hiệu quả nhất

Vì sao mỡ bụng dưới khó giảm?

Vì sao mỡ bụng dưới khó giảm?

Hướng dẫn cách giảm mỡ bụng bằng dưa chuột

Hướng dẫn cách giảm mỡ bụng bằng dưa chuột

16

Bài viết hữu ích?