Zalo

Xét nghiệm ion đồ là gì và ý nghĩa của nó

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Các chất điện giải, hay còn gọi là ion như Natri, Kali, Clo, … đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Xét nghiệm ion đồ là xét nghiệm máu để xác định tình trạng các chất điện giải, qua đó có thể nhận biết một số tình trạng sức khỏe, đặc biệt là các bệnh tim mạch.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1. Xét nghiệm ion đồ là gì?

Chất điện giải là các khoáng chất và dịch mang điện tích, có vai trò quan trọng trong cơ thể. Chúng giúp kiểm soát cân bằng dịch và kiềm toan. Đồng thời, các chất điện giải còn tham gia kiểm soát hoạt động thần kinh, cơ, nhịp tim và các chức năng sinh lý quan trọng khác. Các chất điện giải quan trọng trong cơ thể, gồm có:

  • Natri: Natri là ion chính của dịch ngoại bào, có vai trò cơ bản trong điều hòa cân bằng nước cũng như duy trì áp lực thẩm thấu máu, duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh và cơ bắp. Nồng độ ổn định của ion Natri là một yếu tố cơ bản để duy trì ổn định nội môi trong cơ thể. Natri được cơ thể hấp thu từ thức ăn hằng ngày, lượng dư thừa sẽ được bài tiết qua thận và mồ hôi.
  • Kali: Kali là chất điện giải chính chịu trách nhiệm điều chỉnh thăng bằng kiềm – toan, áp lực thẩm thấu và dẫn truyền thần kinh, cơ. Ion kali được đào thải chủ yếu qua nước tiểu.
  • Clo (Cl): Clo là ion chính của dịch ngoại bào, có vai trò duy trì tình trạng trung hòa điện tích và nó là một thành phần của hệ đệm tế bào. Ngoài ra, Clo hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa và tham gia duy trì áp lực thẩm thấu, cân bằng nước trong cơ thể.

Khi cơ thể bình thường, giữa 2 bên màng tế bào luôn có sự cân bằng điện tích. Điều này giúp quá trình trao đổi hóa học và các quá trình khác diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, khi có bất kỳ rối loạn nào làm thay đổi nồng độ các chất điện giải sẽ dẫn đến mất cân bằng dịch và kiềm toàn cũng như làm rối loạn các cơ chế sinh học khác.

Vậy xét nghiệm ion đồ là gì? Xét nghiệm ion đồ hay xét nghiệm điện giải đồ trong huyết thanh, là xét nghiệm đo mức độ của các chất điện giải trong cơ thể, đồng thời xem xét liệu cơ thể có bị rối loạn điện giải hay không.

Xét nghiệm điện giải đồ đo lường mức độ của các chất điện giải trong cơ thể

2. Xét nghiệm ion đồ để làm gì?

Xét nghiệm ion đồ để làm gì? Việc xác định nồng độ các chất điện giải giúp xác định hướng điều trị cũng như theo dõi, chẩn đoán một số vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, suy tim, suy thận, … Tùy thuộc vào tình trạng và triệu chứng lâm sàng của người bệnh, xét nghiệm điện giải đồ được sử dụng kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng khác hoặc thực hiện riêng lẻ. 

Ngoài ra, xét nghiệm ion đồ có thể được chỉ định để kiểm tra nồng độ ion trong trường hợp bạn được kê đơn một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển trong điều trị tăng huyết áp,… 

Xét nghiệm ion đồ để làm gì? Xét nghiệm ion đồ còn được sử dụng để tìm hiểu xem có sự mất cân bằng toan kiềm hay không (phạm vi pH máu động mạch bình thường là 7,35 đến 7,45). Điều trị mất cân bằng điện giải sẽ phụ thuộc vào chất điện giải nào bị mất cân bằng và mất bao nhiêu. Ví dụ, nếu bạn bị mất cân bằng natri, bạn có thể được khuyên nên giảm lượng muối ăn vào (nếu natri quá cao) hoặc giảm lượng chất lỏng (nếu natri quá thấp).

Đôi khi, xét nghiệm điện giải đồ được thực hiện trong quy trình khám sức khỏe định kỳ. 

3. Ý nghĩa của các chỉ số trong ion đồ là gì?

Khi cơ thể khỏe mạnh, nồng độ các chất điện giải luôn nằm trong một khoảng hằng định. Khi có những bất thường về nồng độ chất điện giải trong cơ thể có thể dẫn đến mất cân bằng về nội môi, mất cân bằng acid-base cũng như cân bằng dịch, làm rối loạn các hoạt động của cơ thể. Vậy ý nghĩa của ion đồ là gì?

