Zalo

Những loại thuốc giảm cholesterol xấu (LDL)

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Nếu bạn có nồng độ cholesterol xấu LDL trong máu cao, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc bên cạnh việc thay đổi lối sống để kiểm soát tối ưu. Vậy các thuốc giảm cholesterol xấu LDL bao gồm những loại nào?

1. Thuốc giảm cholesterol xấu LDL

Khi được chẩn đoán tăng cholesterol máu, điều đầu tiên bạn cần làm là thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục, trong đó đặc biệt chú ý đến những yếu tố như ít chất béo bão hòa, không chất béo chuyển hóa, hạn chế đường và hoạt động thể chất nhiều hơn. Những biện pháp trên đây được xem là cách giảm cholesterol xấu LDL không dùng thuốc. Tuy nhiên nếu những cách giảm cholesterol xấu kể trên không đủ mạnh để đưa nồng độ LDL về mục tiêu điều trị, bác sĩ có thể đề nghị kết hợp thêm thuốc. Một số loại thuốc giảm cholesterol xấu theo toa có thể làm giảm nồng độ LDL, cụ thể như sau:

1.1. Statin

Statin thường là nhóm thuốc đầu tiên mà bác sĩ kê toa để giảm cholesterol xấu LDL, kèm theo đó chúng còn làm giảm nồng độ chất béo trung tính (Triglyceride) và tăng nhẹ nồng độ cholesterol tốt HDL. Nhóm Statin bao gồm những thuốc sau:

  • Atorvastatin;
  • Fluvastatin;
  • Lovastatin;
  • Pitavastatin;
  • Pravastatin;
  • Rosuvastatin;
  • Simvastatin.
Statin thường là nhóm thuốc đầu tiên mà bác sĩ kê toa
Statin thường là nhóm thuốc đầu tiên mà bác sĩ kê toa

Các nghiên cứu còn cho thấy nhóm thuốc giảm cholesterol xấu Statin còn hỗ trợ giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, nhóm Statin có thể gây ra một số tác dụng phụ như rối loạn đường ruột, tổn thương gan (hiếm gặp) và viêm cơ. Theo FDA, lượng đường trong máu cao và bệnh đái tháo đường tuýp 2 cũng có nguy cơ xảy ra cao hơn khi dùng Statin, mặc dù tỷ lệ chỉ là khoảng 1 trên 250 và rõ ràng lợi ích mà nó mang lại sẽ lớn hơn rủi ro này. Một số bệnh nhân dùng statin báo cáo bị mất trí nhớ và nhầm lẫn. FDA đang xem xét các báo cáo đó và lưu ý rằng các triệu chứng không nghiêm trọng và sẽ biến mất trong vòng vài tuần sau khi ngừng thuốc.

1.2. Thuốc tác động lên đường ruột

Bác sĩ gọi những loại thuốc giảm cholesterol xấu LDL này là “nhựa acid mật” hoặc “chất cô lập acid mật”. Chúng tác động bên trong ruột, cụ thể là gắn kết với mật (do gan sản xuất) và giữ cho mật không bị hấp thụ trở lại vào máu. Mật chủ yếu được tạo ra từ cholesterol, vì vậy chúng sẽ làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Những ví dụ của nhóm thuốc này bao gồm:

  • Cholestyramine;
  • Colesevelam;
  • Colestipol.

Một loại thuốc khác là Ezetimibe (Zetia) có thể làm giảm cholesterol xấu LDL bằng cách ngăn chặn hấp thụ cholesterol tại ruột non. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở những bệnh nhân nhồi máu cơ tim, Ezetimibe có thể làm giảm một chút nguy cơ mắc các biến cố tim mạch, chẳng hạn như một cơn nhồi máu cơ tim khác, khi kết hợp với Statin. Đối với thuốc tác động đến acid mật, tác dụng phụ phổ biến nhất là táo bón, đầy hơi và đau dạ dày. Đối với Ezetimibe, những triệu chứng không mong muốn phổ biến nhất bao gồm đau cơ hoặc đau lưng, tiêu chảy và đau bụng.

Ezetimibe (Zetia) có thể làm giảm cholesterol xấu LDL bằng cách ngăn chặn hấp thụ cholesterol tại ruột non
Ezetimibe (Zetia) có thể làm giảm cholesterol xấu LDL bằng cách ngăn chặn hấp thụ cholesterol tại ruột non

1.3. Chất ức chế PCSK9

Nhóm thuốc giảm cholesterol xấu này được sử dụng ở những bệnh nhân không thể kiểm soát được nồng độ cholesterol thông qua biện pháp thay đổi lối sống và điều trị bằng Statin. Cơ chế tác động của nhóm này là ức chế một loại protein có tên là PCSK9 để hỗ trợ cơ thể loại bỏ LDL khỏi máu dễ dàng hơn. Thuốc ức chế PCSK9 chủ yếu được sử dụng ở những người trưởng thành mắc chứng tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử hoặc bệnh nhân tim mạch cần nhiều hơn một loại Statin. Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cần tiêm nhóm thuốc giảm cholesterol xấu này 2 tuần một lần. Một số hoạt chất thuộc nhóm ức chế PCSK9 bao gồm:

  • Alirocumab (Praluent);
  • Evolocumab (Repatha).

