Zalo

Chỉ định và ý nghĩa của chụp MRI khớp gối

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Gối là một vị trí rất quan trọng trong cơ thể con người, trong đó quan trọng nhất là chịu trọng lực của cơ thể. Do đó, khớp rối rất dễ bị tổn thương và để phát hiện cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, trong đó nổi bật nhất là kỹ thuật chụp MRI khớp gối.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Vũ Thế Khương - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

1. Kỹ thuật chụp MRI khớp gối là gì?

Gối và vai là 2 khớp lớn với vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh chụp MRI khớp vai thì kỹ thuật chụp MRI khớp gối cũng được ứng dụng rất rộng rãi. Nguyên lý hoạt động của MRI hay cộng hưởng từ là sử dụng nam châm và sóng vô tuyến để ghi lại hình ảnh bên trong cơ thể mà không cần phải xâm lấn. MRI có thể được thực hiện trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, trong đó chụp cộng hưởng từ khớp gối sẽ giúp bác sĩ đánh giá tính trạng của khớp gối và các khu vực xung quanh.

Chụp cộng hưởng từ khớp gối ghi nhận được hình ảnh của cả mô mềm lẫn xương, qua đó cho phép bác sĩ kiểm tra các phần của khớp gối xem có bị tổn thương trong quá trình hoạt động thể chất hoặc do hao mòn (thoái hóa) hay không. Kỹ thuật chụp MRI khớp gối còn có thể cung cấp hình ảnh chi tiết về các phần khác nhau của đầu gối, chẳng hạn như xương, sụn, gân, cơ, mạch máu và dây chằng. Ưu điểm lớn nhất của MRI là hình ảnh thu được có độ tương phản tốt hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.

Bên cạnh chụp MRI khớp gối thường quy, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân một hình thức chụp MRI đặc biệt hơn được gọi là MRI có tiêm thuốc cản từ. Đối với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ tiêm chất tương phản (hay còn gọi là chất cản từ) hoặc thuốc nhuộm vào đầu gối nhằm mục đích nhìn rõ hơn cấu trúc bên trọng.

Khác với X quang và chụp cắt lớp vi tính CT, kỹ thuật cộng hưởng từ MRI không sử dụng tia bức xạ. Vì vậy MRI được coi là một giải pháp thay thế an toàn hơn cho nhiều đối tượng, trong đó đặc biệt là trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Tia bức xạ phát ra trong quá trình chụp CT có thể an toàn cho người trưởng thành nhưng lại không an toàn cho thai nhi đang phát triển và cần phản thận trọng khi ứng dụng cho trẻ nhỏ.

Kỹ thuật chụp MRI khớp gối có thể cung cấp hình ảnh chi tiết về các phần khác nhau của đầu gối

Một lưu ý khác khi được chỉ định kỹ thuật chụp MRI khớp gối là nếu có cấy ghép vào cơ thể các thiết bị hỗ trợ bằng kim loại, bệnh nhân có thể phải đối mặt với những rủi ro nhất định. Nam châm được sử dụng trong chụp cộng hưởng từ có thể gây ra sự cố với các thiết bị cấy ghép kim loại như máy tạo nhịp hoặc đinh vít sử dụng để kết hợp xương.

Kèm theo đó, một số trường hợp có thể xảy ra phản ứng dị ứng với thuốc tương phản được sử dụng trong kỹ thuật chụp cộng hưởng từ khớp gối có cản từ. Loại thuốc tương phản (cản từ) phổ biến nhất hiện nay là Gadolinium. Tuy nhiên theo Hiệp hội X quang Bắc Mỹ thì những phản ứng dị ứng liên quan đến thuốc cản từ thường nhẹ và có thể kiểm soát bằng thuốc.

2. Mục đích và đối tượng nên chụp MRI khớp gối

Mục đích chính của kỹ thuật chụp MRI khớp gối là phát hiện các bất thường hay các tổn thương tại vị trí khớp quan trọng này. Hình ảnh MRI giúp bác sĩ hình dung giải phẫu khớp gối để xác định nguyên nhân gây đau, viêm hoặc yếu khớp mà không cần phải xâm lấn phẫu thuật.

