Zalo

Xét nghiệm SCC là gì? Chỉ định và ý nghĩa của nó

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Ung thư tế bào vảy đang ngày càng tăng lên và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Do đó, tầm soát phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa quan trọng, giúp tăng khả năng điều trị thành công và kéo dài thời gian sống còn của người bệnh. Trong đó, xét nghiệm SCC là một trong những phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư tế bào vảy có giá trị.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1. SCC là xét nghiệm gì?

Trước khi tìm hiểu SCC là xét nghiệm gì thì chúng ta cần hiểu về kháng nguyên ung thư SCC là gì. SCC là viết tắt của từ tiếng Anh squamous cell carcinoma, là kháng nguyên biểu mô ung thư tế bào vảy, được tiết ra bởi các tế bào vảy dưới dạng glycoprotein. SCC có thời gian bán hủy trong huyết tương là 2,2 giờ. Tế bào vảy là thành phần của lớp biểu bì da, niêm mạc đường tiêu hóa, bàng quang, âm đạo, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, … Do đó, ung thư biểu mô tế bào vảy có thể xảy ra ở nhiều cơ quan và gây triệu chứng lâm sàng khác nhau.

Vậy xét nghiệm SCC là xét nghiệm gì? 

Xét nghiệm SCC là xét nghiệm đo lường mức kháng nguyên SCC trong máu của người bệnh. Nồng độ SCC ở người bình thường khỏe mạnh là 3ng/ml và có thể thay đổi tùy thuộc vào kít xét nghiệm. Nồng độ SCC tăng cao gợi ý các bệnh liên quan tới tế bào vảy ở các cơ quan. Ngoài ra, xét nghiệm SCC thường được kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác như: xét nghiệm chất chỉ điểm khối u CA 19-9, NSE, AFP,... 

xét nghiệm SCC
Xét nghiệm SCC máu là xét nghiệm đo lường mức kháng nguyên SCC trong máu của người bệnh 

2. Xét nghiệm SCC nhằm mục đích gì?

Mục đích của xét nghiệm SCC là gì là câu hỏi được nhiều người thắc mắc. Câu trả lời là không phải bất kỳ trường hợp nào cũng cần thực hiện xét nghiệm SCC. Bác sĩ sẽ quyết định có chỉ định xét nghiệm này hay không dựa vào quá trình thăm khám. Tuy nhiên, xét nghiệm SCC sẽ được được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng nghi ngờ mắc ung thư da tế bào vảy, ung thư cổ tử cung tế bào vảy, ung thư phổi tế bào vảy, các khối u tế bào vảy ác tính ở vòm họng, thực quản,... sẽ được chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán, phát hiện và kiểm tra bệnh lý.
  • Xét nghiệm SCC được chỉ định để theo dõi hiệu quả điều trị và tái phát đối với những bệnh nhân đang điều trị ung thư tế bào vảy.
  • Ngoài ra, xét nghiệm SCC còn được bác sĩ chỉ định cho các đối tượng có nguy cơ ung thư tế bào vảy, bao gồm: Người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như nông dân, thợ hồ, ngư dân, công nhân xây dựng; có người thân trong gia đình mắc ung thư tế bào vảy; sử dụng chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào,… thường xuyên; làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại, bức xạ lớn, nhiệt độ cao; có hệ miễn dịch suy giảm như đang nhiễm HIV/AIDS, Epstein Barr virus,...

3. Cách thực hiện xét nghiệm SCC

Xét nghiệm SCC là một xét nghiệm máu, do đó người bệnh không cần phải chú ý đặc biệt về điều gì trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, trước khi lấy máu, người bệnh cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thực phẩm giàu đạm và chất béo.

xét nghiệm SCC
Kết quả xét nghiệm SCC tăng cao là dấu hiệu gợi ý một số bệnh lý ác tính

Ngoài ra, bác sĩ có thể đưa ra những chỉ định khác liên quan đến việc dùng thuốc trước khi làm xét nghiệm SCC.

