Zalo

2 chỉ số Triglyceride và Cholesterol cao có sao không?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Mỡ máu cao là tình trạng sức khỏe rất phổ biến hiện nay. Mỡ máu cao có thể bao gồm Triglyceride cao, Cholesterol cao hoặc Triglyceride và Cholesterol cao đồng thời. Vậy Triglyceride và Cholesterol cao cùng lúc có sao không và bệnh nhân cần làm gì để hạ?
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1. Triglyceride và Cholesterol là gì?

Mỡ máu, hay lipid máu, là một thành phần quan trọng của cơ thể người, bao gồm Triglyceride, Cholesterol toàn phần, HDL-Cholesterol và LDL-Cholesterol. Cholesterol có mặt ở nhiều cơ quan và cũng là thành phần trong nhiều loại hormone với nhiệm vụ giúp cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Nguồn gốc của Cholesterol có thể do cơ thể tự tổng hợp hoặc cung cấp từ thực phẩm, trong đó Cholesterol do gan và các cơ quan khác tổng hợp chiếm khoảng 75% tổng lượng Cholesterol trong máu, phần còn lại là từ thức ăn mà chủ yếu là mỡ động vật. Cholesterol bao gồm 2 loại chính là HDL và LDL:

  • HDL-Cholesterol (hay Cholesterol tốt) chiếm khoảng ¼-⅓ tổng lượng cholesterol trong máu, có nhiệm vụ vận chuyển Cholesterol từ máu trở về gan và loại bỏ Cholesterol khỏi mảng xơ vữa trên thành mạch máu. Vì vậy HDL có vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch nghiêm trọng khác;
  • LDL-Cholesterol (hay Cholesterol xấu) khi tồn tại quá nhiều trong máu sẽ lắng đọng ở thành mạch máu, đặc biệt ở tim và ở não, từ đó hình thành mảng xơ vữa động mạch. Lâu dài mảng xơ vữa do LDL gây ra sẽ lớn dần, gây chít hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, thậm chí vỡ ra đột ngột gây tắc mạch cấp tính và dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não.

Tình trạng mỡ máu cao thường ám chỉ số LDL-Cholesterol cao, do đó đây là chỉ số được theo dõi chính trong quá trình điều trị. LDL-Cholesterol cao có thể liên quan đến yếu tố gia đình, chế độ dinh dưỡng, các thói quen có hại (như hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc lười vận động) hoặc các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường… Chỉ số mỡ máu còn lại ít được quan tâm hơn là Triglyceride. Nồng độ Triglyceride cao thường xảy ra ở người béo phì/thừa cân, lối sống tĩnh tại lười vận động, hút thuốc lá thường xuyên, bệnh nhân đái tháo đường hay uống nhiều bia rượu… Những người có mỡ máu cao thường sẽ có chỉ số Triglycerides và Cholesterol cao đồng thời, cụ thể là tăng LDL và giảm HDL.

Những người có mỡ máu cao thường sẽ có chỉ số Triglycerides và Cholesterol cao đồng thời
Những người có mỡ máu cao thường sẽ có chỉ số Triglycerides và Cholesterol cao đồng thời

Để biết khi nào được gọi là Cholesterol cao, chúng ta cần biết các mốc chẩn đoán khi thực hiện xét nghiệm máu, cụ thể như sau:

  • Cholesterol toàn phần bình thường < 5.1mmol/L;
  • Cholesterol 5.1-6.2mmol/L: Đây là mức ranh giới nên cần được chú ý;
  • Cholesterol ≥ 6.2mmol/L được định nghĩa là tăng với nguy cơ bị bệnh mạch vành cao gấp 2 lần bình thường;
  • HDL-Cholesterol < 1.0mmol/L với nam và 1.3mmol/L với nữ được đánh là thấp và là một trong các nguy cơ chính của bệnh tim mạch;
  • HDL-Cholesterol > 1.5mmol/L được đánh giá là tốt khi giúp bảo vệ cơ thể trước các nguy cơ tim mạch;
  • LDL-Cholesterol < 2.6mmol/L: Rất tốt;
  • LDL-Cholesterol: 2.6-3.3mmol/L: Tốt;
  • LDL-Cholesterol: 3.3-4.1mmol/L: Tăng giới hạn;
  • LDL-Cholesterol: 4.1-4.9mmol/L: Nguy cơ cao;
  • LDL-Cholesterol > 4.9mmol/L: Nguy cơ rất cao

Các giá trị của Triglyceride trong máu:

  • Dưới 1.7mmol/L: Bình thường;
  • 1.7-2.2mmol/L: Tăng giới hạn;
  • 2.2-5.6 mmol/L: Tăng;
  • ≥5.6mmol/L: Tăng rất cao.

