Zalo

Vitamin b12 được hấp thu ở đâu trong cơ thể?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Vitamin B12 là một trong 8 loại vitamin nhóm B tan trong nước với nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể người. Tình trạng thiếu hụt B12 hiện nay không hiếm gặp, chủ yếu là do suy giảm khả năng hấp thu. Vì vậy, rất nhiều người đặt ra câu hỏi vitamin B12 được hấp thu ở đâu nhằm tìm ra giải pháp để tăng cường hấp thu loại vitamin này.

1. Vitamin B12 hấp thu ở đâu?

Trước khi tìm hiểu về câu hỏi vitamin B12 được hấp thu ở đâu, chúng ta cần biết vitamin B12 là gì và có tác động thế nào đến cơ thể. B12 là một trong 8 loại vitamin nhóm B với vai trò duy trì sự khỏe mạnh cho tế bào máu và tế bào thần kinh, đồng thời góp phần tạo ra ADN (vật liệu di truyền của tất cả các tế bào trong cơ thể người). Ngoài ra, B12 hỗ trợ ngăn ngừa bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ - một bệnh lý hệ tạo máu gây mệt mỏi kéo dài ở rất nhiều người.

B12 là một trong 8 loại vitamin nhóm B

Các nhà khoa học vẫn đang thực hiện các nghiên cứu khác nhau để xác định chính xác vitamin B12 ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, có thể bao gồm:

  • Ung thư: Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người có hàm lượng vitamin B12 trong cơ thể ở mức cao có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn người bình thường. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác lại cho thấy nguy cơ ung thư lại cao hơn ở những người bị thiếu hụt vitamin B12 hoặc B12 không liên quan đến nguy cơ ung thư. Để khẳng định vấn đề này, chúng ta sẽ cần thêm các nghiên cứu trong tương lai;
  • Bệnh tim mạch và đột quỵ: Bổ sung vitamin B12 cùng với các vitamin nhóm khác được cho là sẽ làm giảm đi nồng độ homocysteine ​​trong máu. Đây là chất có liên quan chặt chẽ đến việc tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Tuy nhiên, tác dụng làm giảm nồng độ homocysteine của vitamin B12 theo các nghiên cứu lại không hỗ trợ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch hoặc đột quỵ;
  • Chứng mất trí nhớ và suy giảm khả năng nhận thức: Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy, thiếu hụt vitamin B12 không ảnh hưởng đến nguy cơ suy giảm nhận thức ở người cao tuổi, bất kể họ đã mắc phải chứng mất trí nhớ hay Alzheimer;
  • Nhà máy sản xuất năng lượng và sức bền: Nhiều người cho rằng việc bổ sung vitamin B12 sẽ làm tăng năng lượng, tăng hiệu suất hoạt động thể thao và tăng sức bền. Tuy nhiên thực tế cho thấy loại vitamin này không mang lại những lợi ích kể trên ở những người được bổ sung đủ B12 thông qua chế độ dinh dưỡng.

Trên thực tế có một số người gặp khó khăn trong việc hấp thu vitamin B12. Vậy vitamin B12 hấp thu ở đâu? Theo đó, cơ thể người hấp thu vitamin B12 theo một quy trình gồm 2 bước. Ở bước đầu tiên, Acid Clohydric trong dịch dạ dày sẽ phân tách B12 ra khỏi protein mà nó đã liên kết. Ở bước thứ hai, lượng vitamin B12 đã được giải phóng sẽ kết hợp với một loại protein khác do dạ dày sản xuất, được gọi là yếu tố nội tại, và cơ thể sẽ hấp thu vitamin B12 ở dạng liên kết này tại ruột non, trong đó chủ yếu là ở đoạn hồi tràng. Với các sản phẩm bổ sung, B12 không gắn với protein nên sẽ không cần bước đầu tiên, tuy nhiên bắt buộc nó phải kết hợp với yếu tố nội tại ở bước thứ hai thì mới được hấp thu. 

Đặc điểm hấp thu của vitamin B12 sẽ ảnh hưởng đến một số đối tượng đặc biệt, như người mắc bệnh thiếu máu ác tính (một căn bệnh tự miễn) không có khả năng tạo ra yếu tố nội tại. Thống kê cho thấy thiếu vitamin B12 ảnh hưởng đến 3-43% người cao tuổi, và bác sĩ có thể xét nghiệm hàm lượng vitamin B12 trong máu để xác định có bị thiếu hụt hay không.

Cơ thể sẽ hấp thu vitamin B12 ở dạng liên kết tại ruột non

Một số nhóm đối tượng sau đây có thể không nhận đủ hoặc gặp khó khăn trong việc hấp thu vitamin B12:

