Phương pháp lăn kim (Microneeding) là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu trên da bằng cách sử dụng nhiều kim mỏng để tạo ra vô vàn lỗ nhỏ trên lớp biểu bì. Những tổn thương này kích thích quá trình tự chữa lành của da. Nhờ đó, thúc đẩy da sản sinh thêm nhiều collagen, giúp da trở nên săn chắc và mịn màng hơn.
Phương pháp lăn kim được các bác sĩ da liễu áp dụng khá phổ biến trên da mặt. Tuy nhiên, lăn kim còn có thể áp dụng trên nhiều vùng da khác nhau của cơ thể như chân, lưng, cổ hoặc bất kỳ khu vực nào có dấu hiệu tổn thương và lão hóa. So với phương pháp mài da vi điểm (Microdermabrasion), lăn kim tác động sâu hơn vào cấu trúc của da. Do đó, phương pháp này mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn đối với các vấn đề nằm bên dưới bề mặt của da, điển hình như sẹo mụn.
Ngoài ra, các chuyên gia thẩm mỹ còn áp dụng phương pháp lăn kim với mục đích đưa thuốc (ví dụ như tretinoin hoặc vitamin C tại chỗ) vào bề mặt da sâu hơn. Điều này giúp nâng cao khả năng hấp thu của thuốc và góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị.
Lăn kim là phương pháp làm trẻ hóa da mặt tiên tiến và hiệu quả trong việc giảm sự xuất hiện của nếp nhăn, điều trị sẹo mụn, làm mờ các vết rạn da, tăng cường sự săn chắc của da (nhất là làn da lỏng lẻo sau giảm cân hoặc hút mỡ). Sở dĩ, lăn kim mang đến những tác dụng tuyệt vời như vậy là nhờ khả năng thúc đẩy quá trình sản sinh collagen và các yếu tố chữa lành bằng cách gây ra các tổn thương vi thể trên da.
Collagen là protein thiết yếu giúp làn da trở nên trẻ trung, săn chắc, mịn màng và có tính đàn hồi. Quá trình lão hóa là nguyên nhân chính gây nên sự thiếu hụt collagen trong da, góp phần hình thành nếp nhăn cùng nhiều dấu hiệu lão hóa khác. Bên cạnh đó, da cũng có thể mất collagen do chấn thương, điển hình như sẹo mụn, rạn da,...
Bằng việc kích thích da sản sinh collagen và các mao mạch mới, lăn kim trở thành phương pháp điều trị phổ biến đối với các vấn đề về da, đặc biệt là tình trạng da mụn, sẹo mụn cũng như lỗ chân lông to. Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả điều trị sẹo mụn rất tốt sau liệu trình tối thiểu 4 - 6 lần điều trị lăn kim.
Hiện nay, lăn kim còn được ứng dụng trong việc điều trị rụng tóc androgen và rụng tóc từng vùng. Các nghiên cứu cho thấy, kết hợp phương pháp lăn kim với các sản phẩm kích thích mọc tóc cho hiệu quả mọc tóc cao hơn hẳn so với việc điều trị bằng tác nhân bôi tại chỗ như truyền thống. Ngoài ra, một vài nghiên cứu đã thực hiện cho thấy kết quả khả quan khi kết hợp lăn kim với mesotherapy trong việc điều trị bệnh trứng cá đỏ (acne rosacea).
Phương pháp lăn kim trẻ hóa da phù hợp cho những làn da có lỗ chân lông to, da nhiều nếp nhăn, da lỏng lẻo hoặc nhăn nheo, sẹo mụn hoặc bỏng, da không đều màu và nhiều vết thâm sạm, rạn da. Bên cạnh đó, lăn kim cũng có thể hỗ trợ điều trị các bệnh lý như rụng tóc từng vùng,...Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng lăn kim để đưa thuốc trực tiếp vào da.
Mặc dù được chứng minh với nhiều lợi ích vượt trội, lăn kim vẫn có thể tiềm ẩn các rủi ro như nhiễm trùng, vết bầm tím, sẹo, da khô và bong tróc, sưng tấy da hoặc kích ứng tại chỗ sau thủ thuật. Người bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu có nguy cơ cao bị chảy máu. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác có thể xảy ra như thay đổi sắc tố da, phản ứng với thuốc bôi trong quá trình điều trị, bỏng nhiệt do thiết bị lăn kim,...
