Zalo

Các chỉ số xét nghiệm giun đũa

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Ký sinh trùng là một trong những tác nhân gây bệnh phổ biến ở người chỉ sau vi khuẩn và virus. Đôi khi tình trạng nhiễm ký sinh trùng còn gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho sức khỏe người. Hiện nay, có rất nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh, một trong số đó không thể không kể đến giun đũa. Vậy các chỉ số xét nghiệm giun đũa như thế nào và báo hiệu điều gì?
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1. Bệnh giun đũa là gì?

1.1. Giun đũa

Trước khi tìm hiểu về các xét nghiệm ascaris lumbricoides, ta hãy cùng xem qua các thông tin về giun đũa ascaris lumbricoides là gì và khả năng gây bệnh của chúng.

Giun đũa hay giun đũa ascaris lumbricoides là một loại ký sinh trùng có màu trắng ngà hoặc hồng lợt. Thân của loài giun đũa ascaris lumbricoides dài và đuôi có hình chóp nón. Miệng giun đũa có 3 môi hình bầu dục, xếp cân đối với 2 môi bụng và 1 môi lưng, bờ môi của giun đũa có răng và các gai cảm giác.

Giun đũa ascaris lumbricoides có kích thước khá to, con đực có kích thước khoảng 2 - 4 mm x 15 - 31 cm, đuôi cong lại về phía bụng với 2 gai giao hợp ở cuối đuôi. Giun đũa ascaris lumbricoides cái dài khoảng 3 – 6 mm x 20 – 35 cm, đuôi thẳng hình nón, có 2 gai nhú nằm sau hậu môn. Lỗ sinh dục của giun cái nằm ở khoảng 1/3 trên, mặt bụng. Giun cái có 1 vòng thắt ở quanh thân, có vai trò giữ giun đực trong quá trình thụ tinh.

Trứng giun đũa có 3 loại:

  • Trứng chắc: Trứng giun đã thụ tinh còn gọi là trứng chắc, có hình bầu dục gồm có 3 lớp, ngoài cùng là lớp albumin dày đều, hơi xù xì, lớp giữa nhẵn, dày và trong suốt được tạo thành bởi glycogen và lớp vỏ trong cùng là màng dinh dưỡng của giun cấu tạo bởi lipid, không thấm nước, bảo vệ phôi giun chống các chất độc. Trứng chắc có kích thước khoảng 35 – 50 µm x 45 – 75 µm. Sau một thời gian, phôi giun đũa  ascaris lumbricoides phát triển thành giun bên trong vỏ.
  • Trứng lép: Trứng giun không được thụ tinh hay trứng lép, có hình bầu dục hẹp và dài hơn, kích thước khoảng 39 – 44 µm x 88 – 94 µm. Lớp vỏ gồm 2 lớp mỏng và không có lớp màng dinh dưỡng. Bên trong trứng giun lép là những hạt tròn không đều, có tính chiết quang. Trứng giun đũa không thụ tinh sẽ bị thoái hóa.
  • Trứng mất vỏ: Do lớp albumin bị tróc làm cho lớp vỏ bị mất đi, trứng giun trở nên trơn tru.

Các bác sĩ sẽ dựa vào đặc điểm của giun đũa cũng như trứng giun đũa trong xét nghiệm soi phân, từ đó khẳng định một người có xét nghiệm giun đũa dương tính hay âm tính.

1.2. Gây bệnh

Cả giun đũa ascaris lumbricoides đực và cái đều thường sống kí sinh ở trong ruột non của người. Chúng tiêu thụ các chất trong ruột (dưỡng chấp). Một con giun cái có thể đẻ khoảng 240.000 trứng mỗi ngày. Trứng giun đũa theo phân ra bên ngoài, ở ngoại cảnh  trứng cần các yếu tố để phát triển bao gồm nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, không khí... Sau một thời gian ở bên ngoài, phôi giun sẽ phát triển thành ấu trùng. Ở điều kiện thích hợp như đất xốp, nhiệt độ ẩm độ, trứng giun sẽ có thể sống được 5 - 6 năm thậm chí lên đến 9 - 10 năm. Nhưng ở môi trường không thuận lợi trứng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn.

