Zalo

Bệnh phì đại tuyến tiền liệt có nguy hiểm không?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Phì đại tuyến tiền liệt là 1 chẩn đoán đề cập đến sự thay đổi kích thước và mô học của tuyến tiền liệt. Đây là 1 trong những bệnh phổ biến ở nam giới và tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng lớn. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh ở độ tuổi 40 là 8%, tỷ lệ này tăng lên 50% ở độ tuổi 50 và tăng đến 90% ở độ tuổi 90. Bệnh lý này gây nên triệu chứng đường tiểu dưới làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và là gánh nặng y tế hiện nay.

1. Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh gì?

Phì đại tuyến tiền liệt là 1 bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh lành tính cả tế bào biểu mô đệm và biểu mô tuyến trong vùng chuyển tiếp của tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo. Bình thường kích thước tuyến tiền liệt của người nam dao dộng từ 15 – 30 ml (hay từ 15 – 30 gram), khi kích thước lớn hơn 30 ml hay 30 gram thì được gọi là phì đại tuyến tiền liệt.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh phì đại tuyến tiền liệt 

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng phì đại của tuyến tiền liệt rất phức tạp và chưa được tìm hiểu tường tận. Một số nguyên nhân gây bệnh phì đại tuyến tiền liệt có thể kể đến như:

  • Quá trình viêm mạn tính: Bình thường, tuyến tiền liệt là nơi có thể tiếp xúc với nhiều mầm bệnh từ đường tiết niệu. Quá trình viêm được kích hoạt đồng thời giải phóng các chất viêm dẫn đến tình trạng viêm mạn tính và sự phì đại của tuyến tiền liệt ngày càng tăng.
  • Sự mất cân bằng hormone sinh dục: Nội tiết tố nam androgen từ tinh hoàn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của tuyến tiền liệt. Để phát huy tác dụng, các androgen phải trải qua một bước quan trọng là chuyển dạng testosterone thành dihydrotestosterone (DHT) dưới tác động của enzyme 5 alpha-reductase. DHT chiếm tới 90% tổng các androgen trong tinh hoàn và có ái tính với các thụ cảm thể androgen (AR) mạnh hơn testosterone gấp 9-10 lần. Mặc dù nồng độ testosterone trong máu sẽ giảm dần theo tuổi tác nhưng nồng độ DHT trong máu vẫn tăng cao theo tuổi dẫn đến tình trạng mất cân bằng nội tiết và gây phì đại tuyến tiền liệt.
  • Tuổi cao: Nhiều nghiên cứu cho thấy, có mối liên quan mật thiết giữa sự gia tăng tuổi tác với sự sản xuất quá mức của tuyến tiền liệt. Tốc độ tăng thể tích trung bình mỗi năm của tuyến tiền liệt là 0,6 ml hay 0,6 gram. Một nghiên cứu trên 2.867 nam giới trên 45 tuổi ở Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội cho thấy cứ 10 năm tuổi thì thể tích tuyến tiền liệt tăng lên 4,3 ml hay 4,3 gram. 
  • Mắc các bệnh lý về hội chứng chuyển hoá: Hội chứng chuyển hoá bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn dung nạp glucose, béo phì kiểu trung tâm và đái tháo đường. Người có hội chứng chuyển hoá có tổng thể tích tuyến tiền liệt cao hơn đáng kể so với những người không mắc bệnh chuyển hoá.
  • Suy giảm hormone sinh dục.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng phì đại tuyến tiền liệt 

3. Bệnh phì đại tuyến tiền liệt nguy hiểm thế nào?

Phì đại tuyến tiền liệt có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:

  • Tiểu nhiều lần trong 1 ngày, nhất là vào ban đêm.
  • Tiểu chậm, tiểu khó, tiểu ngắt quãng
  • Tiểu đột ngột và khó kiểm soát.
  • Cảm giác đau hoặc khó chịu khi tiểu
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt gây ra tình trạng tiểu nhiều lần 

Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các tình trạng sau: 

  • Viêm nhiễm đường tiết niệu: Phì đại tuyến tiền liệt có thể gây ra viêm nhiễm đường tiểu vì tuyến tiền liệt phình to làm cản trở dòng tiểu tiết ra ngoài. Điều này có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm đường tiểu và gây ra các triệu chứng như tiểu đau, tiểu nhiều lần và cảm giác tiểu không hoàn toàn.
  • Đau và viêm tuyến tiền liệt: Phì đại tuyến tiền liệt có thể gây ra viêm và đau trong tuyến tiền liệt. Tình trạng này được gọi là viêm tuyến tiền liệt (prostatitis), và nó có thể gây ra triệu chứng như đau âm ỉ ở vùng háng, đau khi tiểu và đau khi quan hệ tình dục.
  • Tạo sỏi đường tiết niệu: Khi dòng tiểu bị cản trở, các chất khoáng và protein có thể kết tủa lại thành các viên đá nhỏ trong tuyến tiền liệt. Đá tuyến tiền liệt có thể gây ra đau và khó chịu và cần phải được loại bỏ bằng các phương pháp điều trị phù hợp.
  • Tổn thương thận: Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, phì đại tuyến tiền liệt có thể gây ra bí tiểu và thâm chí hư tổn đến các cơ quan và chức năng thận, do việc cản trở dòng tiểu gây áp lực quá mức lên các bộ phận này.

4. Cách điều trị phì đại tuyến tiền liệt hiệu quả

  • Theo dõi định kỳ sức khoẻ: Đối với những trường hợp phì đại tuyến tiền liệt mức độ nhẹ và không gây ra triệu chứng quá nặng, bác sĩ có thể đề xuất theo dõi và tái khám theo hẹn. 
  • Thuốc trị liệu: Có 3 loại thuốc thông thường được sử dụng để điều trị phì đại tuyến tiền liệt: nhóm chẹn thủ thể giao cảm alpha, nhóm ức chế men 5 alpha-reductase và nhóm ức chế men phosphodiesterase.
  • Thay đổi thói quen sống: Giảm tiêu thụ đồ uống có cồn và caffeine, tránh uống nước trước khi đi ngủ, giảm tiêu thụ nước trước khi ra ngoài và tập luyện để cải thiện chức năng đường tiểu.
  • Phẫu thuật: Nếu phì đại tuyến tiền liệt gây ra triệu chứng nghiêm trọng và không phản ứng tốt với các phương pháp trên, phẫu thuật có thể được xem xét. 

Hy vọng thông qua bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh phì đại tuyến tiền liệt, biết cách nhận biết và phòng ngừa hiệu quả.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Võ Ngọc Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Những dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt nam giới nên quan tâm

Những dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt nam giới nên quan tâm

Nên ăn gì để tăng cơ mông nhanh?

Nên ăn gì để tăng cơ mông nhanh?

Ăn rau bina tăng cơ bắp như thế nào?

Ăn rau bina tăng cơ bắp như thế nào?

Tế bào gốc có thể biến thành xương và chất béo thế nào?

Tế bào gốc có thể biến thành xương và chất béo thế nào?

Cách kích thích tóc mọc nhiều cho người bị hói, rụng tóc

Cách kích thích tóc mọc nhiều cho người bị hói, rụng tóc

5

Bài viết hữu ích?