Zalo

Hành trình kì diệu của “những hạt chất béo” khi qua cánh cửa bí ẩn của cơ thể

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Bạn có bao giờ tự hỏi rằng “chất béo ăn vào đã đi đâu?”. Thực tế, có 1 cuộc hành trình kỳ diệu xảy ra sau mỗi bữa ăn chứa chất béo mà không phải ai cũng biết. Đó là câu chuyện thần kỳ về hành trình “phép thuật” của chất béo, khi chúng vượt qua cánh cửa bí ẩn của cơ thể và được hấp thu vào máu để cung cấp năng lượng và duy trì sức khỏe.

Hãy cùng khám phá cách thức tuyệt vời mà các enzym và chất xúc tác tương tác với chất béo để tạo ra lipoprotein. Đồng thời hiểu về vai trò quan trọng của chúng trong sự phát triển và duy trì cơ thể khỏe mạnh.

1. Cách cơ thể tiêu hóa chất béo

Khi tìm hiểu về cuộc hành trình kỳ thú của việc tiêu hóa chất béo, chúng ta sẽ bắt đầu từ lúc thức ăn chứa chất béo đặt lên lưỡi. Các lipid trong thức ăn chủ yếu là triacylglycerol (còn gọi là triglyceride, TG), cùng với các loại khác như phospholipid, cholesterol và este cholesterol. Quá trình tiêu hóa hóa học bắt đầu ngay trong miệng khi enzym lipase được tuyến nước bọt tiết ra và bắt đầu tác động lên chất béo.

Qua cổ họng, chất béo tiếp tục chuyến du hành của mình xuống dạ dày, nơi đó tiếp tục diễn ra quá trình phân giải hóa học bằng enzyme lipase từ dạ dày, chia nhỏ chất béo thành diglyceride và axit béo. Cuộc hành trình tiếp tục dẫn chúng đến ruột non.

Tại tá tràng và hỗng tràng, chất béo gặp muối mật và lipase tụy. Acid từ dạ dày trong dịch thức ăn kích thích tế bào tiết ra cholecystokinin, thúc đẩy sự co bóp của túi mật và tiết enzyme từ tuyến tụy. Muối mật giúp "nhũ tương hóa" lipid, tạo ra cấu trúc micelle, làm tăng diện tích tiếp xúc của các hạt triglyceride với lipase tụy.

Chặng cuối của cuộc hành trình chính là việc lipid được hấp thụ. Acid béo tự do, 2-monoacylglycerol, cholesterol, lysophospholipid và các vitamin hòa tan trong lipid cùng với muối mật hình thành cấu trúc micelle. Các micelle này di chuyển đến các vi nhung mao của ruột non, nơi mà các thành phần lipid được hấp thụ. Acid béo chuỗi ngắn và monoglyceride sẽ được hấp thụ trực tiếp qua thành ruột. Trong khi đó, axit béo chuỗi dài sẽ hình thành chylomicron, một cấu trúc lipoprotein lớn, chuyên chở chất béo qua hệ thống bạch huyết.

Vậy là đã hoàn thành cuộc hành trình thú vị tiêu hóa chất béo, một quá trình đầy phức tạp nhưng cần thiết cho việc duy trì sức khỏe và năng lượng cơ thể. Quá trình này không chỉ minh chứng cho khả năng biến đổi vô cùng kỳ diệu của cơ thể con người, mà còn cho thấy tầm quan trọng của việc chúng ta cần quản lý mức độ tiêu thụ chất béo trong chế độ ăn uống hàng ngày.

lipoprotein
Quá trình tiêu hóa lipid

2. Hành trình vận chuyển chất béo và vai trò của Lipoprotein

Bạn đã từng tự hỏi, chất béo và cholesterol sau khi được tiêu hóa từ thức ăn, làm thế nào để di chuyển qua các con đường mạch máu mà không gây tắc nghẽn? Câu trả lời chính là Lipoprotein - những 'xe tải' vi mô vận chuyển chất béo và cholesterol trên con đường “huyết mạch”.

Có tất cả 7 loại 'xe tải' nhỏ này, từ Chylomicron, tàn dư chylomicron, VLDL, IDL, LDL, HDL cho đến Lp(a). Mỗi loại có kích thước, hình dạng và chức năng vận chuyển khác nhau.

Để giúp bạn dễ hiểu hơn, chúng tôi xin đưa ra 3 dạng lipoprotein chính:

  • Lipoprotein tỷ trọng cao (High Density Lipoprotein – HDL): Được mệnh danh là “xe tải” tốt bởi nó mang theo nhiều chất đạm và ít chất béo. HDL giống như chiếc xe vệ sinh chạy vòng quanh cơ thể, thu gom cholesterol thừa và đưa chúng về gan để xử lý, giúp bảo vệ hệ tim mạch của chúng ta.
  • Lipoprotein tỷ trọng thấp (Low Density Lipoprotein - LDL): Còn được gọi là 'xe tải' xấu, LDL chứa nhiều cholesterol và ít chất đạm. LDL dễ dàng bám vào thành mạch máu, từ đó gây ra các vấn đề như xơ cứng mạch, vôi hóa mạch...
  • Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (Very Low Density Lipoprotein - VLDL): Là “xe tải” hạng nặng chứa nhiều chất béo nhất. Mặc dù chức năng chính của VLDL là vận chuyển triglyceride, nhưng sự tăng lên của VLDL trong máu có thể là yếu tố gây rủi ro cho hệ tim mạch.

