Zalo

Mục đích của xét nghiệm Phospho

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Phospho là một trong những vi chất quan trọng của cơ thể, đặc biệt là trong việc tham gia cấu tạo màng tế bào, vận chuyển các chất trong tế bào, dự trữ năng lượng, nhất là sản xuất ATP, năng lượng cần thiết cho mọi tế bào hoạt động. Xét nghiệm Phospho là chỉ định hay gặp trên lâm sàng. Vậy xét nghiệm phospho là gì và có ý nghĩa gì ?
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1. Vai trò của Phospho đối với cơ thể

Phospho là khoáng chất không thể thiếu đối với cơ thể và tế bào vì nó tham gia cấu tạo màng tế bào, vận chuyển các chất trong tế bào cũng như dự trữ năng lượng. Ngoài ra, phospho còn có khả năng trong việc sản xuất năng lượng dưới dạng ATP, giúp các tế bào trong cơ thể hoạt động. Khoáng chất này cũng có vai trò trong việc tham gia cấu tạo ADN, ARN và tạo điều kiện cho cho các tế bào hồng cầu sản xuất 2, 3 diphosphoglycerate - hoạt chất cần thiết cho quá trình giải phóng oxy từ hemoglobin.

Khoảng 85% hàm lượng phospho trong cơ thể được dự trữ tại các mô xương dưới dạng hydroxyapatite. Đây là dạng phospho đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc của xương. Trong khi đó, khoảng 15% lượng phospho còn lại được dự trữ tại các mô mềm và chỉ có khoảng 0,1% là tồn tại ở dịch ngoại bào. Đây là thành phần trong máu và được xác định bằng các xét nghiệm định lượng nồng độ phospho.

Hàm lượng Phospho tồn tại trong cơ thể thường ở dưới dạng muối của nó là phosphate cho nên các thuật ngữ phospho hay phosphate thường được sử dụng tương tự nhau khi nhắc đến xét nghiệm định lượng phospho.

xét nghiệm phospho
Phospho có vai trò quan trọng trong cấu tạo màng tế bào

2. Xét nghiệm Phospho là gì?

Cũng như chất kỳ hợp chất nào trong cơ thể, phospho được duy trì nồng độ cân bằng trong máu bằng cách điều hòa quá trình hấp thụ ở ruột và sự đào thải tại thận. Bên cạnh đó, nồng độ phospho cũng chịu ảnh hưởng bởi sự điều hòa của các yếu tố khác trong cơ thể gồm của hormone tuyến cận giáp (PTH), canxi và vitamin D.

Khi hàm lượng phospho trong máu vì một lý do nào đó mà vượt quá mức bình thường cho phép thì có thể gây ra các tổn thương ở nhiều cơ quan gồm cơ tim, phổi, rối loạn chức năng huyết cầu như hồng cầu, bạch cầu.

Ngược lại, khi nồng độ phospho trong máu quá thấp sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thực bào của bạch cầu, từ đó làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và dẫn đến tình trạng cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng cơ hội hơn.

Xét nghiệm phospho là xét nghiệm giúp định lượng nồng độ phospho vô cơ trong máu. Kết quả của xét nghiệm có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện kịp thời tình trạng rối loạn phospho máu, từ đó giúp bác sĩ có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời, phòng tránh được các biến chứng do tình trạng này gây nên.

Thông thường, do mối liên quan và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa các chất trong cơ thể, khi có tình trạng bất thường xảy ra, xét nghiệm phospho thường được tiến hành cùng với các xét nghiệm khác, bao gồm xét nghiệm canxi, vitamin D và hormon tuyến cận giáp (PTH). Những kết quả này giúp chẩn đoán bệnh một cách toàn diện hơn và theo dõi trong quá trình điều trị vì các bệnh có thể gây ra sự mất cân bằng phospho và canxi.

Thực tế, xét nghiệm phospho máu được chỉ định một cách phổ biến thì xét nghiệm phospho niệu đôi khi cũng được sử dụng để theo dõi quá trình đào thải phospho bởi thận.

3. Chỉ định của xét nghiệm Phospho

Chỉ số nồng độ phospho bình thường ở người trưởng thành là từ 0,81-1,45 mmol/L hoặc 2,5-4,5 mg/dL. Trong khi đó, nồng độ phospho ở trẻ em lại cao hơn so với người trưởng thành, cụ thể chỉ số phospho ở trẻ sơ sinh cao hơn khoảng 50% và ở trẻ lớn là khoảng 30%.

Các trường hợp được chỉ định xét nghiệm phospho máu bao gồm:

  • Người sau khi trải qua phẫu thuật;
  • Trẻ em bị hội chứng kém hấp thu;
  • Trẻ bị còi xương; thiếu vitamin D;
  • Người bị ngộ độc vitamin D;
  • Bệnh nhân cường cận giáp trạng;
  • Người đang dùng các thuốc hạ phospho;
  • Tiêu cơ vân
  • Người sau ghép thận hoặc có bệnh lý thận mạn tính;
  • Đột quỵ tim.
trẻ em bị còi xương
Trẻ em bị còi xương cần làm xét nghiệm Phospho

Trường hợp bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính, đặc biệt là từ giai đoạn 3 trở đi thì cần được xét nghiệm phospho thường xuyên và tần suất được khuyến cáo như sau:

  • Suy thận mạn giai đoạn 3 làm xét nghiệm 1 năm 1 lần
  • Suy thận mạn giai đoạn 4 làm xét nghiệm mỗi 3 tháng 1 lần
  • Suy thận mạn cần lọc máu theo chu kỳ cần làm xét nghiệm hàng tháng
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc hạ phospho làm xét nghiệm 2 tuần 1 lần.

