Zalo

Vì sao lạc nội mạc tử cung gây tăng cân?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý nguy hiểm ở nữ giới, khiến phụ nữ khó mang thai, thậm chí vô sinh nếu không sớm điều trị. Bên cạnh triệu chứng đau vùng chậu khá phổ biến, tăng cân là 1 trong những biểu hiện không thường quy được các bác sĩ báo cáo ở bệnh nhân mắc lạc nội mạc tử cung. Vậy tại sao lạc nội mạc tử cung gây tăng cân? Làm thế nào để kiểm soát cân nặng khi mắc căn bệnh này? Cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết sau đây!

1. Lạc nội mạc tử cung là gì? Lạc nội mạc tử cung hậu quả như thế nào?

“Nội mạc tử cung” là thuật ngữ y học chỉ lớp mô lót bên trong lòng tử cung. Bình thường, lớp niêm mạc này sẽ phát triển và tăng sinh để tạo điều kiện cho trứng làm tổ sau khi thụ tinh. Tuy nhiên, nếu trứng không được thụ tinh, lớp niêm mạc này sẽ bong ra dẫn đến tình trạng chảy máu (còn gọi là hiện tượng kinh nguyệt hàng tháng ở nữ giới). 

Khi các mô nội mạc phát triển bên ngoài tử cung (tại những khu vực như buồng trứng, ống dẫn trứng, ruột và các cơ quan khác vùng chậu), hiện tượng đó gọi là lạc nội mạc tử cung. Đây là căn bệnh nguy hiểm do các tế bào nội mạc dưới tác dụng của hormone có thể sưng lên và chảy máu (tương tự như hiện tượng kinh nguyệt xảy ra ở lòng tử cung). Tình trạng này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như: 

  • Hình thành cục huyết khối trong buồng trứng dẫn đến tắc ống dẫn trứng. 
  • Viêm buồng trứng, đau bụng dữ dội khi hành kinh.
  • Hình thành mô sẹo gây đau vùng chậu và giảm khả năng thụ thai. 
  • Các triệu chứng tại ruột và bàng quang (khó tiêu, chướng bụng, bí tiểu hoặc tiểu không kiểm soát).

Theo thống kê, hiện có đến 7 triệu phụ nữ Hoa Kỳ bị lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Tùy vào cơ địa và mức độ bệnh mà triệu chứng lạc nội mạc tử cung sẽ biểu hiện khác nhau. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm: Đau khi hành kinh, chảy máu bất thường giữa chu kỳ, đầy bụng, khô âm đạo,...

Tăng cân có thể không phải là triệu chứng trực tiếp của lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, các rối loạn nội tiết và tác dụng phụ của quá trình điều trị bệnh có thể gián tiếp gây nên tình trạng này. Một số bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung xác nhận họ tăng cân và thay đổi vóc dáng cơ thể (theo nghiên cứu năm 2014). Trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại cho thấy, triệu chứng đau và buồn nôn do lạc nội mạc tử cung gây nên khiến họ hạn chế ăn uống, từ đó dẫn đến tình trạng giảm cân

Lạc nội mạc tử cung có thể gây tăng hoặc giảm cân

2. Vì sao lạc nội mạc tử cung gây tăng cân?

Theo các chuyên gia, có 6 lý do dẫn đến tình trạng tăng cân khi bị lạc nội mạc tử cung như sau: 

2.1. Lạc nội mạc tử cung gây đầy hơi và giữ nước trong mô

Đầy hơi và giữ nước trong mô là triệu chứng phổ biến ở các bệnh nhân mắc lạc nội mạc tử cung. Tình trạng đầy hơi có thể làm cân nặng thay đổi, khiến ngoại hình bạn trông nặng nề hơn. Một số bệnh nhân bị đầy hơi thường xuyên có thể tăng đến 10 kg/năm.

Ngoài ra, sự phát triển của tế bào nội mạc tử cung tại các cơ quan khác như ruột, bàng quang,...có thể gây viêm, dẫn đến đầy hơi, táo bón cùng nhiều triệu chứng trên đường tiêu hóa khác. Tình trạng này có thể góp phần làm thay đổi cân nặng của người bệnh. 

2.2. Rối loạn nội tiết tố

Tiến triển của bệnh lạc nội mạc tử cung phụ thuộc vào nồng độ estrogen trong cơ thể. Cụ thể, nồng độ estrogen càng cao, mức độ bệnh càng trở nên nghiêm trọng. Bởi lẽ, estrogen chịu trách nhiệm cho sự tăng sinh nội mạc tử cung theo chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của nữ giới. 

Nồng độ estrogen cao có thể gây ra các triệu chứng như đầy bụng, đau ngực và kinh nguyệt không đều. Sự dao động nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến tình trạng tăng cân, tích tụ mỡ ở bụng và đùi. 

