Zalo

Chỉ định xét nghiệm lậu và cách đọc kết quả

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Lậu là 1 căn bệnh lây truyền qua đường tình dục và do vi khuẩn lậu gây ra. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực, bệnh lậu có thể dẫn đến vô sinh cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, nếu bệnh được điều trị sớm thì có thể khỏi hoàn toàn. Do đó, phát hiện sớm bệnh lậu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vậy xét nghiệm lậu như thế nào và ai nên làm xét nghiệm này?
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1. Xét nghiệm lậu là gì?

Lậu là một trong những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) phổ biến nhất, do vi khuẩn lây lan qua quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh. Nó cũng có thể lây lan từ một phụ nữ mang thai sang em bé trong khi sinh. Bệnh lậu có thể lây nhiễm ở cả hai giới, phổ biến nhất ở những người trẻ tuổi, từ 15 - 24 tuổi.

Có nhiều người đã nhiễm bệnh lậu nhưng họ không hề hay biết. Vì vậy, họ có thể lây lan cho người khác mà không biết. Bệnh lậu ở nam giới có thể có một số triệu chứng. Tuy nhiên, phụ nữ mắc bệnh lậu thường không có triệu chứng hoặc dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang hoặc âm đạo.

Do dó, xét nghiệm lậu nên được thực hiện sớm khi người bệnh quan hệ tình dục không an toàn hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ. 

Xét nghiệm lậu là phương pháp tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn lậu trong cơ thể người bệnh. Các phương pháp xét nghiệm lậu hiện nay bao gồm:

  • Xét nghiệm khuếch đại acid nucleic của bệnh lậu (NAAT): Xét nghiệm này phát hiện vật liệu di truyền (DNA) của vi khuẩn lậu và được coi là xét nghiệm lậu hàng đầu. Loại xét nghiệm này có thể được thực hiện trên mẫu nước tiểu hoặc tăm bông lấy từ vị trí có khả năng bị nhiễm trùng.
  • Nhuộm gram tìm kiếm vi khuẩn lậu: Phương pháp xét nghiệm lậu này tìm kiếm một số loại tế bào đặc trưng của bệnh lậu (hình hạt cà phê, sắp thành từng cặp) dưới kính hiển vi. Thử nghiệm được thực hiện trên gạc niệu đạo và được sử dụng chủ yếu ở nam giới đang gặp các triệu chứng tiết niệu.
  • Nuôi cấy lậu cầu: Trong phương pháp này, người ta sử dụng dịch lấy từ âm đạo, trực tràng, cổ họng, mắt,… của người bệnh nghi ngờ và nuôi cấy để vi khuẩn lậu phát triển. Nuôi cấy lậu cầu không chỉ giúp chẩn đoán xác định bệnh mà còn giúp phát hiện tính nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh. Từ đó giúp lựa chọn kháng sinh thích hợp để điều trị.
Xét nghiệm lậu là phương pháp tìm kiếm bằng chứng có sự hiện diện của vi khuẩn lậu trong cơ thể
Xét nghiệm lậu là phương pháp tìm kiếm bằng chứng có sự hiện diện của vi khuẩn lậu trong cơ thể

2. Chỉ định của xét nghiệm lậu

Vì nhiều người bị nhiễm bệnh lậu mà không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào nên một số tổ chức y tế khuyến cáo sàng lọc bệnh lậu thường xuyên cho một số thanh thiếu niên và người lớn trong độ tuổi từ 15 đến 65, bao gồm:

  • Phụ nữ dưới 25 tuổi: Tất cả phụ nữ có hoạt động tình dục dưới 25 tuổi nên được sàng lọc bệnh lậu hàng năm.
  • Phụ nữ từ 25 tuổi trở lên: Phụ nữ từ 25 tuổi trở lên có các yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh lậu nên được sàng lọc hàng năm.
  • Phụ nữ mang thai: Vì bệnh lậu có thể truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở nên tất cả phụ nữ mang thai dưới 25 tuổi nên được xét nghiệm lậu. Phụ nữ mang thai từ 25 tuổi trở lên nên được sàng lọc nếu có nguy cơ nhiễm bệnh lậu.
  • Nam giới quan hệ tình dục đồng giới: Nên làm xét nghiệm lậu hàng năm hoặc cứ sau 3 đến 6 tháng nếu có nguy cơ mắc bệnh lậu cao hơn.
  • Người nhiễm HIV: Người bệnh HIV phải được kiểm tra bệnh lậu ít nhất một lần mỗi năm.
Xét nghiệm lậu được thực hiện để sàng lọc cho thiếu niên và người lớn có nguy cơ
Xét nghiệm lậu được thực hiện để sàng lọc cho thiếu niên và người lớn có nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến tần suất sàng lọc bệnh lậu bao gồm:

  • Một đối tác tình dục mới trong 60 ngày qua;
  • Nhiều bạn tình;
  • Từng mắc STD hoặc bạn tình gần đây đã được điều trị STD;
  • Dùng bao cao su không đúng cách, kích thước, …;
  • Quan hệ tình dục với gái mại dâm;
  • Gặp gỡ các đối tác ẩn danh từ internet;
  • Cư trú trong một cơ sở cải huấn hoặc trung tâm giam giữ vị thành niên;
  • Sử dụng ma túy.