Theo Hiệp hội X quang Bắc Mỹ, chụp MRI thường được chỉ định cho những đối tượng có các triệu chứng nghi ngờ bệnh lý khớp gối, qua đó giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh lý đó, bao gồm:

  • Viêm và thoái hóa khớp gối;
  • Gãy xương vùng gối;
  • Tổn thương sụn khớp, dây chằng hoặc gân;
  • Khớp gối hạn chế vận động;
  • Tràn dịch khớp gối;
  • Nhiễm trùng khớp gối;
  • Gặp vấn đề với các dụng cụ cấy ghép tại gối;
  • Chấn thương liên quan đến thể thao hoặc các chấn thương gối nói chung;
  • Khối u.

Bác sĩ điều trị có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp X quang, kết hợp với chụp MRI khớp gối. Bác sĩ còn có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ trước khi tiến hành kỹ thuật nội soi khớp gối.

Mục đích chính của kỹ thuật chụp MRI khớp gối là phát hiện các bất thường hay các tổn thương

3. Quy trình chụp cộng hưởng từ khớp gối

Trước khi chụp MRI khớp gối, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thay áo choàng bệnh viện, đồng thời tháo tất cả đồ trang sức và khuyên tai. Nếu chụp MRI có cản từ, nhân viên y tế sẽ tiến hành thiết lập một đường truyền tĩnh mạch  trên cánh tay của bệnh nhân để tiêm thuốc cản từ vào máu. 

Máy chụp MRI trông có hình ảnh tương tự một bánh xe khổng lồ, trong đó phần trung tâm của máy sẽ có không gian với một bàn phẳng có thể trượt ra vào. Phần tròn giống như bánh xe là vị trí phát ra sóng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể.

Bệnh nhân có thể nằm ngửa hoặc nằm nghiêng trên một chiếc bàn phẳng có đệm. Kỹ thuật viên có thể sử dụng gối hoặc dây đai để làm cho đầu gối của bệnh nhân thoải mái hơn trong quá trình chụp MRI kiểm tra. Điều này còn giúp chân được giữ yên để máy có thể chụp được hình ảnh rõ nét nhất.

Bệnh nhân sẽ không thể cảm thấy máy MRI đang hoạt động, nhưng đôi khi máy lại phát ra những tiếng ồn lớn, chẳng hạn như tiếng lạch cạch, tiếng thịch và có thể là tiếng quay tít. Do đó kỹ thuật viên có thể cung cấp cho bệnh nhân nút tai hoặc cho nghe nhạc trong quá trình chụp MRI khớp gối. Thời gian chụp cộng hưởng từ khớp gối không quá lâu, thường chỉ mất từ ​​​​30 phút đến 1 giờ. Sau khi kỹ thuật viên đã ghi lại những hình ảnh cần thiết, bệnh nhân có thể thoải mái thay quần áo và tiếp tục công việc trong ngày của mình.

Bác sĩ X quang sẽ xem xét các lần chụp MRI khớp gối và chuyển kết quả đến bác sĩ điều trị Hình ảnh MRI được định dạng đen trắng. Những bất thường có thể xuất hiện dưới dạng những đốm trắng (đốm sáng), chứng tỏ những vị trí đó thuốc cản từ có thể đến được do hoạt động của tế bào được tăng cường.Khi bác sĩ điều trị xem xét kết quả chụp MRI khớp gối, họ sẽ giải thích các vấn đề bệnh nhân đang gặp phải và thực hiện các bước điều trị tiếp theo. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, việc điều trị có thể cần thêm các xét nghiệm khác, bên cạnh đó là các thuốc điều trị, kết hợp phục hồi chức năng, phẫu thuật hoặc kết hợp nhiều cách. Bác sĩ sẽ gợi ý cho bệnh nhân về các phương pháp tốt nhất và an toàn nhất.

Nguồn: ncbi.nlm.nih.gov, webmd.com, healthline.com.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo Xem thêm bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo
Bác sĩ Vũ Thế Khương

BS.Vũ Thế Khương

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
Đăng ký tư vấn
xem thêm
Quy trình chụp MRI trải qua các bước nào?

Quy trình chụp MRI trải qua các bước nào?

Chụp MRI và CT cái nào tốt hơn?

Chụp MRI và CT cái nào tốt hơn?

Chỉ định siêu âm viêm túi mật

Chỉ định siêu âm viêm túi mật

Xét nghiệm AFP là gì và ai cần thực hiện?

Xét nghiệm AFP là gì và ai cần thực hiện?

Xét nghiệm CRP là gì và ý nghĩa của nó

Xét nghiệm CRP là gì và ý nghĩa của nó

5020

Bài viết hữu ích?