Zalo

Hướng dẫn xử trí trẻ co giật tại nhà

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Co giật là cơn kịch phát với các thay đổi triệu chứng thần kinh về tư thế, vận động, cảm giác và tâm thần, dẫn tới co thắt, co cứng cơ bắp không kiểm soát được và thay đổi nhận thức. Trẻ co giật xảy ra do hiện tượng phóng điện bất thường của các tế bào thần kinh vỏ não. Đây là một cấp cứu thần kinh thường gặp nhất ở trẻ em.

1. Nguyên nhân gây co giật 

Nguyên nhân thường gặp nhất là sốt cao co giật (thường ở trẻ nhỏ từ 6 – 60 tháng tuổi), ngoài ra còn có các bệnh lý khác như nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương (viêm não, viêm màng não, áp xe não…), chấn thương đầu, hạ đường huyết, rối loạn điện giải hoặc động kinh…

2. Biến chứng của co giật

Trẻ co giật nếu không cấp cứu kịp thời có thể xảy ra biến chứng như:

  • Giảm oxy máu, thiếu oxy não và tắc nghẽn đường thở gây tử vong. 
  • Do đó cấp cứu ban đầu rất quan trọng khi trẻ có cơn giật tại nhà.
Trẻ co giật nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong 

3. Những điều nên làm khi trẻ co giật

Khi thấy trẻ co giật, cha mẹ nên:

  • Đặt trẻ nằm nơi rộng rãi, thoáng, an toàn, đầu bằng lót gối mỏng, tránh xa môi trường nguy hiểm như xung quanh có vật sắc nhọn, cháy nổ và vũng nước…
  • Xoay trẻ nằm nghiêng một bên để tránh hít sặc chất tiết do trẻ ói hoặc tăng tiết đàm nhớt gây tắc nghẽn đường hô hấp. Vỗ lưng và lau các dịch tiết nếu có.
  • Tư thế nằm nghiêng an toàn:
  • (1) Với trẻ nằm ngửa, quỳ trên sàn và ngay bên cạnh trẻ, mở rộng cánh tay gần nhất tạo một góc vuông với cơ thể, lòng bàn tay hướng lên trên
  • (2) Nắm lấy cánh tay còn lại và gập sao cho mu bàn tay tựa vào má bên đối diện và giữ cố định. Uốn cong đầu gối phía xa với người cấp cứu tạo thành một góc vuông, cẩn thận lăn người nằm nghiêng sang một bên bằng cách kéo đầu gối cong về phía người cấp cứu.
  • (3) Ngửa cổ nhẹ nhàng để thông đường thở, kiểm tra có vật gì chặn đường thở không.
  • (4) Ở lại theo dõi trẻ cho đến khi có sự trợ giúp.
  • Cần nới lỏng quần áo hoặc khăn quàng cổ. 
  • Lau mát và nhét thuốc hạ sốt đường hậu môn (Paracetamol liều 10 – 15 mg/ kg/ lần) nếu trẻ có sốt. 
  • Ghi hình (quay video) cơn co giật và ghi nhận thời gian co giật (nếu được). 
Cần chỉnh lại tư thế nằm khi phát hiện trẻ co giật

4. Những điều không nên làm khi trẻ co giật

Một số điều không nên làm khi thấy trẻ co giật chính là:

  • Để trẻ 1 mình hoặc tụ tập quá đông quanh trẻ. 
  • Di chuyển hoặc đặt trẻ vào bồn tắm khi đang co giật. 
  • Đè giữ trẻ hoặc cố gắng kiềm chế cơn co giật.
  • Nạy răng trẻ, cố gắng móc họng, hay giữ lưỡi trẻ.
  • Nặn chanh, đổ nước sả, đưa ngón tay hoặc bất cứ vật gì (đũa, vật cứng, khăn…) vào miệng trẻ. 
  • Cho trẻ ăn uống khi trẻ chưa tỉnh táo hoàn toàn. 

Sau các xử trí ban đầu, cần nhập viện cho trẻ trong các trường hợp:

  • Tất cả trẻ co giật lần đầu nên nhập viện để theo dõi và tìm nguyên nhân.
  • Cơn co giật kéo dài trên 5 phút hay có cơn co giật lặp lại trong vòng vài phút
  • Những trẻ đã từng co giật, nên nhập viện nếu trẻ có tình trạng nặng chưa tỉnh táo, ngưng thở, da xanh tím, xuất hiện thêm cơn co giật khác, chấn thương khi co giật
  • Cần theo dõi sự phát triển tâm thần vận động của trẻ và lưu giữ các kết quả liên quan đến bệnh của trẻ.

Hy vọng thông qua bài viết đã giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức về tình trạng co giật ở trẻ và biết cách xử trí trong trường hợp cần thiết.

Tài liệu tham khảo: uptodate.com, www.nhs.uk

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Võ Ngọc Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em: Một vấn đề cần được quan tâm

Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em: Một vấn đề cần được quan tâm

8

Bài viết hữu ích?