3.1. Nồng độ Natri máu

Natri là ion ngoại bào, có nồng độ bình thường trong máu là 135 - 145 mmol/L. Các tình trạng bất thường về nồng độ Natri máu là:

  • Tăng Natri máu: Thường gặp khi người bệnh mất nước, truyền quá nhiều  dịch muối, chế độ ăn nhiều muối, đái tháo nhạt, cường cortisol, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, viêm khí phế quản, … Mức Natri trong máu tăng cao gây ra một số triệu chứng như khát nước, sụt cân, thiểu niệu, da nhão, tim đập nhanh, … thậm chí có thể dẫn đến mê sảng, hôn mê.
  • Giảm Natri máu: Các nguyên nhân khiến mức Natri máu giảm là nôn mửa, ỉa chảy, bỏng, thuốc lợi tiểu, truyền quá nhiều dịch không chứa chất điện giải, suy tim mất bù, xơ gan, suy thận, hội chứng thận hư, suy tuyến thượng thận, … Tình trạng giảm Natri máu có thể gây ra hoa mắt, giảm huyết áp, tăng nhịp tim, phù, phù não, thiểu niệu, niêm mạc khô, suy thận, co giật, sốc, hôn mê.

3.2. Nồng độ Kali máu

Nồng độ Kali bình thường trong máu là 3,5 – 4,4 mmol/l. Sự bất thường về nồng độ Kali sẽ gây ra  những rối loạn trong hoạt động dẫn truyền thần kinh, co cơ, hoạt động của enzyme và chức năng  màng tế bào, hoạt động của tim, … cụ thể:

  • Tăng Kali máu: Thường gặp trong các trường hợp suy thận, đái tháo đường, bệnh Addison, truyền quá nhiều dung dịch ưu trương, thiếu máu tan máu, tiêu cơ vân, … Tăng Kali máu sẽ gây ra một số triệu chứng như mệt mỏi, tiêu chảy, chướng bụng, liệt mềm, chậm nhịp tim, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến ngừng tim.
  • Giảm Kali máu: Thường gặp trong các trường hợp mất Kali qua đường tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy, mất quá nhiều mồ hôi, bỏng nặng, hẹp môn vị, hội chứng Cushing, cường Aldosterol, bệnh thận kẽ, ngộ độc Salicylate, … Người bệnh giảm Kali máu thường có triệu chứng mệt mỏi, phản xạ kém, yếu cơ, tiểu đêm, giảm nhu động ruột, …

3.3. Nồng độ Clo trong máu

Nồng độ Clo huyết thanh bình thường là từ 90 – 110 mmol/l. Các tình trạng rối loạn nồng độ Clo máu gồm có:

  • Tăng Clo máu: Thường gặp trong nhiễm toan chuyển hóa kết hợp với tiêu chảy kéo dài, bệnh ống thận, hội chứng Cushing, suy thận cấp, suy tim, kiềm hô hấp, thiếu máu, ỉa chảy, mất nước nặng, đái tháo nhạt,…
  • Giảm Clo máu: Là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân nhiễm trùng cấp, bỏng, nôn mửa, hẹp môn vị, tiêu chảy, mất nhiều mồ hôi, suy thận mạn, dùng thuốc lợi tiểu, bệnh Addison, …

4. Cách thực hiện xét nghiệm ion đồ

Xét nghiệm ion đồ là xét nghiệm thường quy thường được chỉ định khi người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ của tình trạng rối loạn điện giải, ví dụ như mất nước, rối loạn nhịp tim,… Ngoài ra, với những bệnh nhân đã có bệnh lý đã biết và có biểu hiện lú lẫn, yếu liệt, phù nề, buồn nôn, rối loạn nhịp tim,… thì xét nghiệm điện giải đồ được chỉ định để đánh giá tình trạng cấp tính hay mãn tính hoặc ảnh hưởng của thuốc. Vậy xét nghiệm điện giải đồ được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm điện giải đồ nhằm mục đích định lượng nồng độ các chất điện giải và được thực hiện với mẫu máu của người bệnh. Do đó, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm này. Trong quá trình làm xét nghiệm, một số loại thực phẩm hoặc thuốc điều trị có thể được yêu cầu ngưng sử dụng nếu như chúng có ảnh hưởng đến mức điện giải trong cơ thể.

Xét nghiệm điện giải đồ được thực hiện với mẫu máu của người bệnh

Nếu kết quả xét nghiệm điện giải đồ của bạn không ở mức bình thường, điều đó không đồng nghĩa với việc là bạn có vấn đề y tế cần điều trị. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ các chất điện giải như uống nhiều chất lỏng, nôn mửa, tiêu chảy, thuốc điều trị, … Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng khi nhận được kết quả điện giải đồ bất thường.

Nguồn:

  • https://nhs.uk
  • https://medlineplus.gov

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Xét nghiệm chloride là gì?

Xét nghiệm chloride là gì?

Lợi ích của đồ uống điện giải đối với quá trình hydrat hóa

Lợi ích của đồ uống điện giải đối với quá trình hydrat hóa

Chất điện giải dạng bột có phải là giải pháp tốt cho quá trình hydrat hóa không?

Chất điện giải dạng bột có phải là giải pháp tốt cho quá trình hydrat hóa không?

Cách kiểm tra bệnh thận

Cách kiểm tra bệnh thận

Xét nghiệm kiểm tra CMP và BMP

Xét nghiệm kiểm tra CMP và BMP

603

Bài viết hữu ích?