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo không thực hiện lăn kim trên những đối tượng sau:
Hiệu quả điều trị lăn kim có thể nhìn thấy rõ rệt ngay sau lần đầu điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng da tổng thể, tổn thương da và cơ địa mỗi người mà số lần điều trị có thể khác nhau, thường là 4 - 6 lần cho một liệu trình kéo dài 6 tháng. Đối với các trường hợp đòi hỏi điều trị sâu hơn, cần tối thiểu ba liệu trình để kích thích da sản xuất collagen và hình thành các lớp đàn hồi mới.
Để nâng cao hiệu quả điều trị da bằng phương pháp lăn kim, bạn cần chăm sóc da thật tốt trước, trong và sau khi thực hiện thủ thuật. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng điều trị mà còn góp phần giảm thiểu nguy cơ biến chứng và tăng tính an toàn cho bạn trong suốt thời gian thực hiện liệu trình.
Trước khi thực hiện lăn kim, bạn cần tham khảo ý kiến và trao đổi thật kỹ với chuyên gia y tế, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ da liễu,...có kinh nghiệm trong thủ thuật lăn kim để được tư vấn và lựa chọn liệu trình điều trị phù hợp. Hãy chắc chắn rằng bạn đã nắm rõ tất cả những thông tin liên quan đến rủi ro, thời gian điều trị, tác dụng phụ, nghỉ ngơi sau liệu trình, thời gian phát huy hiệu quả,...của phương pháp làm đẹp này.
Các bác sĩ có thể yêu cầu bạn thoa kem vitamin A hoặc C lên da trong khoảng 1 tháng trước khi tiến hành điều trị. Các hoạt chất này tạo tiền đề để kích thích quá trình sản sinh collagen trên da.
Đầu tiên, các bác sĩ sẽ làm sạch da và bôi kem hoặc thuốc mỡ gây tê, ví dụ như lidocain. Quá trình gây tê được tiến hành từ 30 - 45 phút trước khi tiến hành thủ thuật để thuốc có thời gian phát huy tác dụng.
Thiết bị lăn kim thường có dạng con lăn cầm tay hoặc dụng cụ điện chứa nhiều kim nhỏ để tạo tổn thương trên da. Các bác sĩ sẽ lăn chúng từ từ và nhẹ nhàng trên da bạn. Đối với thiết bị lăn kim bằng điện, kim sẽ đập lên xuống để đâm xuyên lớp biểu bì của da. Độ dài của kim có thể điều chỉnh để tác động sâu hơn vào bên trong da, đặc biệt đối với những trường hợp điều trị sẹo sâu, sẹo rỗ do mụn trứng cá. Chiều dài của kim có thể dao động từ 0,5 - 2 mm.
Trong quá trình lăn kim, bạn có thể cảm thấy nóng da hoặc ngứa ngáy trên mặt. Một số người có thể cảm thấy khó chịu nếu kim ở gần các vùng xương như xương gò má. Ngoài ra, lăn kim sâu có thể gây chảy máu đôi chút. Quy trình lăn kim thường kéo dài từ 15 phút đến vài giờ tùy thuộc vào diện tích vùng da cần điều trị.
Lăn kim là một thủ thuật ngoại trú nên bạn hoàn toàn có thể về nhà ngay sau khi thực hiện. Da của bạn có thể bị đỏ và sưng lên trong vòng 5 ngày sau đó. Để giảm bớt cảm giác kích ứng và khó chịu này, bạn có thể chườm một chút đá lạnh lên da. Bạn có thể trang điểm sau khi lăn kim, tuy nhiên, cần tránh để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cho đến khi da hồi phục hoàn toàn.
Lăn kim trẻ hóa da là thủ thuật mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao, ít xâm lấn, tương đối an toàn và tiện lợi cho người sử dụng. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp làm đẹp này. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp nhé.
Nguồn tham khảo: my.clevelandclinic.org; medicalnewstoday.com.
4054
Bài viết hữu ích?
Bài viết hữu ích?
4054
Bài viết hữu ích?