Zalo

Vai trò và chỉ định của xét nghiệm PAP

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn cho việc điều trị. Do đó, tầm soát và phát hiện sớm căn bệnh này đóng vai trò hết sức quan trọng trong điều trị và thời gian sống còn của bệnh nhân. Trong đó, xét nghiệm PAP là xét nghiệm giúp tầm soát và phát hiện sớm hiệu quả.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1. Xét nghiệm PAP là gì?

Phết tế bào cổ tử cung, còn được gọi là xét nghiệm PAP smear hay PAP, là một xét nghiệm được sử dụng để phát hiện các tế bào bất thường trên cổ tử cung là ung thư hoặc có thể trở thành ung thư. Về mặt giải phẫu, cổ tử cung là phần dưới của tử cung nối liền với âm đạo. Xét nghiệm PAP được tiến hành bằng cách lấy một mẫu tế bào từ bề mặt cổ tử cung trong quá trình khám vùng chậu bằng tăm bông hoặc bàn chải nhỏ.

Pap smear chủ yếu được sử dụng như một xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung. Các tình trạng sức khỏe khác, bao gồm nhiễm trùng, viêm và các loại ung thư khác cũng có thể được phát hiện bằng xét nghiệm này.

xét nghiệm PAP
Xét nghiệm PAP là phương pháp phát hiện các tế bào bất thường trên cổ tử cung

2. Vai trò và chỉ định của xét nghiệm PAP 

Xét nghiệm PAP ung thư cổ tử cung thường được thực hiện cùng với khám phụ khoa. Ở phụ nữ trên 30 tuổi, xét nghiệm PAP có thể được kết hợp với xét nghiệm HPV (virus gây u nhú) - một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến có thể gây ung thư cổ tử cung. Trong một số trường hợp, xét nghiệm HPV có thể được thực hiện thay vì phết tế bào cổ tử cung. Vậy xét nghiệm pap có mục đích gì?

  • Sàng lọc: Xét nghiệm PAP smear thường được sử dụng để sàng lọc ung thư cổ tử cung ở những người không có triệu chứng. Nó có thể xác định sớm ung thư cổ tử cung, cũng như những thay đổi trong tế bào cổ tử cung có thể trở thành ung thư nếu không được điều trị. Khi được sử dụng làm xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm PAP có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc cùng với xét nghiệm tìm các chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung.
  • Chẩn đoán: Xét nghiệm PAP smear có thể được sử dụng để giúp xác định nguyên nhân cơ bản của các triệu chứng ở âm đạo, bao gồm chảy máu, tiết dịch âm đạo bất thường.
  • Theo dõi: Xét nghiệm PAP ung thư cổ tử cung cũng có thể được sử dụng như một xét nghiệm tiếp theo để theo dõi các bất thường của tế bào cổ tử cung hoặc các phát hiện khác được phát hiện trên phết tế bào cổ tử cung ban đầu.

Vậy xét nghiệm PAP được chỉ định cho đối tượng nào? Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm PAP phù hợp với bất kỳ ai có cổ tử cung, kể cả phụ nữ và người chuyển giới nam có cổ tử cung. Thời điểm làm phết tế bào cổ tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác, sức khỏe và tiền sử sàng lọc ung thư. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm này khi bệnh nhân đang mang thai. Dưới đây là những chỉ định xét nghiệm PAP:

  • Từ 21 đến 29 tuổi: Hầu hết những người có cổ tử cung từ 21 đến 29 tuổi nên được sàng lọc ung thư cổ tử cung 3 năm một lần chỉ bằng xét nghiệm PAP smear.
  • Tuổi từ 30 đến 65: Đối với những người có cổ tử cung từ 30 đến 65 tuổi, có một số lựa chọn để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Các cá nhân trong nhóm tuổi này có thể chọn sàng lọc 3 năm một lần chỉ với xét nghiệm PAP smear, sau 5 năm chỉ với xét nghiệm HPV hoặc 5 năm một lần với cả xét nghiệm PAP và HPV.
xét nghiệm PAP
Xét nghiệm PAP sàng lọc ung thư được thực hiện ở bất kỳ ai có cổ tử cung

Bệnh nhân có thể cần được chỉ định làm xét nghiệm PAP smear để sàng lọc ung thư cổ tử cung thường xuyên hơn nếu họ có một trong các yếu tố nguy cơ sau:

  • Tiền sử xét nghiệm PAP có kết quả bất thường
  • Nhiễm HIV
  • Người mẹ tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) khi đang mang thai
  • Suy giảm miễn dịch