2. Triglyceride và Cholesterol cao cùng lúc có sao không?

Nồng độ LDL-Cholesterol máu càng cao sẽ tỷ lệ thuận với nguy cơ xơ vữa động mạch, dẫn đến hạn chế lưu thông máu và nghiêm trọng hơn sẽ tạo điều kiện hình thành huyết khối hoặc chính mảng xơ vữa bong tróc gây nghẽn mạch máu, đặc biệt là mạch vành gây nhồi máu cơ tim hoặc mạch não gây đột quỵ nhồi máu não. Triglyceride cao đồng nghĩa có sự mất cân bằng giữa việc vận chuyển lipid đi vào gan và lipid ra khỏi gan, dẫn đến tích tụ mỡ và gây nên gan nhiễm mỡ. Khi đó gan sẽ bị hạn chế chức năng sản xuất Apoprotein, từ đó làm cho lượng acid béo vào gan càng tăng và hệ quả là gan càng nhiễm mỡ nặng hơn, cuối cùng sẽ dẫn đến xơ gan. Ngoài ra, Triglyceride cao quá mức còn làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp tính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tóm lại, bệnh nhân mỡ máu cao, cụ thể là Triglyceride và Cholesterol cao đồng thời, sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn rất nhiều.

Triglyceride và Cholesterol cao đồng thời sẽ dẫn đến nguy cơ biến chứng cao hơn
Triglyceride và Cholesterol cao đồng thời sẽ dẫn đến nguy cơ biến chứng cao hơn

3. Cách hạ Triglyceride và Cholesterol cao

3.1. Thay đổi lối sống

Tình trạng mỡ máu cao có thể kiểm soát nếu bệnh nhân điều chỉnh những yếu tố ảnh hưởng có thể thay đổi được, bao gồm chế độ dinh dưỡng, kiểm soát cân nặng, tăng cường tập luyện và từ bỏ những thói quen tiêu cực (như hút thuốc lá, uống rượu bia)… Theo đó, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân Triglyceride và Cholesterol cao cần tuân thủ:

  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh và hợp lý;
  • Tăng cường luyện tập thể dục;
  • Loại bỏ các thói quen có hại.

Với chế độ ăn uống, các chuyên gia đưa ra lời khuyên là bệnh nhân mỡ máu cao cần xác định những thực phẩm giàu chất béo cần tránh và những thực phẩm nên tiêu thụ để từ đó xá dựng chế độ ăn uống phù hợp nhất. Những thực phẩm làm tăng Triglyceride và LDL-Cholesterol bao gồm:

  • Chất béo bão hòa (thường có nguồn gốc từ mỡ động vật) như thịt bò, mỡ bò, thịt heo mỡ, thịt cừu, bơ, kem, pho mát... và từ một số loại thực vật như dừa (bao gồm sữa dừa, dầu dừa), dầu cọ, hạt hạnh nhân hay bơ thực vật;
  • Chất béo không bão hòa dạng trans (TFA): Mặc dù chất béo không bão hòa thường tốt cho cơ thể nhưng bản chất lại có 2 dạng cấu trúc hóa học là dạng cis và dạng trans. Trong đó đa số ở dạng cis, còn dạng trans chủ yếu hình thành trong quá trình chế biến thức ăn khi chất béo bị hydro hóa trong quá trình chiên, rán. Chất béo không bão hòa dạng trans được tìm thấy trong thịt lợn, thịt bò, các loại bơ béo hoặc trong thức ăn chế biến sẵn như mì ăn liền (loại chiên tẩm), thức ăn nhanh, thức ăn chiên rán đóng gói sẵn. Theo bác sĩ, TFA được chứng minh là làm nồng độ Cholesterol cao trong máu;
  • Thực phẩm chứa nhiều Cholesterol như lòng đỏ trứng hay phủ tạng động vật…

Ngược với những chất gây tăng Triglyceride và LDL, nhóm chất béo không bão hòa được tìm thấy nhiều trong các loại cá, các loại hạt, các loại củ và dầu thực vật, được chứng minh là có lợi cho cơ thể khi dùng thay thế cho chất béo bão hòa. Do đó bệnh nhân mỡ máu cao nên xây dựng khẩu phần ăn với chất béo không bão hòa loại này chiếm 25-35%. Vậy, bệnh nhân Triglyceride và Cholesterol cao nên ăn những thực phẩm sau:

  • Rau xanh, hoa quả tươi (chia nhiều lần ăn trong ngày);
  • Các loại ngũ cốc và chế phẩm từ ngũ cốc (bánh mì đen, gạo thô…);
  • Sữa không béo;
  • Thịt nạc hoặc thịt gia cầm không béo;
  • Các loại cá béo (nhiều acid béo không bão hòa): nên ăn ít nhất 2 lần/tuần;
  • Các loại đậu;
  • Các loại hạt (4-5 lần/tuần);
  • Dầu thực vật chứa chất béo không bão hòa, như dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành…
Bệnh nhân Triglyceride và Cholesterol cao cần bổ sung nhiều rau xanh
Bệnh nhân Triglyceride và Cholesterol cao cần bổ sung nhiều rau xanh

Ngược lại, bệnh nhân Triglyceride và Cholesterol cao nên hạn chế:

  • Mỡ động vật và thịt động vật chưa lọc mỡ;
  • Sữa nguyên kem;
  • Lòng đỏ trứng, bơ, phô mai béo;
  • Thịt vịt và ngỗng béo (nuôi công nghiệp);
  • Bánh chế biến từ lòng đỏ trứng và chất béo bão hòa;
  • Tạng động vật (bao gồm gan, thận, óc, lá lách…);
  • Thức ăn chế biến sẵn như xúc xích, salami…;
  • Dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa, như dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân;
  • Bơ thực vật;
  • Món ăn chiên rán sẵn, thức ăn nhanh, bao gồm cả mì ăn liền.