Bất kỳ ai có dấu hiệu hoặc triệu chứng nghi ngờ nên được xét nghiệm lậu. Xét nghiệm này cũng nên được chỉ định khi bạn tình đã được chẩn đoán mắc bệnh. Dưới đây là các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng vi khuẩn lậu:

  • Đi tiểu đau;
  • Dịch niệu đạo có màu trắng, vàng hoặc xanh;
  • Đau ở tinh hoàn hoặc bìu;
  • Tăng tiết dịch âm đạo;
  • Chảy máu âm đạo bất thường;
  • Khó chịu ở hậu môn hoặc ngứa;
  • Đau nhức hậu môn hoặc chảy máu;
  • Đau khi đại tiện;
  • Đau họng.

Với bệnh nhân đang điều trị, nên được xét nghiệm lậu 3 tháng sau khi hoàn thành việc dùng kháng sinh.

3. Cách đọc kết quả xét nghiệm bệnh lậu

Cách đọc kết quả xét nghiệm lậu như thế nào là thắc mắc của  nhiều người sau khi làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm bệnh lậu được báo cáo là dương tính hoặc âm tính, cụ thể:

  • Dương tính: Kết quả này cho biết bạn bị nhiễm trùng vi khuẩn lậu hoạt động cần được điều trị, đồng thời bạn tình của bạn cũng nên được xét nghiệm lậu và điều trị. 
  • Âm tính: Kết quả xét nghiệm bệnh lậu âm tính có nghĩa là không có bằng chứng nhiễm trùng tại thời điểm xét nghiệm. Tùy thuộc vào loại xét nghiệm, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để một người bị nhiễm bệnh lậu cho kết quả dương tính. Vì lý do này, kết quả âm tính không loại trừ khả năng nhiễm bệnh lậu nếu xét nghiệm được thực hiện quá sớm sau khi có khả năng bị phơi nhiễm.

Nếu bạn có thắc mắc về kết quả xét nghiệm bệnh lậu của mình, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ và đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm về kết quả nhận được, ví dụ:

  • Xét nghiệm của bạn có kiểm tra bất kỳ STDs nào khác không?
  • Bạn có cần điều trị dựa trên kết quả xét nghiệm bệnh lậu không?
  • Làm thế nào để bạn có thể nói chuyện với bạn tình về bệnh lậu?
  • Khi nào bạn nên được kiểm tra STDs và tần suất như thế nào?

4. Xét nghiệm lậu được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm lậu thường được thực hiện tại các cơ sở y tế và trong các chương trình sàng lọc cộng động. Để xác định phương pháp xét nghiệm phù hợp nhất, bác sĩ sẽ hỏi về bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh lậu và các yếu tố rủi ro cá nhân như tiền sử tình dục và sức khỏe. Dưới đây là quy trình thực hiện xét  nghiệm lậu mà bạn có thể tham khảo:

  • Đối với phụ nữ: Mẫu xét nghiệm có thể được lấy từ cổ tử cung. Đối với quy trình này, người bệnh sẽ nằm ngửa trên bàn khám, gập đầu gối và đặt chân lên các giá đỡ. Kỹ thuật viên sẽ sử dụng một dụng cụ bằng nhựa hoặc kim loại gọi là mỏ vịt để mở âm đạo để có thể nhìn thấy cổ tử cung. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ sử dụng bàn chải mềm hoặc thìa nhựa để lấy mẫu.
  • Đối với nam giới: Kỹ thuật viên có thể lấy mẫu dịch bằng một miếng gạc từ lỗ niệu đạo.

Đối với cả nam và nữ, mẫu xét nghiệm có thể được lấy từ khu vực nghi ngờ nhiễm trùng, chẳng hạn như miệng hoặc trực tràng. Xét nghiệm nước tiểu cũng được sử dụng cho cả nam và nữ. Ngoài ra, một số xét nghiệm lậu có thể được thực hiện bằng bộ xét nghiệm STD tại nhà. 

Nếu được phát hiện bệnh sớm và điều trị tích cực, bệnh lậu có thể khỏi hoàn toàn và người bệnh vẫn có sức khỏe sinh sản bình thường. Tuy nhiên, vì tâm lý lo lắng, e ngại mà rất nhiều người bệnh từ chối xét nghiệm lậu, khiến bệnh tiến triển và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguồn: medlineplus.gov, healthlinkbc.ca.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Chỉ số HBsAg trong xét nghiệm máu thế nào là bình thường?

Chỉ số HBsAg trong xét nghiệm máu thế nào là bình thường?

Xét nghiệm RPR là gì?

Xét nghiệm RPR là gì?

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Các xét nghiệm máu kiểm tra tổng quát quan trọng bạn cần biết

Các xét nghiệm máu kiểm tra tổng quát quan trọng bạn cần biết

Xét nghiệm máu CA 19-9 là gì?

Xét nghiệm máu CA 19-9 là gì?

19416

Bài viết hữu ích?