3. Cách thực hiện xét nghiệm PAP

Xét nghiệm PAP smear cần sử dụng một mẫu tế bào từ lỗ cổ tử cung. Những tế bào này được thu thập bằng cách cạo nhẹ cổ tử cung bằng tăm bông hoặc bàn chải nhỏ. Cách thực hiện xét nghiệm PAP như sau:

  • Chuẩn bị: Điều quan trọng trước khi làm xét nghiệm là phải nói với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng, nếu trước đây bạn đã có kết quả xét nghiệm PAP bất thường hoặc bạn có thể đang mang thai. Bạn không nên làm xét nghiệm này khi đang có kinh nguyệt, vì vậy tốt nhất nên lên lịch xét nghiệm vào khoảng 5 ngày sau ngày cuối cùng của kỳ kinh nguyệt. Một số lưu ý cần tránh trước khi làm PAP smear là: quan hệ tình dục, thụt rửa, sử dụng kem bôi âm đạo hoặc bọt ngừa thai.
  • Cách tiến hành: Xét nghiệm PAP có thể được tiến hành trong quá trình khám phụ khoa. Trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, mỏ vịt sẽ được nhẹ nhàng đưa vào âm đạo và lấy một mẫu tế bào nhỏ bằng cách cạo nhẹ cổ tử cung bằng bàn chải, thìa hoặc dụng cụ cạo. Hầu hết bệnh nhân sẽ cảm thấy ít hoặc không đau hoặc khó chịu khi làm xét nghiệm. Một số có thể cảm thấy khó chịu nhẹ hoặc chuột rút tạm thời tương tự như đau bụng kinh.
  • Sau khi lấy mẫu: Mặc dù một số bệnh nhân có thể bị chảy máu âm đạo trong một thời gian ngắn sau khi được lấy mẫu, nhưng không có hạn chế nào đối với hoạt động thể chất sau khi hoàn thành xét nghiệm PAP.

4. Cách đọc kết quả xét nghiệm PAP

Kết quả xét nghiệm PAP thường có trong vòng 1 - 3 tuần.  Kết quả xét nghiệm được báo cáo là bình thường, bất thường hoặc không đạt yêu cầu để đánh giá, cụ thể:

4.1. Kết quả bình thường

Kết quả xét nghiệm PAP bình thường, còn được gọi là âm tính, chỉ ra rằng không có bằng chứng về các tế bào bất thường được tìm thấy trong mẫu.

4.2. Kết quả bất thường

Kết quả bất thường hoặc dương tính cho thấy các tế bào bất thường đã được phát hiện trong mẫu và có thể cần phải điều trị hoặc xét nghiệm bổ sung. Các loại tế bào thường được mô tả trong kết quả xét nghiệm PAP bao gồm tế bào vảy và tế bào tuyến.

Ngoài việc phát hiện sự hiện diện của những thay đổi tế bào trong mô vảy và mô tuyến, xét nghiệm PAP cũng có thể phát hiện một số loại bất thường khác:

  • Tế bào nội mạc tử cung
  • Các loại ung thư khác
  • Nhiễm trùng hoặc viêm

4.3. Không đạt yêu cầu

Kết quả xét nghiệm PAP smear không đạt yêu cầu cho thấy mẫu tế bào cổ tử cung thu được cho xét nghiệm không có đủ tế bào trên phiến kính để kiểm tra hoặc chất lượng của phiến kính không đạt yêu cầu. Kết quả không đạt yêu cầu có thể được theo dõi bằng cách làm lại xét nghiệm.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm PAP giúp người bệnh có cơ hội chữa khỏi bệnh cao hơn. Xét nghiệm PAP cũng có thể phát hiện những thay đổi trong tế bào cổ tử cung của người bệnh cho thấy ung thư có thể phát triển trong tương lai. Phát hiện sớm những tế bào bất thường này bằng PAP test là bước đầu tiên để ngăn chặn khả năng phát triển ung thư cổ tử cung.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Chỉ số xét nghiệm máu EOS tăng 47,7% có sao không?

Chỉ số xét nghiệm máu EOS tăng 47,7% có sao không?

Chỉ số cholesterol 6.4 mmol/l có nghĩa là gì?

Chỉ số cholesterol 6.4 mmol/l có nghĩa là gì?

Chỉ số axit uric 440-450 bị gút chưa?

Chỉ số axit uric 440-450 bị gút chưa?

Chỉ số axit uric 470 cao hay thấp? Đã bị gút chưa?

Chỉ số axit uric 470 cao hay thấp? Đã bị gút chưa?

636

Bài viết hữu ích?