Vì nhóm thuốc này mới được phát triển nên sẽ cần thêm thời gian hơn để hiểu rõ hơn về những tác dụng phụ của chúng. Trong các thử nghiệm lâm sàng, những triệu chứng ngoại ý phổ biến nhất của Alirocumab là ngứa, sưng, đau hoặc bầm tím nơi tiêm, kèm theo đó là cảm lạnh và cúm. Đối với Evolocumab, tác dụng phụ ghi nhận bao gồm cảm lạnh, cúm, đau lưng và phản ứng da nơi tiêm thuốc.

1.4. Niacin

Niacin là một vitamin nhóm B, còn được gọi là Acid nicotinic, được tìm thấy trong thực phẩm nhưng cũng có thể bổ sung liều cao thông qua thuốc. Niacin làm giảm cholesterol xấu LDL và tăng cholesterol tốt HDL. Lưu ý: Các nghiên cứu hiện nay không chứng minh việc bổ sung Niacin kết hợp Statin sẽ giúp giảm thêm nguy cơ tim mạch của bệnh nhân.  Những tác dụng phụ chính của Niacin là đỏ bừng mặt, ngứa, tê bì và nhức đầu.

1.5. Fibrate

Fibrate là thuốc tác động làm giảm nồng độ chất béo trung tính (Triglyceride) mà cơ thể tạo ra và đồng thời có thể làm tăng HDL. Một số hoạt chất của nhóm thuốc giảm cholesterol xấu Fibrate bao gồm:

  • Fenofibrate;
  • Gemfibrozil.

1.6. Chất ức chế ATP Citrate Lyase (ACL)

Bempedoic là thuốc giảm cholesterol xấu thuộc nhóm này, hoạt động theo cơ chế ngăn chặn gan xử lý cholesterol. Nó được thiết kế để giúp giảm nồng độ LDL ở người lớn mắc bệnh tăng cholesterol gia đình dị hợp tử, đồng thời cũng giúp giảm LDL ở những bệnh nhân tim mạch do xơ vữa động mạch (ASCVD). Nhiễm trùng đường hô hấp trên, co thắt cơ, tăng acid uric, đau lưng, đau bụng, viêm phế quản, thiếu máu và tăng men gan.

1.7. Omega-3

Một số bệnh nhân thắc mắc liệu chế độ ăn uống bổ sung dầu cá giàu acid béo omega-3 có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không. Các nghiên cứu chưa ghi nhận bằng chứng cho thấy tác động này. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, thuốc omega-3 theo toa có thể giúp giảm Triglyceride và giảm nguy cơ tim mạch ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Bác sĩ đồng thời cũng cảnh báo mọi người không nên sử dụng các sản phẩm bổ sung dầu cá không kê đơn nhằm mục đích giảm chất béo trung tính Triglyceride.

2. Một số khuyến cáo dùng thuốc giảm cholesterol xấu LDL

Khi sử dụng thuốc giảm cholesterol xấuLDL, bệnh nhân cần tuân thủ cẩn thận hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không dùng thuốc theo quy định, chúng có thể không hoạt động theo cách mà bệnh nhân mong muốn. Một số lời khuyên về thuốc giảm cholesterol xấu:

  • Bệnh nhân cần xác định lý do dùng thuốc của bản thân;
  • Uống thuốc giảm cholesterol xấu vào cùng một thời điểm mỗi ngày, không thay đổi cách dùng khi chưa được bác sĩ yêu cầu và ngay cả khi cảm thấy khỏe thì vẫn phải duy trì thuốc đều đặn;
  • Xây dựng thói quen uống thuốc;
  • Không cắt giảm số tiền mua thuốc để tiết kiệm;
  • Không dùng bất kỳ loại thuốc mua tự do hoặc phương pháp điều trị thảo dược nào trừ khi đã trao đổi với bác sĩ trước. Những sản phẩm này có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của thuốc giảm cholesterol xấu.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về những loại thuốc giảm cholesterol xấu để có cách dùng thuốc sao cho hiệu quả nhất, giúp năng cao sức khỏe. Để quản trị cân nặng cũng như đảm bảo lượng cholesterol luôn ở mức an toàn, bạn có thể lựa chọn liệu pháp tiêu hao năng lượng giúp tiêu hao mỡ cấp độ tế bào với công thức độc quyền từ Mỹ.  Liệu pháp giảm cân tiêu hao năng lượng hiện là phương pháp sử dụng một số loại vitamin và các loại khoáng chất cần thiết với công dụng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển hóa mỡ trong cơ thể người. Trước khi thực hiện liệu pháp bạn sẽ được đánh giá sức khỏe cá nhân và thực hiện các xét nghiệm máu cơ bản cũng như đánh giá chỉ số khối cơ thể (BMI). Điểm đặc biệt của liệu pháp này là luôn có bác sĩ đồng hành theo sát cả quá trình thực hiện sao cho phù hợp với thể trạng của từng người cũng như đảm bảo quá trình giảm cân diễn ra được an toàn và hiệu quả nhất.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Mối quan hệ giữa béo phì và cholesterol

Mối quan hệ giữa béo phì và cholesterol

Làm thế nào để tăng chỉ số HDL cholesterol cao hơn?

Làm thế nào để tăng chỉ số HDL cholesterol cao hơn?

Phụ nữ có vòng eo 65 là to hay nhỏ?

Phụ nữ có vòng eo 65 là to hay nhỏ?

Tỷ lệ mỡ cơ thể trung bình của nữ theo từng độ tuổi

Tỷ lệ mỡ cơ thể trung bình của nữ theo từng độ tuổi

Có bao nhiêu loại cholesterol trong cơ thể bạn?

Có bao nhiêu loại cholesterol trong cơ thể bạn?

80

Bài viết hữu ích?