Zalo

Growth Hormone có vai trò như thế nào?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Hormone tăng trưởng, bản chất là một somatotropin, có cấu trúc protein gồm 190 axit amin được tổng hợp và tiết ra bởi các tế bào gọi là somatotrophs nằm trong thùy trước tuyến yên. Hormone này kích thích tăng trưởng, tái tạo tái sinh tế bào và thúc đẩy quá trình trao đổi chất, do đó đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của con người.

1. Hormone tăng trưởng được bài tiết thế nào và có vai trò gì?

Hormone tăng trưởng (hay Growth Hormone), bản chất là một somatotropin, được tổng hợp và bài tiết bởi một loại tế bào ở thùy trước tuyến yên gọi là Somatotrophs với hàm lượng khoảng 1 đến 2mg mỗi ngày. 

Vai trò chính của Growth Hormone là kích thích sự phát triển của tất cả các mô trong cơ thể, bao gồm cả mô xương. Vì vậy nó có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển thể chất ở trẻ em. Nồng độ Growth Hormone sẽ sẽ tăng dần trong thời thơ ấu và đạt đỉnh trong giai đoạn dậy thì khi cơ thể tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Về mặt sinh lý, hormone tăng trưởng kích thích tổng hợp protein và phân hủy chất béo để cung cấp năng lượng cần thiết cho sự phát triển của mô. GH cũng đối kháng với tác dụng của insulin. Loại hormone này có thể tác động trực tiếp lên các mô, tuy nhiên phần lớn tác dụng của nó là được thực hiện thông qua gan và một số mô khác để sản xuất và giải phóng các "yếu tố tăng trưởng giống insulin", trong đó phần lớn "yếu tố tăng trưởng giống insulin 1" (IGF-1 hay trước đây còn được biết đến với tên somatomedin). 

Thuật ngữ "yếu tố tăng trưởng giống insulin" bắt nguồn từ khả năng bắt chước hoạt động Insulin của các yếu tố này khi ở nồng độ cao, mặc dù tác dụng chính của chúng vẫn là kích thích tăng trưởng cơ thể. Nồng độ IGF-1 trong huyết thanh sẽ tăng dần theo độ tuổi ở trẻ em và tăng vọt vào thời điểm dậy thì. Sau giai đoạn này thì nồng độ IGF-1 giảm dần theo tuổi, tương tự nồng độ hormone tăng trưởng.

Khả năng bài tiết, Growth Hormone được kích thích bởi một loại hormone khác là GHRH và bị ức chế bởi Somatostatin. Ngoài ra, khả năng bài tiết GH sẽ dao động trong ngày, cụ thể là bài tiết mạnh nhất sau khi bắt đầu giấc ngủ sâu và đặc điểm này nổi bật nhất ở giai đoạn dậy thì. Ở những người bình thường, khả năng bài tiết GH tăng lên khi chúng ta cắt giảm lượng thức ăn tiêu thụ cũng như khi cơ thể gặp phải các stress sinh lý, ngược lại GH sẽ giảm tiết khi chúng ta ăn uống. Tuy nhiên, một số cá nhân gặp phải bất thường trong khả năng bài tiết GH sẽ đưa đến các biểu hiện thiếu hụt hoặc tăng hormone tăng trưởng.

Thiếu Growth Hormone là một trong nhiều nguyên nhân gây lùn và bệnh thấp còi
Thiếu Growth Hormone là một trong nhiều nguyên nhân gây lùn và bệnh thấp còi

2. Nguyên nhân gây bất thường Growth Hormone

2.1. Thiếu hụt hormone tăng trưởng

Thiếu Growth Hormone là một trong nhiều nguyên nhân gây lùn và bệnh thấp còi. Nguyên nhân chủ yếu gây thiếu hụt GH là tổn thương vùng dưới đồi hoặc tuyến yên trong quá trình phát triển của bào thai (thiếu hụt GH bẩm sinh) hoặc sau khi sinh (thiếu hụt GH mắc phải). Ngoài ra, thiếu hụt hormone tăng trưởng cũng có thể do nguyên nhân đột biến các gen quy định sự tổng hợp và bài tiết. Trong một số trường hợp, thiếu hụt GH là kết quả của sự thiếu hụt GHRH, khi đó có thể giải quyết bằng cách bổ sung GHRH. 

