Zalo

Giảm mỡ nội tạng: Bước chuyển quan trọng trong cuộc chiến chống ung thư

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Những năm gần đây, ung thư đã và đang trở thành 1 trong những vấn đề sức khỏe quan trọng, cần được quan tâm nhiều trên toàn cầu. Các nghiên cứu khoa học ngày càng chứng minh rằng, mỡ nội tạng (visceral fat) có 1 mối quan hệ sâu sắc với nguy cơ mắc ung thư. Hiểu rõ về mối quan hệ này không chỉ giúp ta nhận thức được tầm quan trọng của việc hủy mỡ nội tạng mà còn đưa ra phương pháp phòng ngừa và điều trị ung thư 1 cách hiệu quả hơn.

1. Mỡ nội tạng kẻ giết người thầm lặng

Mỡ nội tạng là 1 dạng mỡ được tích tụ xung quanh các cơ quan nội tạng trong khoang bụng, ví dụ như gan, ruột non và buồng trứng. Mỡ tạng có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến cơ thể và sức khỏe con người. 

Không chỉ ảnh hưởng đến hình dáng và vẻ ngoài, mỡ nội tạng - kẻ giết người thầm lặng còn tác động lớn đến hệ thống cơ thể và chức năng quan trọng của các cơ quan, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa và hơn cả hết là ung thư.

mỡ nội tạng cao gây ung thư
Mỡ nội tạng cao gây ung thư

2. Mỡ nội tạng: Nguy cơ ung thư và cơ chế liên quan 

2.1. Viêm mạn tính

Một trong những cơ chế quan trọng liên quan đến mỡ nội tạng cao gây ung thư là quá trình viêm nhiễm mạn tính. Khi mỡ nội tạng tích lũy nhiều sẽ dẫn đến việc giải phóng quá nhiều các cytokine gây viêm như IL6 (Interleukin 6), TNF-α. Các cytokine này kích thích sự phân chia và tăng trưởng của tế bào ung thư, tạo điều kiện cho sự phát triển và lan rộng của khối u. Bên cạnh đó, cytokine cũng có thể góp phần vào quá trình hình thành mạch máu của khối u, cung cấp dưỡng chất và oxy cho tế bào ung thư và tạo điều kiện cho sự di căn của khối u sang các cơ quan khác. 

mỡ nội tạng cao gây ung thư
Mỡ nội tạng cao gây ung thư phụ thuộc nhiều yếu tố 

2.2. Insulin 

Mỡ nội tạng cũng có liên quan đến rối loạn chức năng trao đổi chất, làm tăng nguy cơ kháng insulin và tăng insulin máu. Insulin là một hormone có vai trò kích hoạt con đường tăng trưởng trong tế bào, chẳng hạn như con đường mTOR (mammalian target of rapamycin). 

Khi cơ thể trở nên đề kháng insulin, các tế bào không đáp ứng tốt với insulin và con đường tăng trưởng này bị gián đoạn. Điều này dẫn đến sự giảm nhạy cảm của tế bào với insulin và gây ra sự tăng insulin máu. Khi mức insulin máu cao, con đường mTOR có thể được kích hoạt quá mức trong các tế bào tiền ung thư, dẫn đến sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của khối u. Ngoài ra, đề kháng insulin có thể dẫn đến tăng cường hoạt động của hệ thống IGF (insulin-like growth factors), bao gồm IGF-1 và IGF-2. Chúng có khả năng thúc đẩy quá trình tăng sinh và phân chia tế bào, kể cả tế bào ung thư.

2.3. Adiponectin

 Adiponectin được xem như là một “thiên thần hộ mệnh” có khả năng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư. Adiponectin là một hormone được tiết ra mô mỡ trắng và ảnh hưởng tích cực lên sức khỏe, bao gồm tác động chống viêm nhiễm, tăng nhạy cảm insulin và hơn hết là ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy mỡ nội tạng tích tụ nhiều đã làm giảm khả năng sản xuất và bài tiết adiponectin, từ đó góp phần tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. 

2.4. Hormone giới tính

Liên hệ mật thiết giữa hormone giới tính, tình trạng thừa cân và bệnh ung thư đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lâm sàng. Đặc biệt, các loại ung thư phụ thuộc hormone như ung thư nội mạc tử cung, vú, tử cung. Sự thay đổi này xuất phát từ việc mỡ nội tạng tăng cường sản xuất estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh và testosterone ở nam giới.

Hormone giới tính không chỉ đơn thuần là "tác nhân điều hòa", nó còn đóng vai trò như một yếu tố kích thích mạnh mẽ cho sự phát triển của khối u. Chúng kích thích sự tăng trưởng của tế bào, tác động lên hệ thống miễn dịch và tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tế bào ung thư. Hậu quả là sự phát triển và tiến triển không thể kiểm soát của khối u trong cơ thể.

