Mức oxy máu là lượng oxy đang có trong máu của một người, nó được di chuyển trong mạch máu đến các mô, cơ quan bằng cách gắn với một phân tử mang gọi là hemoglobin. Phân tử này chịu trách nhiệm đưa oxy trong phổi đến những nơi cần oxy để cơ thể hoạt động bình thường.
Chỉ số nồng độ oxy trong máu có thể được biểu diễn bằng độ bão hòa oxy mao mạch ngoại biên, thường được gọi là SpO2 hoặc là áp suất riêng phần của oxy, thường được gọi là PaO2.
Xét nghiệm nồng độ oxy máu giúp các bác sĩ đánh giá chức năng hô hấp của bạn có đang làm việc tốt không, theo dõi bệnh nhân có bệnh mãn tính có nguy cơ rối loạn hô hấp, theo dõi lượng oxy trong quá trình phẫu thuật và phát hiện các vấn đề về oxy hóa tiềm ẩn. Trong một số trường hợp nhất định, việc nồng độ oxy máu thấp có thể là dấu hiệu của tình trạng cấp cứu y tế và cần được chăm sóc ngay lập tức.
Xét nghiệm nồng độ oxy trong máu có thể bao gồm 2 xét nghiệm khác nhau được thực hiện riêng rẽ hoặc phối hợp, là xét nghiệm khí máu động mạch để đo áp suất riêng phần của oxy PaO2 và xét nghiệm độ bão hòa oxy ở mạch máu ngoại biên SpO2. Chúng giúp cung cấp thông tin về mức độ hoạt động của phổi và mức độ oxy được vận chuyển đến các mô của cơ thể như thế nào.
Khí máu động mạch:
Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách lấy một mẫu máu nhỏ ở động mạch cánh tay hoặc động mạch quay ở cổ tay và được đưa đến phòng thí nghiệm hoặc sử dụng máy cầm tay để phân tích khí máu. Áp suất riêng phần của oxy (PaO2) tính được là kết quả của chỉ số nồng độ oxy máu hay lượng oxy hòa tan trong máu. Ngoài ra còn có các thông số quan trọng khác như như nồng độ carbon dioxide, cân bằng pH và nồng độ bicarbonate. Từ giá trị PaO2 có thể được tính độ bão hòa oxy (SpO2) theo phần trăm bằng công thức.
Độ bão hòa oxy trong máu:
Độ bão hòa oxy trong máu cũng là một chỉ số để đánh giá nồng độ oxy trong máu nhưng nó được thực hiện bằng phương pháp không xâm lấn với máy đo độ bão hòa oxy máu. Đây là một thiết bị nhỏ dùng để vào kẹp vào ngón tay, ngón chân hoặc dái tai và ước tính độ bão hòa oxy bằng cách sử dụng ánh sáng. Phương pháp này đơn giản, nhanh chóng, không xâm lấn mà còn rất thuận tiện để theo dõi nồng độ oxy hàng ngày ở những bệnh nhân có bệnh mạn tính.
Cơ chế hoạt động của máy đo nồng độ oxy trong máu là huyết sắc tố được oxy hóa và huyết sắc tố khử oxy trong máu có đặc tính hấp thụ ánh sáng khác nhau. Máy sẽ phân tích lượng ánh sáng hấp thụ được và có thể xác định mức độ bão hòa oxy dưới dạng phần trăm bằng cách tính tỷ lệ huyết sắc tố được oxy hóa trên tổng lượng huyết sắc tố. Ngoài ra, máy đo nồng độ oxy trong máu cũng có thể đo được nhịp tim bằng cách phát hiện tính chất xung của lưu lượng máu.
Xét nghiệm nồng độ oxy trong máu là xét nghiệm quan trọng được thực hiện tại nhiều cơ sở lâm sàng khác nhau. Chúng giúp đánh giá tình trạng oxy hóa ở bệnh nhân rối loạn hô hấp, đánh giá hiệu quả của liệu pháp oxy, theo dõi những người được gây mê hoặc thở máy cũng như chẩn đoán và quản lý các tình trạng như bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi cấp hoặc mãn tính.
Khi thực hiện xét nghiệm nồng độ oxy máu bằng thủ thuật đo khí máu động mạch, mức oxy trong máu (PaO2) thường dao động từ 75–100 mm Hg. Nếu chúng giảm xuống dưới 60 mm Hg, có thể không có đủ oxy đến các cơ quan quan trọng của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng.
Cơ thể theo dõi chặt chẽ nồng độ oxy máu để giữ chúng trong một phạm vi cụ thể sao cho có đủ oxy cho nhu cầu của mọi tế bào. Mức oxy trong máu của một người cho biết cơ thể phân phối oxy từ phổi đến các tế bào như thế nào và nó có thể quan trọng đối với sức khỏe của con người..
Trong khi đó, nếu đo độ bão hòa oxy ở máu ngoại vi của một người khỏe mạnh (SpO2), nồng độ oxy máu bình thường thường ở khoảng 95% đến 100%. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi phân tử hemoglobin mang 95 đến 100 phân tử oxy. Tuy nhiên, một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nồng độ oxy máu như độ cao, vấn đề về tim, tình trạng phổi, thiếu máu và các tình trạng bệnh lý khác.
Kết quả xét nghiệm nồng độ oxy máu, thường được biểu thị bằng độ bão hòa oxy (SpO2) hoặc áp suất riêng phần của oxy (PaO2), cung cấp thông tin về tình trạng oxy hóa trong máu của một cá nhân.
Nồng độ oxy máu thấp khi PaO2 dưới 60 mmHg hoặc SpO2 dưới 95% cho thấy tình trạng thiếu oxy máu của cơ thể. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, chẳng hạn như do bệnh lý gồm nhiễm trùng đường hô hấp, các vấn đề về tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, xơ phổi, thiếu máu,... Tình trạng thiếu oxy máu nặng hoặc kéo dài có thể đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người bệnh nên cần can thiệp ngay lập tức.
Ngược lại, nồng độ oxy máu cao hay còn được gọi với tên chuyên ngành là Hyperoxemia xảy ra khi mức oxy trong máu cao bất thường. Mặc dù nồng độ oxy cao thường được cơ thể dung nạp tốt, nhưng việc tiếp xúc kéo dài với lượng oxy quá cao có thể gây ra tác dụng phụ, tình trạng này có thể xảy ra khi người bệnh được sử dụng liệu pháp oxy.
Chỉ số nồng độ oxy máu là phương pháp theo dõi quan trọng, tuy nhiên kết quả cần được giải thích một cách toàn diện dựa trên các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân và các yếu tố tiền sử bệnh khác. Ngoài ra, điều kiện oxy môi trường cũng nên được xem xét khi đánh giá tình trạng nồng độ oxy máu thấp của một người.
7128
Bài viết hữu ích?
Bài viết hữu ích?
7128
Bài viết hữu ích?