Trong các trường hợp khác, bản thân các tế bào somatotrophs của tuyến yên không có khả năng sản xuất GH, hoặc bản thân hormone tăng trưởng có cấu trúc bất thường và có ít khả năng thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, tầm vóc thấp bé và tình trạng thiếu hụt GH thường thấy ở trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh lùn do tâm lý. Khi những đứa trẻ mắc chứng rối loạn này được đưa ra khỏi môi trường căng thẳng thì khả năng bài tiết GH và tốc độ tăng trưởng cơ thể sẽ bình thường trở lại.

Trẻ em thiếu hụt Growth Hormone đơn thuần có kích thước cơ thể bình thường khi sinh, nhưng tình trạng chậm phát triển sẽ trở nên rõ ràng trong vòng 2 năm đầu đời. Phim chụp X quang các đầu xương cho thấy sự chậm phát triển so với tuổi. Mặc dù giai đoạn dậy thì thường bị trì hoãn nhưng khả năng sinh sản của phụ nữ thiếu GH vẫn diễn ra bình thường.

Một dạng vóc dáng thấp bé hiếm gặp xuất phát từ nguyên nhân cơ thể không nhạy cảm với hoạt động của GH, và có liên quan đến yếu tố di truyền. Dạng rối loạn này được gọi là bệnh lùn Laron và đặc trưng bởi sự bất thường của các thụ thể GH, từ đó dẫn đến giảm sản xuất IGF-1. Nồng độ GH trong huyết thanh của bệnh nhân vẫn ở mức cao do không bị ức chế bởi IGF-1.  

Tình trạng thiếu hụt GH ở trẻ thường sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành. Thiếu GH ở người trưởng thành có liên quan đến các triệu chứng như mệt mỏi, giảm năng lượng, tâm trạng chán nản, giảm sức mạnh và khối lượng cơ bắp, da mỏng và khô, tăng mô mỡ và giảm mật độ xương.

2.2. Tăng hormone tăng trưởng

Tình trạng sản xuất dư thừa Growth Hormone thường liên quan đến các khối u lành tính của tế bào somatotrop ở tuyến yên. Trong một số trường hợp, một số khối u ở phổi hoặc tế bào đảo tụy Langerhans có thể sản xuất GHRH, và chúng sẽ kích thích các somatotrophs sản xuất một lượng lớn hormone tăng trưởng. Các khối u Somatotroph ở trẻ em rất hiếm gặp và nếu có sẽ gây tăng trưởng cơ thể quá mức như chiều cao bất thường và to đầu chi.

Bệnh to đầu chi đề cập đến sự mở rộng của các phần xa của cơ thể, bao gồm bàn tay, bàn chân, cằm và mũi. Sự phì đại này là do sự phát triển quá mức của sụn, cơ, mô dưới da và da. Vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh to đầu chi sẽ có phần hàm nổi bật, mũi to, bàn tay và bàn chân to, cũng như phì đại hầu hết các mô khác, bao gồm lưỡi, tim, gan và thận. Ngoài việc ảnh hưởng gây tăng hormone tăng trưởng, bản thân các khối u tuyến yên có thể gây ra các cơn đau đầu dữ dội và chính áp lực của khối u lên giao thoa thị giác có thể gây bất thường thị lực.

Do hoạt động trao đổi chất của GH đối kháng với hoạt động của insulin nên một số bệnh nhân mắc bệnh to đầu chi sẽ bị đái tháo đường. Các vấn đề khác liên quan đến bệnh đầu chi bao gồm huyết áp cao, bệnh tim mạch và viêm khớp. Bệnh nhân mắc bệnh to đầu chi cũng có nguy cơ cao phát triển các khối u ác tính ở đại tràng.

Xét nghiệm kích thích để chẩn đoán thiếu hụt Growth Hormone
Xét nghiệm kích thích để chẩn đoán thiếu hụt Growth Hormone

3. Xét nghiệm hormone tăng trưởng thế nào?

3.1. Xét nghiệm kích thích để chẩn đoán thiếu hụt Growth Hormone

Bệnh nhân sẽ được tiến hành lấy mẫu máu làm xét nghiệm sau khi đã nhịn ăn từ 10 đến 12 giờ. Trước khi lấy máu, các bác sĩ sẽ tiêm chất kích thích giải phóng GH từ tuyến yên vào máu của bệnh nhân.

Các mẫu máu sẽ được lấy ở các khung giờ khác nhau để đánh giá về khả năng đáp ứng kích thích của tuyến yên có như dự đoán hay không. Khi tuyến yên đáp ứng mạnh sẽ đưa đến tăng bài tiết Growth Hormone vào máu, do đó đây cũng có thể cho là một yếu tố hỗ trợ cho quá trình điều trị thiếu hụt GH.