Tuy nhiên, việc mỡ nội tạng cao gây ung thư không chỉ phụ thuộc vào một yếu tố duy nhất mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố, cơ chế khác nhau, bao gồm di truyền, lối sống, môi trường sống.

3. Mỡ nội tạng và Ung thư: Chìa khóa giúp cải thiện chất lượng cuộc sống

Một trong những lợi ích của việc giảm mỡ nội tạng chính là giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư. Mỡ nội tạng tích tụ quanh các cơ quan có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng chính, rối loạn quá trình trao đổi chất gây tăng nguy cơ mắc bệnh và suy giảm chất lượng cuộc sống. 

3.1. Cách hủy mỡ nội tạng thông qua chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn lành mạnh và cân đối là 1 trong những yếu tố quan trọng trong việc hủy mỡ nội tạng từ đó dẫn đến giảm nguy cơ mắc ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thâm hụt calo hằng ngày và tăng cường bổ sung chất xơ có thể hỗ trợ giảm mỡ tạng. Vì thế, cần sử dụng đa dạng các loại rau củ, rau lá, ngũ cốc nguyên hạt, chất đạm và chất béo không bão hòa trong chế độ ăn hàng ngày để thúc đẩy quá trình này.  

3.2. Cách giảm mỡ nội tạng thông qua hoạt động thể chất

Tập luyện đều đặn là 1 phương pháp thiết yếu để hủy mỡ nội tạng. Các bài tập cardio và bài tập kháng trở cường độ cao có thể giúp đốt cháy mỡ nội tạng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực thể dục và thể thao để tìm ra chế độ tập luyện phù hợp với từng cá nhân và đạt được mục đích một cách tối ưu nhất có thể. 

3.3. Cách giảm mỡ nội tạng thông qua trạng thái tinh thần

Căng thẳng có thể tăng mức cortisol - một hormone có vai trò trong tích trữ mỡ trong cơ thể, bao gồm mỡ nội tạng. Hãy tìm hiểu các cách giảm căng thẳng như duy trì một giấc ngủ đủ, thực hiện các cách bài tập hay hoạt động tùy thuộc vào thể trạng từng cá nhân, ví dụ như yoga, mindfulness (tạm dịch là “sự chánh niệm” hay “sự thấu hiểu”).

Tóm lại, mỡ nội tạng có mối quan hệ mạnh mẽ với nguy cơ mắc ung thư. Không phụ thuộc vào một yếu tố duy nhất nào, tăng nguy cơ mắc ung thư do tích trữ quá nhiều mỡ nội tạng là do sự kết hợp của nhiều yếu tố cấu thành nên. Việc hủy mỡ nội tạng và duy trì một lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư và cải thiện chất lượng cuộc sống. Cần có sự phối hợp hỗ trợ của nhân viên y tế, bác sĩ trong việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng cân đối, chế độ vận động thể lực phù hợp với tình trạng thể chất mỗi người cũng như duy trì trạng thái tinh thần ổn định nhằm đạt được mục đích tối ưu nhất có thể. Trên thực tế, phát hiện và quản lý mỡ nội tạng là một trong những phương pháp giúp phòng ngừa và điều trị ung thư hiệu quả hơn.  

Tài liệu tham khảo

1. Maria D., Kalliope N., Christos S., (2012), The role of Adiponectin in Cancer: A Review of Current Evidence. Endocr Rev, 33(4): 547 - 594.

2. Sheetal P., Sumit S., (2019): Adiponectin, Obesity, and Cancer: Clash of the Bigwigs in Health and Disease. Int.J.Mol.Sci, 20(1): 2519 

3.  Andrea P., Mario P., Daniela B., (2019), Inflammation and Pancreatic Cancer: Focus on Metabolism, Cytokines, and Immunity. Int.J.Mol.Sci, 20(3): 676.

4. Florian R., Sergei I. (2019) Inflammation and Cancer: Triggers, Mechanism, and Consequences, Immunity Volume 51,Issue 1, tr 27 - 41.

5. Erika A., et al (2020), Visceral Obesity and Its Shared Role in Cancer and Cardiovascular Disease: A Scoping Review of the Pathophysiology and Pharmacological Treatments, Int J Mol Sci, 21(3): 9042.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Phạm Trần Thiên Nhân xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách giảm mỡ vùng cổ

Mỡ dưới da bình thường dày bao nhiêu?

Mỡ dưới da bình thường dày bao nhiêu?

Cách giảm mỡ nội tạng hiệu quả trong hành trình giảm cân

Cách giảm mỡ nội tạng hiệu quả trong hành trình giảm cân

Chỉ số mỡ nội tạng của nam và nữ: Chìa khóa bí ẩn cho sức khỏe và tuổi thọ

Chỉ số mỡ nội tạng của nam và nữ: Chìa khóa bí ẩn cho sức khỏe và tuổi thọ

6

Bài viết hữu ích?