Định lượng phospho là một xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện. Người bệnh được lấy 3ml máu tĩnh mạch cho vào ống máu chống đông chuyên dụng gửi đến phòng xét nghiệm. Quá trình định lượng được thực hiện bằng hệ thống máy tự động nên đảm bộ độ chính xác cao. Kết quả xét nghiệm phospho sẽ có sau 1- 2h và là điều kiện để các bác sĩ lâm sàng đưa ra chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời cũng như có hướng dẫn để theo dõi sát diễn biến bệnh lý do các rối loạn do thiếu hoặc thừa phospho gây ra.

4. Ý nghĩa của xét nghiệm Phosphos

Kết quả của xét nghiệm Phospho là cơ sở để bác sĩ có các chẩn đoán phù hợp

4.1. Tăng Phospho máu

Sự gia tăng hàm lượng phospho trong máu có thể xuất phát từ các nguyên nhân bao gồm:

  • Bệnh lý suy thận, thể hiện bởi sự giảm độ lọc phosphate ở cầu thận
  • Bệnh lý gan;
  • Ngộ độc vitamin D
  • Giảm hoặc suy chức năng tuyến cận giáp;
  • Chế độ ăn uống giàu phospho bao gồm các loại đậu, đậu Hà Lan, ngũ cốc, thịt bò, thịt gà, các sản phẩm từ sữa, trứng, cá…
  • Đái tháo đường có biến chứng nhiễm ceton
  • Ung thư xương tiến triển.

4.2. Giảm Phospho máu

Ngược lại, hàm lượng phospho trong máu thấp có thể xuất phát từ các nguyên nhân bao gồm:

  • Cường tuyến cận giáp, rối loạn tăng canxi máu
  • Sử dụng các thuốc lợi tiểu quá nhiều;
  • Suy dinh dưỡng, rối loạn hấp thu
  • Rối loạn chức năng thận
  • Suy giáp;
  • Nghiện rượu;
  • Hạ kali máu;
  • Bỏng nặng;
  • Bệnh loãng xương (do thiếu hụt vitamin D).
  • Trẻ em mắc còi xương
  • Đái tháo đường ;
  • Mất cân bằng acid base trong cơ thể
  • Sử dụng thuốc kháng acid mạn tính;
  • Xơ gan mất bù giai đoạn cuối;
  • Hội chứng Fanconi
  • Sau phẫu thuật.
xét nghiệm phospho trong máu
Hàm lượng photpho trong máu

5. Một số lưu ý về xét nghiệm Phospho

Nồng độ phospho máu cao có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và dẫn đến các bệnh lý loãng xương, tim mạch, làm vôi hóa và lắng đọng canxi phosphate tại các mô cơ quan.

Nồng độ phospho huyết thanh và nước tiểu có thể bị ảnh hưởng do sử dụng các thuốc nhuận tràng hoặc dung dịch thụt tháo có chứa sodium phosphate, do tiêm truyền glucose tĩnh mạch hoặc bổ sung quá nhiều vitamin D trong chế độ ăn.

Hàm lượng phospho máu ở trẻ em thường cao hơn so với người trưởng thành vì xương của chúng đang phát triển mạnh. Chỉ số phospho thấp ở trẻ em có thể cho thấy sự hạn chế trong quá trình phát triển xương ở các em và mức độ nặng có thể là dấu hiệu của tình trạng mất cân bằng về khoáng chất trong cơ thể.

Chuyển hóa phospho có liên quan với chuyển hóa canxi nên trên một bệnh nhân có rối loạn nồng độ canxi máu thì cần thiết phải kiểm tra định lượng Phospho máu.

Như vậy, Phospho có vai trò quan trọng đối với cơ thể và xét nghiệm Phospho là phương pháp định lượng nồng độ phospho trong máu. Kết quả của xét nghiệm là cơ sở để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến rối loạn phospho, canxi, vitamin D, các rối loạn chức năng tuyến cận giáp và các bệnh lý nguy hiểm khác. Vì vậy, nếu bạn thấy mình có xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn khám và điều trị ngay.

Với xét nghiệm máu định lượng Phospho trong cơ thể thì bạn có thể chọn xét nghiệm máu tại các cơ sở y tế uy tín. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để có những tư vấn  tốt nhất về tình trạng sức khỏe và hướng xử lý phù hợp cho bạn.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
xem thêm
Vitamin B12 có trong thực phẩm nào?

Vitamin B12 có trong thực phẩm nào?

Xét nghiệm vi chất là gì và ai cần làm?

Xét nghiệm vi chất là gì và ai cần làm?

Xét nghiệm máu cho biết thiếu chất gì?

Xét nghiệm máu cho biết thiếu chất gì?

Xét nghiệm chloride là gì?

Xét nghiệm chloride là gì?

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

114

Bài viết hữu ích?