3.2. Xét nghiệm ức chế để chẩn đoán tăng hormone tăng trưởng

Bệnh nhân cũng được thực hiện lấy mẫu máu khi đói, cụ thể là sau khi nhịn ăn khoảng 10 đến 12 giờ đồng hồ. Trước khi thực hiện lấy máu, bệnh nhân sẽ được cho uống dung dịch glucose chuẩn. Sau đó, các bác sĩ sẽ thực hiện lấy máu trong những khung giờ khác nhau. Từ kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy rõ tuyến yên có bị ức chế bởi những liều glucose đã uống vào hay không.

Những khối u tuyến yên chính là nguyên nhân dẫn đến tăng hormone tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu khối u lớn thì nó có thể ức chế tất cả các hormon khác do tuyến yên bài tiết, trong đó bao gồm hormone tăng trưởng và đồng thời gây tổn thương các mô xung quanh.

Chính vì thế, các bác sĩ thường áp dụng xét nghiệm này để theo dõi và điều trị những khối u hình thành tại tuyến yên. Định lượng nồng độ GH có thể giúp xác định khối u đã được điều trị triệt để hay chưa hay có bị tái phát hay không.

4. Bổ sung Growth Hormone

Hormone tăng trưởng tổng hợp được phát triển vào năm 1985 và được FDA chấp thuận cho một số chỉ định cụ thể ở trẻ em và người trưởng thành. Ở trẻ em, tiêm bổ sung Growth Hormone được chấp thuận để điều trị tình trạng tầm vóc thấp bé không rõ nguyên nhân cũng như tình trạng kém tăng trưởng do một số nguyên nhân sức khỏe, bao gồm:

  • Hội chứng Turner, một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của bé gái;
  • Hội chứng Prader-Willi, một rối loạn di truyền hiếm gặp gây giảm trương lực cơ, nồng độ hormone giới tính thấp và cảm giác đói liên tục;
  • Bệnh thận mãn tính;
  • Thiếu hụt GH;
  • Trẻ sinh non.

Ở người lớn, việc sử dụng GH tổng hợp được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Hội chứng ruột ngắn, tình trạng khiến chất dinh dưỡng không được hấp thụ do các bệnh lý đường ruột nghiêm trọng hoặc do phẫu thuật cắt bỏ một phần lớn ruột non;
  • Thiếu GH do khối u tuyến yên hoặc do điều trị;
  • Bệnh teo cơ liên quan đến HIV/AIDS.

Tuy nhiên những lý do sử dụng phổ biến nhất của GH tổng hợp hiện nay lại không được FDA chấp thuận. Một số người sử dụng hormone tăng trưởng cùng với các loại thuốc tăng cường hiệu suất khác, như các steroid đồng hóa, nhằm mục đích xây dựng cơ bắp và cải thiện thành tích thể thao. Tuy nhiên, tác dụng của hormone tăng trưởng đối với hoạt động thể thao vẫn chưa được biết rõ.

Bởi vì nồng đôn GH của cơ thể giảm một cách tự nhiên theo tuổi tác, một số chuyên gia chống lão hóa cho rằng các sản phẩm bổ sung Growth Hormone có thể đảo ngược tình trạng suy thoái cơ thể liên quan đến tuổi tác. Tuy nhiên những tuyên bố này cũng chưa được chứng minh và dĩ nhiên là chưa được FDA chấp thuận.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng GH tổng hợp bao gồm:

  • Đau dây thần kinh, cơ hoặc khớp;
  • Phù nề;
  • Hội chứng ống cổ tay;
  • Tê và ngứa ran ngoài da;
  • Tăng cholesterol máu.

Đặc biệt, GH tổng hợp cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và góp phần vào sự phát triển một số khối u.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
So sánh Sermorelin với các liệu pháp hormone tăng trưởng khác

So sánh Sermorelin với các liệu pháp hormone tăng trưởng khác

Sermorelin dành cho vận động viên: Khám phá lợi ích và tính hợp pháp trong thể thao

Sermorelin dành cho vận động viên: Khám phá lợi ích và tính hợp pháp trong thể thao

Những xét nghiệm nào có thể phát hiện vấn đề với việc sản xuất hormone tăng trưởng?

Những xét nghiệm nào có thể phát hiện vấn đề với việc sản xuất hormone tăng trưởng?

Insulin có tác dụng gì?

Insulin có tác dụng gì?

Các hormon tuyến giáp có vai trò gì?

Các hormon tuyến giáp có vai trò gì?

19

Bài viết hữu ích?