  • Người cao tuổi bị suy giảm khả năng bài tiết Acid Clohydric trong dịch dạ dày, do đó khả năng hấp thu vitamin B12 sụt giảm đáng kể. Do đó người trên 50 tuổi được khuyến cáo nên được bổ sung hầu hết nhu cầu vitamin B12 từ các sản phẩm bổ sung bên ngoài thay vì từ thực phẩm;
  • Người mắc bệnh viêm teo dạ dày có thể không hấp thu vitamin B12 đủ nhu cầu vì dạ dày sản xuất quá ít dịch acid và yếu tố nội tại;
  • Người mắc bệnh thiếu máu ác tính không còn khả năng sản xuất yếu tố nội tại để hấp thu vitamin B12, dẫn đến việc gặp khó khăn trong việc bổ sung B12 từ thực phẩm lẫn sản phẩm bổ sung;
  • Người đã phẫu thuật dạ dày hoặc đường ruột (ví dụ phẫu thuật giảm cân hoặc mổ bán phần hoặc toàn bộ dạ dày vì nguyên nhân bệnh lý) có thể không sản xuất đủ dịch acid và yếu tố nội tại để hấp thu vitamin B12;
  • Những bệnh nhân mắc các bệnh gây rối loạn chức năng dạ dày ruột, chẳng hạn như bệnh Celiac hoặc Crohn;
  • Người tiêu thụ ít hoặc không ăn thực phẩm từ động vật, chẳng hạn như ăn chay, có thể không nhận đủ lượng vitamin B12 nhu cầu từ chế độ ăn uống.

2. Làm thế nào để tăng khả năng hấp thu vitamin B12?

Sau khi giải đáp thắc mắc vitamin B12 được hấp thu ở đâu, vấn đề tiếp theo cần chú ý là cần làm gì để tăng cường bổ sung loại vitamin quan trọng này. Để đảm bảo bổ sung đủ vitamin B12, việc đầu tiên cần làm là tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu B12, đặc biệt là thực phẩm từ động vật và bổ sung thêm thông qua các sản phẩm tăng cường. Bạn có thể nhận đủ lượng vitamin B12 khuyến nghị bằng cách tiêu thụ nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm:

  • Cá, thịt, gia cầm, trứng, sữa/các sản phẩm từ sữa;
  • Nghêu và gan bò là một trong những nguồn cung cấp dồi dào của vitamin B12;
  • Một số loại ngũ cốc, men dinh dưỡng và các sản phẩm bổ sung.

Vitamin B12 có thể được bổ sung thông qua các sản phẩm đa vitamin tổng hợp, sản phẩm phức hợp vitamin nhóm B và sản phẩm chỉ chứa vitamin B12. Trong các sản phẩm này, B12 tồn tại ở dạng Cyanocobalamin, bên cạnh đó B12 còn tồn tại ở một số dạng phổ biến khác như Adenosylcobalamin, Methylcobalamin và Hydroxocobalamin. Hàm lượng vitamin B12 trong các sản phẩm bổ sung rất khác nhau. Một số có hàm lượng vitamin B12 cao hơn nhiều so với nhu cầu khuyến nghị, chẳng hạn như 500 hoặc 1.000mcg, tuy nhiên cơ thể chỉ hấp thu được một tỷ lệ nhỏ. Quan trọng là hàm lượng này vẫn đảm bảo an toàn. Cơ thể người có khả năng dự trữ B12 gấp 1.000 đến 2.000 lần lượng bổ sung trong một ngày, vì vậy các biểu hiện của thiếu hụt có thể mất vài năm mới xuất hiện. 

Người bị thiếu vitamin B12 thường sẽ dễ mệt mỏi hoặc yếu ớt do thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ. Một số dấu hiệu khác có thể có như da niêm nhợt nhạt, nhịp tim nhanh, chán ăn, sụt cân và vô sinh. Bàn tay và bàn chân có thể tê hoặc ngứa ran do ảnh hưởng chức năng thần kinh, bên cạnh đó là một số khác như gặp vấn đề về khả năng thăng bằng, trầm cảm, lú lẫn, mất trí nhớ, đau miệng hoặc lưỡi.

Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hấp thu vitamin B12 là tương tác thuốc. Các sản phẩm bổ sung B12 có thể tương tác với một số loại thuốc, ví dụ như:

  • Thuốc ức chế tiết acid dạ dày: Bác sĩ chỉ định các nhóm thuốc ức chế tiết acid dạ dày nhằm điều trị một số bệnh lý như bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên các nhóm thuốc này lại cản trở quá trình hấp thu vitamin B12 từ thức ăn. Các nhóm thuốc ức chế acid dạ dày phổ biến gồm có Omeprazole, Lansoprazole, Cimetidine và Ranitidine;
  • Metformin được sử dụng phổ biến để điều trị tiền đái tháo đường và đái tháo đường thật sự. Metformin làm giảm hấp thu vitamin B12, do đó đến đến suy giảm nồng độ vitamin B12 trong máu.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn vitamin B12 được hấp thu ở đâu để lên kế hoạch bổ sung hiệu quả giúp nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Để bổ sung đúng hàm lượng vitamin nói chung và vitamin B12 nói riêng bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám, làm các xét nghiệm vi chất. Sau khi có kết quả bác sĩ sẽ tư vấn liệu trình bổ sung và cách thức bổ sung phù hợp.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Các dấu hiệu thiếu vitamin B2 ở người lớn

Các dấu hiệu thiếu vitamin B2 ở người lớn

Bổ sung vitamin B12 có tác dụng gì cho da?

Bổ sung vitamin B12 có tác dụng gì cho da?

Vitamin B12 có trong trái cây nào?

Vitamin B12 có trong trái cây nào?

Thiếu vitamin B3 gây bệnh gì cho cơ thể?

Thiếu vitamin B3 gây bệnh gì cho cơ thể?

Uống vitamin b12 vào lúc nào là tốt nhất?

Uống vitamin b12 vào lúc nào là tốt nhất?

151

Bài viết hữu ích?