Zalo

HbA1C trong xét nghiệm máu là gì?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Xét nghiệm A1C còn gọi là xét nghiệm huyết sắc tố A1C hoặc HbA1c - đây là xét nghiệm máu dùng để đo lượng đường huyết trung bình của một người trong 3 tháng qua. Đây là xét nghiệm rất thông dụng trong chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường và tiền đái tháo đường, đồng thời giúp quản lý chăm sóc bệnh nhân tiểu đường hiệu quả hơn. Cùng tìm hiểu kỹ hơn HbA1c trong xét nghiệm máu là gì trong bài viết sau đây.

1. Chỉ số HbA1c trong xét nghiệm máu là gì?

Xét nghiệm huyết sắc tố A1C hay HbA1c là xét nghiệm máu cho biết mức đường huyết (glucose) trung bình của bạn trong thời gian 2-3 tháng gần nhất. Glucose là một loại dưỡng chất thiết yếu của cơ thể được cung cấp thông qua chế độ ăn uống. Hormon insulin giúp glucose đi vào tế bào giúp tế bào sử dụng glucose để tạo ra năng lượng hoạt động. Bệnh nhân đái tháo đường thường không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào không sử dụng tốt insulin khiến glucose không thể đi vào tế bào và tăng lên trong máu. Lúc này glucose sẽ dính vào huyết sắc tố - một loại protein trong tế bào hồng cầu. Khi lượng đường trong máu tăng lên nhiều huyết sắc tố sẽ được bao phủ bởi glucose. Do đó, chỉ số HbA1c trong máu sẽ giúp đo tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu có huyết sắc tố được phủ bởi glucose.

Xét nghiệm HbA1c sẽ cho thấy mức đường huyết trung bình trong 3 tháng qua vì:

  • Glucose dính vào huyết sắc tố miễn là các tế bào hồng cầu còn sống
  • Các tế bào hồng cầu có thể tồn tại trong cơ thể được khoảng 3 tháng
  • Mức HbA1c cao là dấu hiệu của lượng đường trong máu tăng cao do đái tháo đường
Ảnh 1: Xét nghiệm HbA1c giúp đánh giá đường huyết trung bình trong 3 tháng gần nhất
Ảnh 1: Xét nghiệm HbA1c giúp đánh giá đường huyết trung bình trong 3 tháng gần nhất

2. Vai trò của chỉ số HbA1c trong xét nghiệm máu

Chỉ số HbA1c trong xét nghiệm máu có vai trò quan trọng trong một số trường hợp sau:

Người trên 45 tuổi

  • Được khuyến nghị lặp lại xét nghiệm HbA1c mỗi 3 năm nếu kết quả bình thường để tầm soát đái tháo đường
  • Nếu kết quả cho thấy bạn bị tiền đái tháo đường nên xét nghiệm lại mỗi 1-2 năm.
  • Nếu kết quả cho thấy bạn thực sự bị đái tháo đường nên làm xét nghiệm HbA1c ít nhất 2 lần/ năm để theo dõi tình trạng và đáp ứng điều trị

Người dưới 45 tuổi và có nhiều khả năng mắc đái tháo đường

  • Bị tiền đái tháo đường
  • Thừa cân béo phì
  • Có tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường
  • Huyết áp cao hoặc mức cholesterol cao
  • Bị bệnh tim hoặc đã từng đột quỵ
  • Hoạt động thể chất ít hơn 3 lần/ tuần
  • Đái tháo đường thai kỳ khi mang thai
  • Có hội chứng buồng trứng đa nang

Người có các triệu chứng đái tháo đường

  • Cảm thấy rất khát
  • Tiểu nhiều
  • Giảm cân bất thường
  • Cảm thấy rất đói
  • Mờ mắt
  • Tê tay hoặc chân
  • Mệt mỏi, da khô
  • Vết thương, loét chậm lành

3. Mục đích của xét nghiệm HbA1c trong máu

Nhìn chung xét nghiệm HbA1c trong máu vẫn chủ yếu được sử dụng để sàng lọc hoặc chẩn đoán:

  • Đái tháo đường type 2: bệnh đái tháo đường khiến lượng đường trong máu tăng cao do cơ thể không tạo đủ insulin để chuyển lượng glucose trong máu vào tế bào hoặc do tế bào ngừng phản ứng với insulin
  • Tiền đái tháo đường: nghĩa là lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán đái tháo đường. Thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, tập thể dục có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa tiến triển thành đái tháo đường thực thụ

Ngoài ra, đối với bệnh nhân đái tháo đường thì xét nghiệm HbA1c giúp theo dõi tình trạng và kiểm tra xem khả năng kiểm soát đường huyết trong máu thời gian gần đây như thế nào.

Ảnh 2: Thông qua HbA1c có thể chẩn đoán đái tháo đường và tiền đái tháo đường hiệu quả
Ảnh 2: Thông qua HbA1c có thể chẩn đoán đái tháo đường và tiền đái tháo đường hiệu quả

4. Ý nghĩa của chỉ số HbA1c trong xét nghiệm máu

Kết quả của chỉ số HbA1c sẽ cho biết có bao nhiêu phần trăm huyết sắc tố được bao phủ bởi glucose. Để chẩn đoán đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường kết quả thường được sử dụng như sau:

  • Bình thường: HbA1c < 5,7%
  • Tiền đái tháo đường: HbA1c từ 5,7- 6,4%
  • Đái tháo đường: HbA1c > 6,5%

Tuy nhiên để chẩn đoán xác định đái tháo đường thì một mình HbA1c là không đủ, vì vậy bác sĩ có thể yêu cầu thêm một xét nghiệm khác thường là chỉ số đường huyết lúc đói hoặc xét nghiệm dung nạp glucose đường uống. Cần lưu ý xét nghiệm HbA1c không được sử dụng để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường type 1. Ngoài ra, nếu bạn mắc một tình trạng ảnh hưởng tới tế bào hồng cầu như thiếu máu hoặc rối loạn máu khác thì xét nghiệm HbA1c có thể không chính xác.

Tóm lại, xét nghiệm HbA1c là một công cụ quan trọng giúp kiểm tra và đánh giá tình trạng đường huyết trong thời gian 3 tháng gần nhất, tuy nhiên không thể thay thế việc kiểm tra glucose máu thường xuyên tại nhà đối với người bị đái tháo đường. Vẫn có một số trường hợp cần chỉ định xét nghiệm HbA1c nhưng chủ yếu vẫn là để tầm soát và tìm nguyên nhân cho các vấn đề sức khoẻ khác.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Nguyễn Hải Minh xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Mục đích của xét nghiệm HbA1c trong máu

Mục đích của xét nghiệm HbA1c trong máu

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Các xét nghiệm máu kiểm tra tổng quát quan trọng bạn cần biết

Các xét nghiệm máu kiểm tra tổng quát quan trọng bạn cần biết

Xét nghiệm máu CA 19-9 là gì?

Xét nghiệm máu CA 19-9 là gì?

Kết quả xét nghiệm máu bạch cầu tăng có nghĩa là gì?

Kết quả xét nghiệm máu bạch cầu tăng có nghĩa là gì?

10

Bài viết hữu ích?