2.3. Sử dụng thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, các phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung gây tăng cân do tác động đến quá trình tổng hợp nội tiết tố trong cơ thể. Các thuốc này làm chậm sự phát triển của tế bào nội mạc, ngăn chúng liên kết với những bộ phận khác trong cơ thể. Do đó, khi dùng thuốc, người bệnh có thể thấy chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và các triệu chứng diễn ra trong chu kỳ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. 

Các thuốc nội tiết tố được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung phổ biến hiện nay là thuốc tránh thai, đặt vòng âm đạo hoặc dụng cụ tử cung (DCTC). Một số nghiên cứu cho thấy, điều trị lạc nội mạc tử cung bằng viên tránh thai kết hợp có chứa estrogen tổng hợp và progestin, hoặc đơn trị bằng progestin có thể dẫn đến tăng cân. Một số trường hợp bệnh nhân ghi nhận tình trạng đầy hơi, khó tiêu - góp phần làm tăng cân ở người bệnh. 

Gần đây nhất, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, diestrogen (Visanne) - một loại progestin dạng uống có thể dẫn đến tăng cân và xuất huyết âm đạo ở người bệnh. Bên cạnh đó, dạng thuốc tiêm chỉ chứa progestin như Depo-Provera cũng có thể gây tăng cân, đầy hơi. 

Tác dụng phụ của thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung có thể gây tăng cân

2.3. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung là một trong những phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung. Đây được xem là giải pháp cuối cùng để điều trị trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với các phương pháp khác. 

Trong quá trình phẫu thuật, các cơ quan sinh sản như buồng trứng, cổ tử cung,...có thể bị cắt bỏ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh do cơ thể thiếu hormone estrogen và progesterone từ buồng trứng tiết ra. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như bốc hỏa, khó ngủ, khô âm đạo, tăng cân, chậm chuyển hóa,.... 

2.4. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) gây ra các triệu chứng tương tự như lạc nội mạc tử cung. Bệnh xuất hiện do mất cân bằng nội tiết tố, với các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, tăng cân không rõ nguyên nhân, rậm lông ở nữ giới, khó mang thai, kháng insulin hoặc đái tháo đường,...

PCOS gây tăng cân chủ yếu do tình trạng kháng insulin và bất thường trong chuyển hóa các chất. Những người bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ cao cũng mắc PCOS. Do đó, phụ nữ cần thực hiện tầm soát hai bệnh này nếu xuất hiện triệu chứng kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, khó thụ thai,...

2.5. Đau mãn tính 

Những cơn đau kéo dài là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lạc nội mạc tử cung. Cảm giác đau đớn khiến người bệnh khó khăn. mệt mỏi trong việc hoạt động thể chất. Về lâu dài, ít vận động có thể dẫn đến tăng cân nhanh ở người bệnh theo thời gian.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, tình trạng đau kéo dài có thể gây nên trầm cảm cho người bệnh. Bệnh nhân trầm cảm thường có xu hướng ăn uống mất kiểm soát (ăn quá nhiều hoặc quá ít), không vận động thể lực, stress,...khiến cân nặng gia tăng nhanh chóng. Ngoài ra, một số thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau hiện nay cũng gây tác dụng phụ là tăng cân cho người sử dụng. 

Song song với đó, những cơn đau cũng khiến bệnh nhân khó ngủ, ngủ không sâu giấc, chất lượng giấc ngủ kém. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc thiếu ngủ với BMI cơ thể. Theo đó, tình trạng thiếu ngủ càng trầm trọng, chỉ số BMI sẽ càng tăng - cảnh báo nguy cơ tăng cân và béo phì của người bệnh ngày càng cao.  

Tình trạng khó ngủ, mất ngủ triền miên khiến cơ thể dễ tăng cân

3. Làm gì khi bị lạc nội mạc tử cung kèm tăng cân?  

Vậy làm thế nào để kiểm soát cân nặng hiệu quả khi bị lạc nội mạc tử cung? Đây chắc hẳn là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Hiện nay, các nghiên cứu về việc giảm cân ở nhóm đối tượng này còn khá hạn chế. Tuy nhiên, một số chuyên gia dinh dưỡng cho biết, người bệnh lạc nội mạc tử cung có thể giảm cân thông qua chế độ ăn uống lành mạnh hoặc các biện pháp ăn kiêng đặc biệt, kết hợp với hoạt động thể chất. Cụ thể như sau: 

3.1. Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng

Những thực phẩm bạn nạp vào cơ thể mỗi ngày sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cân nặng của bạn. Do đó, hãy ưu tiên lựa chọn các thực phẩm nguyên chất chưa qua chế biến, giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau lá xanh đậm,...giúp giảm viêm và ngăn ngừa táo bón.