Hình 1. Giun đũa ascaris lumbricoides thường ký sinh bên trong đường ruột của người
Hình 1. Giun đũa ascaris lumbricoides thường ký sinh bên trong đường ruột của người

Khi chúng ta nuốt phải trứng giun đũa đã đến giai đoạn lây nhiễm, chất dịch trong ống tiêu hóa sẽ tác dụng lên vỏ trứng và giải phóng ra các ấu trùng. Ấu trùng giun đũa ascaris lumbricoides chui qua thành ruột và đi vào hệ thống tuần hoàn, theo tĩnh mạch cửa đến gan. Chúng sẽ ở gan 3 - 4 ngày, sau đó theo tĩnh mạch trên gan đến tĩnh mạch chủ và đi vào tim phải. Từ tim phải ấu trùng giun đũa theo động mạch phổi phải để đi vào phổi. Chúng bắt đầu chui qua thành mạch máu và đi vào phế nang. Trong thời gian ký sinh ở phổi, ấu trùng giun đũa phát triển dần, thoát khỏi vỏ 2 lần, lần đầu tại thời điểm 5 ngày và lần thứ hai từ 10 trở đi. Các ấu trùng phát triển nhanh bên trong phế nang, có kích thước dài khoảng 1 - 2 mm. Sau đó, ấu trùng tiếp tục theo các phế quản phổi đi lên khí quản, rồi lên hầu, rồi theo thực quản và đi xuống ruột non và tiếp tục ký sinh ở đó. Qua khoảng lột xác 4 lần,  chúng sẽ phát triển thành giun đũa trưởng thành. Trong thời gian “di cư” bên trong cơ thể người, ấu trùng sẽ ăn máu và các dưỡng chấp. Ngoài ra, trong quá trình di chuyển của mình, giun đũa còn có thể bị giữ lại ở các bộ phận như hạch bạch huyết, não, tủy, lách…Và cũng trong khoảng thời gian đó, chúng có thể gây ra những dị ứng cấp tính đối với cơ thể.

Thời gian kể từ khi trứng giun đũa vào cơ thể, đến khi thành giun đũa trưởng thành mất khoảng 60 - 70 ngày. Giun đũa có thể ký sinh trong người được khoảng 12 - 18 tháng.

1.3. Triệu chứng

Nhiều người nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng nào, nhưng một số trường hợp khác lại biểu hiện rầm rộ các dấu hiệu dù chỉ nhiễm một con giun, thậm chí cần phải được cấp cứu. Bệnh giun đũa ascaris lumbricoides chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn ấu trùng giun đũa chu du

Vì ấu trùng thực hiện quá trình phát triển bắt đầu từ đường ruột, đi qua các cơ quan khác trong cơ thể rồi trở lại ruột non nên còn gọi là giai đoạn ấu trùng chu du. Trong quá trình di chuyển, ấu trùng giun đũa có thể đi lạc đến các cơ quan khác và gây ra những triệu chứng bất thường tại đó, hay còn gọi là ký sinh lạc chỗ.

Khi ấu trùng giun đũa đến phổi với số lượng nhiều, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện của hội chứng Loeffler. Hội chứng Loeffler xuất hiện sau 7 – 18 ngày ấu trùng giun xuyên qua thành ruột, bệnh sẽ có 4 đặc điểm như:

  • Dấu hiệu kích thích đường hô hấp như ho khan giai đoạn đầu, sau đó có thể ho kèm đờm.
  • X-quang phổi có các hình ảnh thâm nhiễm, dạng giống lao phổi, hoặc có thể giống viêm phế quản.
  • Bạch cầu toan tính trong công thức máu tăng cao, khoảng từ 14 – 40%.
  • Hội chứng Loeffler tiến triển không rầm rộ và có thể tự hết sau một thời gian ngắn từ 1 - 3 tuần.

Hội chứng Loeffler biểu hiện nặng hay nhẹ tùy thuộc số lượng ấu trùng có trong phổi và tùy thuộc cơ địa của từng người. Ở những người có cơ địa dị ứng, có thể biểu hiện thêm triệu chứng nổi mẩn đỏ, ngứa da.