Thông qua việc hiểu rõ hơn về lipoprotein, chúng ta có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để tăng cường 'xe tải' tốt và hạn chế 'xe tải' xấu, giúp cải thiện sức khỏe toàn diện và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

lipoprotein
Phân loại lipoprotein

3. Vai trò và chuyển hóa lipoprotein

Lipoprotein đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển các chất béo và cholesterol trong cơ thể. Chylomicron, được hình thành từ tế bào ruột non, chuyển dầu ăn vào các mô để sử dụng hoặc dự trữ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chylomicron trở thành tàn dư và được gan loại bỏ.

Khi chúng ta tiêu thụ nhiều chất béo và glucid hơn nhu cầu năng lượng, các chất thừa này được chuyển hóa thành triglyceride và được đóng gói trong VLDL. VLDL sau đó vận chuyển acid béo đến mô cơ, nơi nó sẽ được chuyển hóa thành năng lượng, hoặc tới mô mỡ để dự trữ. Trong quá trình này, một phần của VLDL sẽ chuyển đổi thành LDL, loại lipoprotein chuyên vận chuyển cholesterol đến các mô. LDL có thể gây ra tình trạng xơ vữa động mạch nếu lượng cholesterol tăng quá mức, do đó được mệnh danh là “cholesterol xấu”.

Trái ngược với LDL, HDL giúp di chuyển cholesterol từ các mô trở lại gan để được loại bỏ hoặc tái sử dụng. Chính vì lý do này, HDL được gọi là "cholesterol tốt".

4. Hậu quả của mất cân bằng lipoprotein

Mất cân bằng lipoprotein có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho sức khỏe của chúng ta:

  • Tăng nguy cơ bệnh tim mạch: Mất cân bằng lipoprotein có thể dẫn đến tăng hàm lượng LDL ("cholesterol xấu") trong máu. Khi LDL cao, trong vận chuyển cholesterol đến các mô, cholesterol sẽ bám vào thành mạch và tạo thành các mảng xơ vữa, làm cản trở lưu thông máu dẫn đến các vấn đề tim mạch.
  • Hình thành mảng xơ vữa trong mạch máu: Mất cân bằng lipoprotein có thể gây ra sự tích tụ của cholesterol và các chất béo khác trên thành mạch máu, tạo thành mảng bám. Gây cản trở lưu thông máu, làm giảm khả năng cung cấp dưỡng chất và oxi cho các cơ quan và mô.
  • Tiềm ẩn nguy cơ bệnh mỡ gan: Khi gan phải xử lý một lượng lớn triglyceride và cholesterol, đặc biệt từ VLDL dư, có thể dẫn đến tích tụ mỡ trong gan. 

Để đảm bảo sự cân bằng lipoprotein và duy trì sức khỏe tốt, bạn cần có một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, hạn chế đồ ăn giàu đường và béo, tăng cường hoạt động thể lực và điều chỉnh lối sống lành mạnh. Đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ và tham khảo ý kiến của bác sĩ góp phần giữ gìn sự cân bằng lipoprotein và bảo vệ sức khỏe của bạn.

Tóm lại, tiêu hóa lipid là quá trình phức tạp bắt đầu từ miệng với enzym lipase, tiếp tục qua dạ dày và chủ yếu ở ruột non. Lipoprotein giúp vận chuyển chất béo trong máu, HDL có lợi, LDL có hại cho hệ tim mạch. Mất cân bằng lipoprotein gây hậu quả tiêu cực cho sức khỏe. Chất béo chuyển hóa thành năng lượng qua những quá trình gồm: Quá trình  β-oxy hóa chất béo, quá trình β-một phân tử acetyl CoA thành CO2 và H2O, tổng hợp và oxy hóa thể ceton. Quá trình này giúp chúng ta hiểu rõ hơn chất béo được tiêu hao như thế nào.

Tài liệu tham khảo

1. 5.4: Digestion and Absorption of Lipids. Medicine LibreTexts. Published July 29, 2016. Accessed July 18, 2023. 

2. Edwards M, Mohiuddin SS. Biochemistry, Lipolysis. In: StatPearls. StatPearls Publishing; 2023. Accessed July 18, 2023. 

3. Fat digestion: How it works and more. Published January 28, 2021. Accessed July 18, 2023. 

4. Lipid Metabolism | Anatomy and Physiology II. Accessed July 19, 2023.

5. Lipoprotein (a) Blood Test: MedlinePlus Medical Test. Accessed July 18, 2023. 

6. Lipoproteins, cholesterol homeostasis and cardiac health - PMC. Accessed July 18, 2023. 

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Phạm Trần Thiên Nhân xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Tế bào gốc có thể biến thành xương và chất béo thế nào?

Tế bào gốc có thể biến thành xương và chất béo thế nào?

Các bài thuốc đông y chữa suy nhược cơ thể

Các bài thuốc đông y chữa suy nhược cơ thể

Người bị covid nên ăn gì để tăng sức đề kháng?

Người bị covid nên ăn gì để tăng sức đề kháng?

Các dấu hiệu suy nhược cơ thể do làm việc quá sức, dễ gặp ở nhóm doanh nhân

Các dấu hiệu suy nhược cơ thể do làm việc quá sức, dễ gặp ở nhóm doanh nhân

Cảnh giác suy nhược cơ thể bị chóng mặt, nhức mỏi, đau dạ dày

Cảnh giác suy nhược cơ thể bị chóng mặt, nhức mỏi, đau dạ dày

10

Bài viết hữu ích?