Các loại thực phẩm lành mạnh khác như sữa ít béo, protein nạc và omega-3 (cá hồi, cá thu, dầu hạt lanh, hạt chia, quả óc chó) cũng được khuyến khích thêm vào chế độ ăn uống. Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn giàu acid béo omega-3 giúp người bệnh giảm nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung, so với chế độ ăn giàu chất béo chuyển hóa (thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán, bơ thực vật, bánh ngọt,...).

Bên cạnh đó, chế độ ăn ít FODMAP (oligosacharide lên men, disaccharide, monosaccharide và polyol) có thể giúp giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng nhờ hạn chế hấp thu các loại carbohydrate khó tiêu hóa. Theo đó, với FODMAP, người bệnh nên loại bỏ thịt đỏ, gluten, sữa, rượu và cafein ra khỏi chế độ ăn hàng ngày. 

Ngoài ra, một số mẹo nhỏ giúp bạn ăn uống lành mạnh hơn mà bạn có thể áp dụng như: 

  • Ưu tiên chế biến thực phẩm bằng cách luộc, nướng (trong lò nướng hoặc trực tiếp trên lửa), áp chảo,...
  • Đọc kỹ thông tin về hàm lượng muối, đường và chất béo trước khi mua thực phẩm đóng gói. 
  • Mang theo đồ ăn nhẹ bên người để hạn chế mua thức ăn nhanh mỗi khi ra đường. 
  • Tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ điều trị để thiết kế thực đơn ăn uống phù hợp với mong muốn của bạn. 
Một chế độ ăn uống cân bằng là chìa khóa duy trì cân nặng hiệu quả

3.2. Tăng cường hoạt động thể chất

Tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh mà bệnh nhân có thể lựa chọn chế độ tập luyện phù hợp. Theo đó, người trưởng thành nên tập luyện 150 - 300 phút bài tập vừa phải và 75 - 150 phút bài tập cường độ cao mỗi tuần. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến khích người bệnh tập kháng lực ít nhất 2 ngày mỗi tuần. 

Bài tập thể dục mức độ vừa phảiBài tập thể dục cường độ cao
Đi dạoKhiêu vũĐi bộ đường dàiChạy bộ Đạp xeBơi lội

Thời gian đầu, người bệnh nên khởi động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ. Sau đó, tăng dần quãng đường đi bộ theo thời gian và kết hợp tập luyện xen kẽ với các công việc khác trong ngày. Đồng thời, người bệnh phải theo dõi và quan sát các biểu hiện của cơ thể để điều chỉnh chế độ tập luyện cho phù hợp. 

3.3. Một số phương pháp khác 

Như đã đề cập ở mục trên, việc sử dụng thuốc nội tiết hay phẫu thuật cắt bỏ tử cung để điều trị bệnh có thể gây tăng cân. Nếu bạn lo lắng về điều này, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để cân nhắc và thay đổi phương pháp phù hợp. 

Nếu cơn đau bụng kinh trở nên trầm trọng, bạn có thể dùng thuốc giảm đau (khi cần) như Ibuprofen hay Naproxen. Thay đổi lối sống cũng góp phần tích cực vào việc giảm cân và điều trị lạc nội mạc tử cung (ví dụ như tắm nước ấm giúp giảm đau nhức và chuột rút). Hãy ghi nhận lại các triệu chứng và thông báo cho bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp. Tóm lại, lạc nội mạc tử cung là căn bệnh mạn tính gây đau và xuất huyết bất thường. Bệnh có thể gây tăng cân do đầy hơi, giữ nước, rối loạn nội tiết tố hoặc do tác dụng phụ của thuốc điều trị. Một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, kết hợp với tập luyện thể dục thể thao điều độ có thể giúp người bệnh duy trì cân nặng và hạn chế tăng cân. Bệnh nhân phải thông báo ngay cho bác sĩ nếu lạc nội mạc tử cung gây tăng cân mất kiểm soát để có hướng điều trị phù hợp.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
xem thêm
Tăng cân có ảnh hưởng đến kinh nguyệt?

Tăng cân có ảnh hưởng đến kinh nguyệt?

Ăn bơ với sữa chua giảm cân tốt không?

Ăn bơ với sữa chua giảm cân tốt không?

Các cách để không tăng cân trở lại ở người từng bị béo phì

Các cách để không tăng cân trở lại ở người từng bị béo phì

Ăn quả bơ giảm cân hay tăng cân?

Ăn quả bơ giảm cân hay tăng cân?

Uống thuốc nội tiết có làm tăng cân không? Làm sao để kiểm soát?

Uống thuốc nội tiết có làm tăng cân không? Làm sao để kiểm soát?

108

Bài viết hữu ích?