Giun đũa giai đoạn trưởng thành

Giun đũa trưởng thành thường ký sinh bên trong đường ruột nên thường gây ra những biểu hiện rối loạn tiêu hóa như:

  • Đau bụng quanh rốn, thường gặp ở trẻ em, cơn đau lâm râm khắp bụng, không liên tục, đôi khi xuất hiện đau quặn bụng rất dữ dội. Nhiều trẻ còn có dấu hiệu ôm bụng lăn lộn, kèm táo bón hoặc tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói nhiều và chán ăn.
  • Trẻ nhiễm giun đũa kéo dài không được điều trị dễ dẫn đến suy dinh dưỡng do giun hút hết chất dinh dưỡng từ khẩu phần ăn mỗi ngày.
  • Với số lượng nhiều giun đũa trong ruột, chúng có thể cuộn vào nhau tạo thành búi giun gây ra tình trạng tắc ruột. Giun đũa ascaris lumbricoides cũng có thể gây dấu hiệu quặn quai ruột quanh mạch treo và gây ra tình trạng lồng ruột.
  • Đôi khi tình trạng nhiễm giun đũa còn biểu hiện nhiễm độc do độc tố của giun tiết ra, bao gồm các triệu chứng như động kinh, co giật, dấu hiệu viêm màng não, các triệu chứng giống bệnh thương hàn hoặc bệnh tả.
  • Khi giun di chuyển bất thường gây bít tắc ruột thừa hay ống tụy có thể sẽ gây tổn thương viêm ruột thừa, viêm tụy cấp, đôi khi là tình trạng tắc mật do giun chui vào ống mật chủ, sỏi mật hay viêm túi mật do xác hay trứng giun đũa tạo thành sỏi. Giun đũa đi vào gan có thể gây áp xe gan, viêm phúc mạc hay nặng hơn là thủng rụng. Một số trường hợp, giun đũa có thể đi lên dạ dày, lên miệng và gây dấu hiệu ói ra giun.

2. Xét nghiệm giun đũa

Ngoài các triệu chứng kể trên, chẩn đoán xét nghiệm giun đũa cũng được sử dụng để xem liệu người đó có đang mang giun trong cơ thể hay không. Việc chẩn đoán giun đũa trong xét nghiệm bao gồm các phương pháp sau:

Soi phân tìm trứng và ấu trùng giun đũa

Tìm thấy hình dạng của trứng giun đũa ba lớp lớn, màu nâu 60 µm x 50 µm ở trong phân được xem là xét nghiệm giun đũa dương tính. Tuy nhiên, xét nghiệm soi phân có thể âm tính, vì trứng cần thời gian tối đa 40 ngày sau khi nhiễm bệnh để di chuyển và trưởng thành. 

Bề mặt bên ngoài của trứng được thụ tinh có một lớp mucopolysacarit không đồng đều. Các bệnh đồng nhiễm ký sinh trùng khác cũng có thể được phát hiện thông qua soi phân. Tuy nhiên, có thể mất 40 ngày để trứng xuất hiện trong phân, đôi khi nếu bệnh nhân chỉ bị nhiễm giun đực, có thể không có trứng giun đũa trong xét nghiệm soi phân.

Giun đũa ascaris lumbricoides trưởng thành có thể được tìm thấy trong phân hoặc bệnh nhân có thể nhìn thấy chúng khi đi ngoài. Giun trưởng thành dài 35 cm (con cái 20 đến 35 cm; con đực 15 đến 30 cm) và đường kính 6 mm. Giun có màu trắng hoặc hồng, thuôn nhọn ở hai đầu.

Xét nghiệm đờm

Ấu trùng giun đũa có thể được quan sát thấy trong các chế phẩm đờm ướt cực nhỏ trong giai đoạn di chuyển phổi. Xét nghiệm giun đũa dương tính trong mẫu đờm cũng được xác định gần như tương tự so với việc xác định giun đũa trong xét nghiệm soi phân.

Công thức máu

Bạch cầu ái toan trong công thức máu có thể tăng cao trong khoảng từ 14 – 40%. Chỉ số xét nghiệm giun đũa này thường tăng trong giai đoạn di chuyển của ấu trùng đến các mô và gây nhiễm trùng tại đó. Bạn có thể mất vài tuần để bạch cầu ái toan trở về bình thường. Đôi khi chỉ số xét nghiệm giun đũa này bị âm tính giả do bệnh nhân sử dụng thuốc Steroid. 