Bên cạnh chế độ ăn, bệnh nhân có Triglyceride và Cholesterol cao cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao và từ bỏ những thói quen có hại như sau:

  • Bỏ hút thuốc lá: Thuốc lá vừa ảnh hưởng đến quá trình hình thành mảng xơ vữa động mạch, vừa ảnh hưởng đến rối loạn lipid máu hoặc thông qua các nguy cơ khác như tăng huyết áp, đái tháo đường…;
  • Nếu thường xuyên uống rượu bia, bệnh nhân nên hạn chế dần hoặc uống rượu vang đỏ với số lượng không quá 142ml mỗi ngày;
  • Kiểm soát cân nặng nếu thừa cân/béo phì: Duy trì BMI ở mức lý tưởng từ 19 đến 23 và vòng bụng không quá 90 ở nam và 75 ở nữ;
  • Tránh lối sống tĩnh tại và học cách kiểm soát căng thẳng

3.2. Thuốc điều trị Triglyceride và Cholesterol cao

Nhóm statins được lựa chọn ưu tiên trong điều trị mỡ máu cao vì tác dụng giảm LDL-C hiệu quả, đồng thời làm tăng HDL và giảm được cả Triglycerid. Ngoài ra, statin còn hỗ trợ duy trì ổn định mảng xơ vữa động mạch và chống viêm… Các nghiên cứu lâm sàng đều chứng minh lợi ích của nhóm statins trong việc giảm nguy cơ hoặc ngăn ngừa tái phát/tiến triển bệnh lý tim mạch. Một số thuốc hiện có trên thị trường như Atorvastatin, Fluvastatin, Rosuvastatin và Simvastatin.

Nhóm statins được lựa chọn ưu tiên trong điều trị mỡ máu cao
Nhóm statins được lựa chọn ưu tiên trong điều trị mỡ máu cao

Nhóm ức chế hấp thu Cholesterol từ ruột non, qua đó hỗ trợ giảm Cholesterol máu. Thuốc hiện có trên thị trường là Ezetimibe. Resin trao đổi acid mật, qua đó kích thích tăng ly giải cholesterol. Một số thuốc hiện có là Cholestyramine và Colestipol. Nhóm Fibrates là nhóm thuốc làm giảm Triglycerides tốt nhất, đồng thời làm tăng HDL. Do đó nhóm Fibrate có thể phối hợp với nhóm statin để điều trị một số rối loạn lipid máu hỗn hợp, như Triglyceride và Cholesterol cao đồng thời. Một số thuốc hiện có là Gemfibrozil và Fenofibrate. Niacin (hay nicotinic acid) là thuốc thuộc nhóm không kê đơn. Niacin tác động qua trung gian gan khi tổng hợp chất béo và là nhóm thuốc làm tăng HDL tốt nhất nên thường được chỉ định phối hợp với các statin. Ngoài những lưu ý quan trọng trên thì những người gặp vấn đề về các bệnh lý chuyển hóa, mỡ máu cao, tim mạch, gan nhiễm mỡ, béo phì… cũng nên chủ động thực hiện làm xét nghiệm máu từ cơ bản đến chuyên sâu, năm 2 lần để bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe hiện tại, từ đó đưa ra lời khuyên tốt nhất trong việc kiểm soát sức khỏe. Đây vốn là một xét nghiệm vô cùng quan trọng, do đó người bệnh không nên xem nhẹ. Lưu ý để có thể đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe thông qua xét nghiệm máu, người bệnh nên chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện, từ đó có những lời khuyên phù hợp nhất.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Uyên xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Tình trạng mỡ máu cao gây ra bệnh gì?

Tình trạng mỡ máu cao gây ra bệnh gì?

Cholesterol bao nhiêu là cao?

Cholesterol bao nhiêu là cao?

Xét nghiệm mỡ máu gồm những chỉ số nào?

Xét nghiệm mỡ máu gồm những chỉ số nào?

Chỉ số HbsAg trong xét nghiệm máu là gì?

Chỉ số HbsAg trong xét nghiệm máu là gì?

Các xét nghiệm thực hiện đánh giá chức năng gan

Các xét nghiệm thực hiện đánh giá chức năng gan

1865

Bài viết hữu ích?