4. Cách đọc kết quả xét nghiệm SCC

Kết quả xét nghiệm SCC ở người bình thường khỏe mạnh là là 0-3 ng/mL. Giá trị này tăng cao là gợi ý của một số bệnh lý ác tính, cụ thể:

  • Ung thư cổ tử cung: Xét nghiệm SCC có độ nhạy 70 – 74% trong phát hiện ung thư tế bào vảy, cao hơn so với xét nghiệm CEA và CA125. Có 45-83% bệnh nhân ung thư cổ tử cung tế bào vảy và 66-84% ung thư cổ tử cung tế bào vảy tái phát tăng nồng độ SCC. Bên cạnh đó, giá trị SCC cũng tăng ở 56% bệnh nhân ung thư cổ tử cung tế bào vảy tuyến và 23% ung thư cổ tử cung tế bào tuyến. Theo các nghiên cứu, nồng độ SCC tăng tỉ lệ thuận với mức độ nặng của ung thư. Sau khi được điều trị bằng phẫu thuật và xạ trị, mức SCC trở lại bình thường trong vòng 3 ngày. Mức SCC máu dao động tỉ lệ với diễn tiến của bệnh và có liên quan đến sự tái phát và tiên lượng của ung thư. Ví dụ như bệnh nhân có SCC tăng trở lại sau khi phẫu thuật 2 – 6 tuần có tỉ lệ tái phát ung thư là 92%. 
  • Ung thư cơ quan tiết niệu, sinh dục: Độ nhạy của xét nghiệm SCC trong ung thư vú là 0 – 10%, ung thư niêm mạc tử cung là 8 – 30%, ung thư tử cung là 30%, buồng trứng là 4 – 20%, âm hộ là 19 – 42% và âm đạo là 17%. Trong ung thư dương vật, xét nghiệm SCC có kết quả tăng trong 45% trường hợp, nó cũng có thể tăng trong ung thư niệu đạo.
  • Ung thư phổi: Giá trị SCC tăng cao nhất gặp ở ung thư phổi và có sự tương quan giữa mức độ tăng của SCC và độ nặng của ung thư phổi, tiến trình bệnh.
  • Ung thư vùng đầu cổ: Độ nhạy của xét nghiệm SCC trong chẩn đoán và phát hiện ung thư vùng đầu cổ là 34 – 78%.
  • Ung thư thực quản: Độ nhạy của xét nghiệm SCC trong chẩn đoán và phát hiện ung thư thực quản là 30 – 39% và phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư.
  • Ung thư da: Ung thư da thể tế bào vảy là loại phổ biến thứ 2 sau ung thư biểu mô tế bào đáy. Trong hầu hết các trường hợp u ác tính tế bào vảy, SCC đều tăng cao. Tuy  nhiên, cần loại trừ một số bệnh da lành tính như eczema, vảy nến cũng có tăng nồng độ SCC.

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm SCC cũng có thể tăng nhẹ trong một số trường hợp bệnh lý lành tính, không phải ung thư, ví dụ như: Xơ gan, viêm tụy, lao, viêm phổi, viêm da, viêm nhiễm phụ khoa. Riêng trong suy thận, SCC tăng tỉ lệ thuận với mức độ tăng creatinin máu

Tóm lại, xét nghiệm SCC là phương pháp có nghĩa để để giúp phát hiện ung thư tế bào vảy và các cơ quan khác như đường tiêu hóa, cổ tử cung, phổi, ... và cũng được coi là dấu hiệu nhận biết bệnh.  Tuy nhiên, một số bệnh lý lành tính cũng có thể làm tăng nồng độ SCC. Vì vậy, khi nhận được kết quả xét nghiệm SCC bất thường, người bệnh không nên quá hoang mang, lo lắng mà hãy trao đổi với bác sĩ để được giải thích kỹ càng.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Chỉ số PSA cao, thấp, bình thường trong xét nghiệm máu như thế nào?

Chỉ số PSA cao, thấp, bình thường trong xét nghiệm máu như thế nào?

Xét nghiệm máu ELISA thế nào là bình thường?

Xét nghiệm máu ELISA thế nào là bình thường?

Xét nghiệm máu PSA là gì?

Xét nghiệm máu PSA là gì?

Xét nghiệm PSA có cần nhịn ăn không?

Xét nghiệm PSA có cần nhịn ăn không?

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

724

Bài viết hữu ích?