Trước đây, tế bào mỡ được phân thành 2 loại, tế bào mỡ trắng (white adipocyte) và tế bào mỡ nâu (brown adipocyte), có thể phân biệt rõ ràng dựa trên màu sắc của mô. Gần đây, 2 màu tế bào mỡ bổ sung - màu be và màu hồng - đã được mô tả. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về mỡ trắng và nâu.
Các tế bào mỡ màu nâu và trắng khác nhau về hình dạng, kích thước và cấu trúc nội bào của các bào quan bên trong chúng. Các tế bào mỡ màu trắng thường có dạng hình cầu và mỗi tế bào chứa một giọt lipid lớn, duy nhất đẩy tất cả các bào quan khác, bao gồm cả nhân, ra ngoại vi của tế bào. Tế bào mỡ trắng có khả năng lưu trữ lipid lớn hơn và có thể mở rộng đến đường kính gần 100 µm.
Còn các tế bào mỡ màu nâu thì chứa nhiều giọt lipid có hình elip bên cùng với ti thể mà bên trong những ti thể này chứa sắt từ đó tạo cho tế bào một màu nâu. Các tế bào mỡ nâu thường phát triển từ 15 đến 50 µm.
Mỡ có thể được tìm thấy ở một số nơi khác nhau trên khắp cơ thể con người. Trong đó, mỡ trắng là phổ biến nhất, được phân phối ở dưới da hoặc ở xung quanh nội tạng.
Mỡ dưới da (subcutaneous fat) - lớp mỡ nằm dưới da và được phân bố khắp toàn bộ cơ thể tuy nhiên thường tích tụ ở các vùng như dưới cánh tay, bụng, đùi. Mỡ dưới da đóng vai trò trong cung cấp năng lượng dự phòng, bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương vật lý và giữ ấm cơ thể. Mỡ dưới da tích tụ quá mức vẫn có thể mang đến những rủi ro cho sức khỏe như béo phì và có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, xương khớp.
Như đã được đề cập ở trên, mỡ trắng không chỉ phân bố dưới lớp da của cơ thể mà còn tích tụ xung quanh các cơ quan nội tạng trong bụng, như gan, tụy, lòng mạch và ruột non được gọi là mỡ nội tạng (visceral fat). Khác với mỡ dưới da, mỡ nội tạng không chỉ đóng vai trò là nguồn cung cấp năng lượng, mà còn giúp bảo vệ và cách nhiệt cho các cơ quan nội tạng, đóng vai trò quan trọng trong cân bằng nội tiết, đáp ứng miễn dịch và có mối liên quan chặt chẽ về mặt nguy cơ với các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường và viêm nhiễm.
Khác với mỡ trắng, mỡ nâu chủ yếu hiện diện trong suốt thời kỳ bào thai và ở trẻ sơ sinh. Ở trẻ sơ sinh, mỡ nâu chủ yếu nằm ở lưng, dọc theo nửa trên của cột sống, giữa hai vai và xung quanh thận. Cùng với tuổi tác, lượng mỡ nâu giảm dần. Ở người trưởng thành, các chất béo màu nâu còn lại có thể được tìm thấy xung quanh các đốt sống, phía trên xương đòn, ở lưng trên và trong trung thất (khoang trung tâm của khoang ngực).
Ở người trưởng thành khỏe mạnh, mô mỡ thường chiếm 20–25% tổng trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ mỡ cơ thể cụ thể thay đổi đáng kể giữa các cá nhân, từ dưới 10% đến hơn 40% tổng trọng lượng cơ thể. Mức độ mô mỡ tăng lên có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe, bao gồm béo phì, đái tháo đường và bệnh tim, trong số những vấn đề khác.
Tế bào mỡ có thể được chia thành 3 loại: Tế bào mỡ trắng, tế bào mỡ nâu và tế bào mỡ be, khác nhau về cấu trúc, vị trí và chức năng. Mỡ trắng là loại mỡ chiếm ưu thế trong cơ thể người, có thể được tìm thấy dưới da (mỡ dưới da), xung quanh các cơ quan nội tạng (mỡ nội tạng). Mỡ trắng đóng vai trò như một kho dự trữ năng lượng cho cơ thể, bảo vệ các phần khác nhau của cơ thể, nội tiết và chuyển hóa. Bên cạnh những vai trò quan trọng đó thì việc tích trữ quá nhiều mỡ trắng (bao gồm cả mỡ dưới da và mỡ nội tạng) trong cơ thể có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, hội chứng chuyển hóa, bệnh mạn tính không lây. Mặt khác, mô mỡ nâu chủ yếu xuất hiện trong giai đoạn thai nhi và trẻ sơ sinh. Vai trò chính của mô mỡ nâu là tiêu hao năng lượng giúp kiểm soát cân nặng và chuyển hóa.
Tài liệu tham khảo
1. Richard AJ, White U, Elks CM, Stephens JM. Adipose Tissue: Physiology to Metabolic Dysfunction. In: Feingold KR, Anawalt B, Blackman MR, et al., eds. Endotext. South Dartmouth (MA): MDText.com, Inc.; April 4, 2020.
2. Elffers TW, de Mutsert R, Lamb HJ, et al. Body fat distribution, in particular visceral fat, is associated with cardiometabolic risk factors in obese women. PLoS One. 2017;12(9):e0185403. Published 2017 Sep 28. doi:10.1371/journal.pone.0185403.
3. Lee JJ, Pedley A, Therkelsen KE, et al. Upper Body Subcutaneous Fat Is Associated with Cardiometabolic Risk Factors. Am J Med. 2017;130(8):958-966.e1. doi:10.1016/j.amjmed.2017.01.044.
4. Davidson LE, Hudson R, Kilpatrick K, et al. Effects of Exercise Modality on Insulin Resistance and Functional Limitation in Older Adults: A Randomized Controlled Trial. Arch Intern Med. 2009;169(2):122-131. doi:10.1001/archinternmed.2008.558.
5. Luo L, Liu M. Adipose tissue in control of metabolism. J Endocrinol. 2016;231(3):R77-R99. doi:10.1530/JOE-16-0211.
6. Adipose Tissue: What Is It, Location, Function, and More | Osmosis. Accessed July 18, 2023. https://www.osmosis.org/answers/adipose-tissue.
11
Bài viết hữu ích?
Bài viết hữu ích?
11
Bài viết hữu ích?