Xét nghiệm huyết thanh học

Nhiều người đặt câu hỏi ascaris lumbricoides IgG là gì hay xét nghiệm ascaris lumbricoides IgG có ý nghĩa gì trong việc chẩn đoán bệnh giun đũa. Trong huyết thanh của những đối tượng bị nhiễm giun đũa có kháng thể đặc hiệu với loại giun này. Do đó, người ta sẽ sử dụng các xét nghiệm ascaris lumbricoides IgG để hỗ trợ chẩn đoán bệnh. 

Xét nghiệm ascaris lumbricoides IgG và ascaris lumbricoides IgE huyết thanh tăng cao trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, nhưng phát hiện này không hữu ích về mặt lâm sàng, do kết quả thường có nhiều phản ứng chéo với các loại giun sán khác.

Hình 2. Huyết thanh học không hữu ích trong chẩn đoán xét nghiệm giun đũa
Hình 2. Huyết thanh học không hữu ích trong chẩn đoán xét nghiệm giun đũa

Chẩn đoán hình ảnh

Hình ảnh trên X quang ngực hay CT-scan ngực có thể cho thấy những vết mờ thoáng qua trong quá trình ấu trùng di chuyển đến phổi. Thâm nhiễm tròn, hai bên hoặc đám mờ kính mờ với bờ không rõ ràng với kích thước thay đổi từ vài mm đến cm có thể thấy ở những bệnh nhân có tăng bạch cầu ái toan cao. Sự xâm nhập có thể biểu hiện mô hình di cư của ấu trùng giun đũa.

X-quang bụng, CT - scan bụng hay MRI bụng cũng có thể hỗ trợ chẩn đoán. X-quang thường quy có thể cho thấy giun tập trung trong ruột, đặc biệt là ở trẻ em. Mức dịch khí ở chỗ hẹp mà không có các quai ruột căng trên phim thẳng đứng gợi ý tắc ruột bán phần. Mức chất lỏng không khí trên diện rộng với các vòng căng phồng gợi ý tắc ruột toàn phần. Nghiên cứu cho giun nuốt barium cũng có thể cho thấy hình ảnh ống tiêu hóa của chúng trên X quang. 

Ngày càng có nhiều người phát hiện được giun đũa trong ống mật hoặc túi mật bằng siêu âm và chụp CT-scan ổ bụng. Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể cho thấy giun trong ruột. CT-scan hoặc MRI có thể chứng minh hình ảnh giun đũa trưởng thành trong gan hoặc ống mật trong trường hợp bệnh gan mật. Chụp mật tụy cộng hưởng từ (MRCP) có thể phát hiện giun trưởng thành trong ống dẫn mật hoặc tụy. Siêu âm cũng có thể hữu ích để chứng minh sự xâm nhiễm của gan mật hoặc tụy.

Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP) đã trở thành một quy trình thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh giun đũa, cũng như điều trị loại bỏ giun ra khỏi đường mật. Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP) mang lại độ nhạy gần 100%. 

Giun đũa là một trong những loại ký sinh trùng gây bệnh thường gặp nhất tại nước ta. Việc tìm hiểu các thông tin liên quan đến loại giun này có thể giúp mọi người cảnh giác hơn trong việc phòng bệnh, cũng như thường xuyên kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện tình trạng nhiễm giun đũa. Từ đó, đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Chỉ số xét nghiệm máu EOS tăng 47,7% có sao không?

Chỉ số xét nghiệm máu EOS tăng 47,7% có sao không?

Khi nào cần xét nghiệm chẩn đoán sán lá gan

Khi nào cần xét nghiệm chẩn đoán sán lá gan

Xét nghiệm ký sinh trùng qua phân bao gồm những gì?

Xét nghiệm ký sinh trùng qua phân bao gồm những gì?

Thịt gà có thể gây dị ứng - cách nào để biết bạn có bị dị ứng thịt gà không?

Thịt gà có thể gây dị ứng - cách nào để biết bạn có bị dị ứng thịt gà không?

Giun xoắn ký sinh ở đâu? Khi nào cần xét nghiệm giun xoắn?

Giun xoắn ký sinh ở đâu? Khi nào cần xét nghiệm giun xoắn?

4063

Bài viết hữu ích?